Xung quanh bệnh "ngứa mà không dám gãi": 20.000 sinh viên chỉ có... 2 bác sĩ!

12/01/2007 22:11 GMT+7

Trạm y tế KTX ĐH Quốc gia TP.HCM được thành lập dựa trên giấy phép của Sở Y tế TP.HCM, với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho sinh viên (SV) đang sống, học tập tại Làng ĐH Thủ Đức TP.HCM. Thế nhưng, cả làng ĐH có đến khoảng 20.000 SV và cán bộ công nhân viên nhưng chỉ có 2 bác sĩ theo dõi điều trị bệnh! Bác sĩ Lê Xuân Trung (ảnh) - Trưởng trạm y tế cho biết:

- Trạm y tế có 10 người trong đó có 2 bác sĩ (1 bác sĩ chuyên về răng hàm mặt, 1 quản lý chung, 4 y sĩ, 3 điều dưỡng và 1 vệ sinh). Các y sĩ còn quản lý 4 tổ y tế đặt tại các trường thành viên. Mỗi ngày, có khoảng 50 lượt người vào khám bệnh, có những lúc phải chuyển 3 - 4 trường hợp đi cấp cứu. Công việc của trạm tương đối nhiều, ngoài công tác khám bệnh, chúng tôi phải trực cấp cứu 24/24, trực mảng kiểm tra an toàn thực phẩm cho mấy chục ngàn SV ăn uống tại đây. Hôm nào chúng tôi cũng cử nhân viên xuống nhà ăn xem thực phẩm có tươi sống không.

* Theo bác sĩ, công tác điều trị và khám chữa bệnh ở đây có quá tải không?

- Rõ ràng là quá tải. Chúng tôi cần tuyển thêm các bác sĩ về chuyên khoa như mắt, tai mũi họng... thì công việc mới tốt hơn. Chúng tôi đã đề nghị Ban Quản lý KTX tuyển dụng thêm 2 bác sĩ nữa nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra.

* Ông đã phát hiện căn bệnh "ngứa mà không dám gãi" từ lúc nào?

- Từ tháng 9, trạm đã phát hiện và có thông báo cho SV. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, SV mắc nhiều bệnh như là sốt phát ban, zona, viêm da do tiếp xúc...


Một trường hợp SV mắc bệnh

* Ông đã xây dựng phác đồ điều trị và cách thức phòng chống bệnh như thế nào?

- Chúng tôi đã thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức, họ cũng đã vào phun thuốc rồi. Ban quản lý KTX cũng huy động SV làm cỏ, phát quang, làm vệ sinh môi trường rồi.

* Trong khoảng thời gian dài, bệnh của sinh viên không dứt, tại sao ông không báo cáo tình hình bệnh lên tuyến trên?

- Mọi vấn đề về phòng chống dịch bệnh đều phải theo tuyến. Trước tiên là phải lên Thủ Đức, nếu ngoài khả năng thì họ phải báo lên tuyến cao hơn. Chúng tôi đâu có thuốc để xịt.

* Việc khám chữa bệnh cho SV ở KTX diễn ra hằng ngày như thế nàâo?

- Chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, mỗi khi phát hiện những bệnh lạ, những bệnh truyền nhiễm thì chúng tôi có những biện pháp xử lý. Chủ trương của KTX là hằng tháng chủ động làm vệ sinh môi trường xung quanh, khơi thông cống rãnh. Làm theo công việc thường kỳ của KTX chứ không phải có dịch mới làm. Muốn giải quyết rốt ráo bệnh này thì phải biết nguyên nhân. Thực ra, bây giờ vẫn chưa biết nguyên nhân thì làm sao giải quyết rốt ráo được. Ông thì bảo côn trùng, ông bảo siêu vi, ông bảo viêm da do tiếp xúc... Do vậy, chúng tôi mong muốn nhanh chóng tìm ra nguyên nhân để giải quyết dứt điểm tình trạng bệnh này.

* Nhưng càng để lâu thì SV càng không thể tập trung cho việc học?


Môi trường phía sau khu nhà A14 của KTX không được sạch sẽ - Ảnh: Trí Quang
- Tôi cũng công nhận là SV bức xúc, hoang mang, khó chịu khi mắc bệnh. Mỗi lần SV xuống đây trị bệnh chúng tôi đều giải thích động viên, hướng dẫn cụ thể và thấy các em lạc quan hơn. Việc Báo Thanh Niên nêu vấn đề này đã giúp đánh động các cơ quan y tế vào cuộc. Một điều mà chúng tôi suy nghĩ, lo lắng không kém là vấn đề an toàn thực phẩm. Nếu bị là bị hàng loạt, nhưng rất may là từ trước đến nay chưa bị lần nào.

* Hầu hết SV ở KTX khám bệnh theo bảo hiểm y tế, vậy theo ông có SV nào không đến trạm y tế của KTX khám bệnh?

- Một số SV chưa hiểu được ý nghĩa của việc đóng bảo hiểm y tế. Mặc dù chúng tôi đã có thông báo về quyền lợi được phục vụ khám bệnh miễn phí, nếu bệnh chưa thuyên giảm thì trạm có nhiệm vụ giới thiệu lên tuyến cao hơn để chữa trị miễn phí hoàn toàn nhưng vẫn có một số em chưa hiểu như thế nên đã tự ra ngoài mua thuốc chữa trị.

* Phải chăng là do dịch vụ bảo hiểm y tế ở trạm y tế không tốt?

- Không đâu, SV đi mua thuốc ở ngoài là do nhận thức của họ. Nếu các em đến trạm y tế KTX thì sẽ được bác sĩ khám bệnh kê toa, nhưng ở đây các em chỉ mua thuốc ở quầy thuốc thì gặp dược tá, trình độ chuyên môn của họ chỉ biết bán thuốc.

Sở Y tế TP.HCM bắt đầu vào cuộc

Sau hơn 1 tuần Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng nhiều SV ở Q.Thủ Đức và Q.9, TP.HCM mắc bệnh "ngứa mà không dám gãi", sáng qua 12.1, Ban giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) dự phòng cùng cán bộ khoa Dịch tễ của trung tâm phối hợp cùng Đội y tế dự phòng Q.9 đã đến KTX của Trường CĐ Mẫu giáo sư phạm T.Ư 3 (Q.9) để khảo sát, nắm lại tình hình số SV mắc bệnh, dịch tễ, môi trường, ghi hình (những vết viêm nhiễm trên cơ thể SV, môi trường...). Bác sĩ Lê Thanh Hải - Giám đốc TTYT dự phòng thành phố cho biết: "Qua thống kê lại, trong số 320 SV đang ngụ tại KTX của Trường cao đẳng Mẫu giáo Sư phạm T.Ư 3, hiện có 27 SV mắc bệnh trong đợt mới này. Những vết viêm nhiễm trên da là những vệt dài, chắc chắn là do côn trùng. Tối hôm qua 12.1, TTYT dự phòng thành phố kết hợp cùng Đội Y tế dự phòng Q.Thủ Đức tiếp tục đến khu vực KTX ĐH Quốc gia TP.HCM để khảo sát dịch tễ, môi trường... và bắt côn trùng để đem về xác định xem có đúng là loài côn trùng như lần trước (côn trùng Rove Beetle) hay không để có hướng xử trí thích hợp...".

Chiều qua, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo giao cho TTYT dự phòng tổ chức đoàn khảo sát gồm các đơn vị: TTYT dự phòng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Da liễu, TTYT Q.Thủ Đức, TTYT Q.9 tiến hành khảo sát căn bệnh này và các vấn đề dịch tễ, môi trường... liên quan tại các khu vực có SV mắc bệnh, để xác định chính xác nguyên nhân của căn bệnh và có hướng xử trí thích hợp nhằm ngăn chặn sự bùng phát của bệnh, giúp SV đảm bảo sức khỏe, an tâm học tập, sinh hoạt...

Thanh Tùng

Thiên Long (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.