Giọt mồ hôi trên đất khách

23/06/2012 12:50 GMT+7

Nói tới du học, ai cũng nghĩ phải có rất nhiều tiền. Nhưng ở Nhật, hàng ngàn sinh viên Việt Nam đang theo học tại đây - nhiều người trong số đó là các bạn trẻ con nhà nghèo vẫn học hành tốt. Ở đất nước đắt đỏ và có nền giáo dục cao này, các sinh viên Việt Nam vừa học vừa làm để trang trải cuộc sống, chấp nhận nhọc nhằn để đầu tư cho tương lai.

2g sáng, Bùi Thị Lương Duyên (19 tuổi, Trường Nhật ngữ Akamonkai, Tokyo) đạp xe tới tiệm phát báo Asahi tại Nishigahara (quận Kita) cách nhà gần 2km. Trời Tokyo lạnh lẽo, tôi cũng khoác áo quấn khăn kín mít, tất tả đạp xe theo bạn.

Duyên là hai trong số ít nữ du học sinh (DHS) VN làm công việc này bởi đây là công việc khá nhọc nhằn, thường dành cho các bạn nam. Ở khu vực này, chỉ có Duyên và một bạn nữ nữa đi phát báo, còn lại là 20 nam DHS VN.

 Giọt mồ hôi trên đất khách
Xếp từng chồng báo cẩn thận lên xe đạp, Lương Duyên bắt đầu công việc phát báo lúc 3g sáng - Ảnh: Bình Thanh

Thức khuya dậy sớm

2g30, Duyên thoăn thoắt chuyển báo từ xe tải xuống rồi xếp báo, lồng trang quảng cáo cho các loại báo: nào báo Asahi, báo Tokyo, các báo thể thao, báo nông nghiệp... Duyên chất đầy lên giỏ xe chồng báo nặng và cao ngất ngưởng.

Đúng 3g sáng, Duyên bắt đầu cuộc hành trình, rong ruổi khắp các con đường, ngõ hẻm khu vực phố Komagome và Nishigahara để phát 300 tờ báo. Các cung đường với Duyên giờ đã quá quen thuộc, cô bạn thuộc lòng địa chỉ từng nhà, nhớ rõ từng loại báo khách hàng đặt chứ không "bỡ ngỡ, lộn đường hoài như những ngày mới vào nghề" - Duyên nhớ lại.

 

Con đường vừa học vừa làm

"100% học sinh của trường sang Nhật đều đi làm thêm" - ông Nguyễn Đức Hòe, hiệu trưởng Trường Nhật ngữ Đông Du (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), người hàng chục năm nay đưa học trò VN sang Nhật du học bằng con đường vừa học vừa làm, cho biết. Theo ông Hòe, ngoài mục đích tự thân kiếm tiền ăn học thì đây cũng chính là cơ hội để mỗi bạn trẻ tự trải nghiệm và rèn luyện bản thân trước khi vào đời. Hầu hết DHS sang Nhật đều được ông nhờ bạn bè giúp tìm chỗ làm việc. Những bạn siêng năng và có sức khỏe mỗi tháng sau khi đóng tiền ăn, tiền học có thể để dành cả chục triệu đồng.

Tại Tokyo, lượng khách hàng đọc báo giấy nhiều và phát hành chủ yếu thông qua giao báo tận nhà. Khác với Sài Gòn hay Hà Nội ồn ã bởi tiếng còi xe huyên náo, đường phố Tokyo từ 3g-6g chỉ có những bạn trẻ ngược xuôi chạy xe máy, xe đạp tất bật đi phát báo khắp mọi nẻo đường.

Vào những ngày mưa bão, tuyết rơi công việc còn nhọc nhằn hơn. Hoặc dịp cuối tuần, lễ tết số trang quảng cáo tăng mạnh, áp lực công việc càng lớn vì phải bảo đảm phát báo đúng giờ nếu không muốn bị khách phàn nàn, đồng nghĩa với việc bị nhắc nhở và trừ tiền lương.

Công việc của Duyên là sáng phát 300 tờ báo trên cung đường gần 10km. Buổi chiều Duyên còn phát 200 tờ nữa. Mỗi ngày Duyên dành năm giờ đi phát báo, thu nhập chừng 100.000 yen/tháng (khoảng 26 triệu đồng) sau khi trừ tiền học và thuê nhà. Với cô bạn gia cảnh nghèo khó này, số tiền đủ để cô trang trải cuộc sống tự lập và dành dụm cho kỳ thi ĐH sắp tới.

Khác với Duyên, xuất thân từ gia đình khá giả, không chịu áp lực phải kiếm tiền nhưng Phan Nguyệt Minh (khoa kinh tế, ĐH quốc lập Okayama, tỉnh Okayama) vẫn làm thêm. Ở VN chỉ lo ăn học, chẳng phải đụng tay đụng chân làm gì nhưng từ ngày đi du học, Minh tự nhận đã "cứng cỏi hơn hẳn". Suốt bốn năm qua, cô gái này cặm cụi làm thêm đều đặn tại các quán ăn từ lúc xế chiều đến tận khuya: nào bưng bê, rửa chén, phụ nấu hay dọn dẹp quán hàng, cô làm đủ cả, chẳng nề hà.

Vào cuối tuần được nghỉ học ban ngày, Minh còn kiêm thêm dạy tiếng Nhật cho những người Việt đi xuất khẩu lao động. "Công việc bận bịu, phải làm luôn tay luôn chân khiến nhiều đêm về mệt nhoài, chân tay nhức mỏi chỉ muốn ngủ vùi nhưng tôi vẫn ráng học bài, không dám bỏ bê. Bởi việc học là mục tiêu chính, quan trọng hàng đầu khi tôi quyết định đi du học" - Nguyệt Minh tâm sự.

Cùng với Lương Duyên, Nguyệt Minh là hàng trăm DHS khác, như Trần Trung Hiếu (ngành sửa chữa ôtô, CĐ Kỹ thuật công nghệ thông tin Nhật Bản, tỉnh Osaka) làm bồi bàn, Vũ Thị Ngoan (khoa kinh tế ĐH Shiga, tỉnh Shiga) làm nhân viên siêu thị, Nguyễn Tiến Tùng (ngành xây dựng ĐH Công nghiệp phía tây Nhật Bản, tỉnh Fukuoka) làm phục vụ nhà hàng...

Tấm lòng người Nhật

Bươn chải nơi xứ người, nhiều DHS VN còn nhận được sự giúp đỡ tận tâm và chân tình của người dân Nhật. Có gia đình còn coi những bạn trẻ này như con cái.

 

Được làm thêm 28 giờ/tuần

ông Horie Manabu, hiện là chủ tịch Quỹ giao lưu giáo dục quốc tế (IEEF), cho biết: DHS được phép làm thêm 28 giờ/tuần trong thời gian đi học và 56 giờ/tuần vào các kỳ nghỉ. Số tiền kiếm được nếu chi tiêu hợp lý sẽ đủ trang trải cuộc sống. Đây là điều kiện tốt để DHS nước ngoài dù nghèo khó vẫn có cơ hội đi du học Nhật.

Từ năm 2004 ông Takashi Saito, hiện là cố vấn cao cấp cho Trung tâm truyền hình IBC (TP Morioka, tỉnh Iwate), đã thành lập Hội Bảo trợ thanh thiếu niên VN tại tỉnh Iwate. Là hội trưởng, ông Saito kêu gọi sự giúp đỡ từ bạn bè, các đoàn thể, công ty cùng tham gia hội để bảo lãnh cho DHS VN, chung tay tìm và giới thiệu việc làm thêm cho các bạn. Ngoài ra, hơn 120 thành viên trong hội còn tặng chăn mền, quần áo, hỗ trợ thức ăn, tổ chức vui chơi cho DHS VN tại vùng đất này.

Bạn Nguyễn Thị Lệ (học Nhật ngữ tại Trường CĐ Tin học kinh doanh Morioka) xúc động chia sẻ: "Ông Iioka Kazutomi, bạn của ông hội trưởng, là người giúp tôi tìm việc làm thêm ở tiệm giặt ủi và phát báo, nhờ đó tôi có thu nhập mỗi tháng gần 90.000 yen. Ông luôn nhắc nhở, động viên tôi học hành như một người thân". Đó là động lực để Lệ quyết tâm thi vào cao học trong những ngày này.

Còn với Trịnh Văn Vĩnh, hiện là giám đốc công trường xây dựng Công ty Shimizu (TP Takasaki, tỉnh Gunma), tròn 10 năm học và làm việc tại Nhật đã cho anh thêm một gia đình mới. Bố mẹ nuôi của anh, ông Yuzi Shimizu và bà Yasuyo Shimizu là những người đã cưu mang và chăm lo từ lúc Vĩnh chập chững sang học tiếng rồi thi đậu vào khoa kiến trúc, ĐH Công nghiệp Maebashi. Thương cậu trò nghèo xa xứ mà hiếu học, ông bà Shimizu coi Vĩnh như con, tạo mọi điều kiện hỗ trợ Vĩnh yên ấm chỗ ở, tập trung học và làm thêm khi rảnh. Suốt những năm ĐH không có điều kiện về VN, Vĩnh đều ở lại ăn tết với bố mẹ nuôi, trọn vẹn và ấm áp như ở quê hương.

Không riêng Vĩnh, những DHS VN ở Takasaki đều được đôi vợ chồng tốt bụng ngoài 60 tuổi này giúp đỡ tận tình. "Họ đã nuôi dưỡng tâm hồn, chăm chút cho tôi và nhiều bạn bè. Tôi sẽ tiếp nối chặng đường của bố mẹ nuôi, đỡ đần những DHS nghèo khó phải lăn lộn kiếm tiền ăn học" - Vĩnh bộc bạch. (còn tiếp)

Theo Bình Thanh / Tuổi Trẻ

>> Đề cử cựu du học sinh Úc nổi bật
>> Một du học sinh Việt Nam đạt nhiều giải thưởng tại Nga
>> Du học sinh VN là đại sứ sinh viên quốc tế
>> Ấn tượng du học sinh VN
>> Du học sinh VN đăng quang Miss Beppu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.