Vua cọ ở Tuyên Quang

05/11/2009 11:50 GMT+7

Từ một sinh viên thất nghiệp, Hoàng Tiến Ngọc trở thành chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất mành cọ. Không chỉ vậy, mô hình kinh doanh thành công của anh còn được nhân rộng ra khắp xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

Con đường trở thành vua cọ của Ngọc cũng gập ghềnh như đường lên xã Phù Lưu.

Đầu làng cuối xã nhiều gia đình đang rầm rập dệt mành, cọ tươi, cọ khô phơi kín trong nhà, ngoài ngõ. Mô hình sản xuất mành cọ đến với xã Phù Lưu nhờ sự năng nổ của Ngọc.

Năm 2005, ở tuổi 25, Ngọc cưới vợ cũng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm và cả hai rơi vào cảnh thất nghiệp. Đứa con ra đời, gia cảnh càng thêm túng thiếu. Quá chán nản với cảnh chờ đợi xin việc, đã có lúc Ngọc trở về làm ruộng với bố mẹ. Đầu năm 2007, anh quyết định tìm đường lập nghiệp.

Hoàng Tiến Ngọc được bình chọn là “Thanh niên sống đẹp, làm kinh tế giỏi” của tỉnh đi tham dự “Hội nghị tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc” năm 2008 tại tỉnh Sơn La.

Qua huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Ngọc ngỡ ngàng trước mô hình người dân sản xuất mành cọ đơn giản, nhưng hiệu quả kinh tế cao. Trong khi đó tại Tuyên Quang, nơi cũng có nhiều cọ, nhưng lâu nay người dân chỉ dùng lá cọ để lợp mái nhà, chái bếp; phần cành làm củi hoặc vứt đi.

Ngay sau đó, Ngọc xin ở nhờ một gia đình làm cọ ở xã Trung Lương (Định Hóa) để học nghề trong vòng một tháng và tìm đầu ra cho sản phẩm. Tháng 6/2007, Ngọc vay bố 10 triệu đồng để khởi nghiệp.

Với số vốn ban đầu ít ỏi trên, Ngọc chỉ đủ mua bốn khung dệt và những phần còn lại đành phải tự tay làm.

Ngọc một mình lặn lội đi mua cọ của các hộ gia đình; tự trèo, chặt cành cọ mang về chẻ ra từng nan to phơi khô; từ nan khô chẻ ra từng nan nhỏ, vót nhẵn và dệt thành mành. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng đòi hỏi kỳ công và kỹ thuật cao từ lúc chẻ mành, phơi đủ nắng, vót đều tay.

Hàng đêm Ngọc tận tụy, cặm cụi chong đèn vót cọ. Những sản phẩm đầu tiên nhỏ lẻ thương lái chưa đến tận nơi thu mua, anh lại phải mang về thành phố Thái Nguyên tiêu thụ. Mỗi mành cọ có giá 35 đến 40 nghìn đồng tùy loại. Dần dà, Ngọc truyền nghề cho vợ, người thân, bạn bè.

Với sự hỗ trợ từ các cán bộ Đoàn ở huyện Hàm Yên, Ngọc xin được giấy phép kinh doanh và thành lập Cơ sở sản xuất mành cọ Thanh Niên. Năm 2008, anh được T.Ư Đoàn cho vay 100 triệu đồng để đầu tư để mở rộng diện tích nhà xưởng.

Cơ sở sản xuất mành cọ đem lại thu nhập bước đầu trên 100 triệu đồng một năm; tạo việc làm thường xuyên cho hơn 12 lao động với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng.

Số tiền trên quả thực chưa lớn, nhưng điều đáng trân trọng chính là mô hình sản xuất của Ngọc đang giúp nhiều thanh niên có việc làm, các gia đình đã có thêm thu nhập nhờ việc bán cọ cho các cơ sở sản xuất (giá 1 triệu đồng/ 1 tấn cành cọ khô, 300 nghìn đồng/ 1 tấn cọ tươi).

Nhiều hộ gia đình ở xã Phù Lưu và các địa phương lân cận đã đến học hỏi mô hình Ngọc. Bây giờ, sản phẩm của Ngọc được người tiêu dùng ưa chuộng không chỉ tại thị trường Tuyên Quang mà còn vươn ra tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa…

Tháng 9/2009, Ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn hỗ trợ đầu tư cho cơ sở của Ngọc tám khung dệt mành và 38 tấn cành cọ để sản xuất mành với tổng trị giá gần 70 triệu đồng.  

 Nguyễn Hà/ Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.