Mọi tiến triển mang tính chất khai thông đột phá trong vấn đề hạt nhân tại Triều Tiên chưa thể có được vào thời điểm hiện tại cũng như cả trong thời gian tới. Lý do ở sự khác biệt quan điểm về cách đi vào giải pháp và tiếp cận việc nối lại đàm phán sáu bên ở Bắc Kinh. Năm 2009, CHDCND Triều Tiên đã đơn phương rời khỏi khuôn khổ đối thoại được Trung Quốc dày công gây dựng này và giờ lại sẵn sàng nối lại đàm phán mà không đặt bất cứ điều kiện tiên quyết nào.
Trong khi đó, Hàn Quốc và Mỹ lại muốn CHDCND Triều Tiên trước đấy phải đáp ứng những yêu cầu như ngừng chương trình làm giàu uranium, chấm dứt thử nghiệm tên lửa và để cho thanh sát viên quốc tế trở lại kiểm tra những cơ sở hạt nhân. Nếu đáp ứng những đòi hỏi này thì CHDCND Triều Tiên chẳng khác gì từ bỏ những con chủ bài sáng giá nhất, nộp giao vũ khí và chẳng còn gì để mặc cả với phía bên kia. Vì thế và cả vì thể diện mà sẽ chẳng có chuyện họ chịu chấp nhận điều kiện tiên quyết của Mỹ và Hàn Quốc.
Cũng vì thế mà việc CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc lại đối thoại với nhau lần đầu tiên kể từ năm 2009 về vấn đề hạt nhấn chủ yếu chỉ nhằm mục tiêu giữ cầu, duy trì kênh đàm phán song phương này như một tác nhân và trụ cột không thể thiếu, nếu như không phải là quyết định, cho mọi chiều hướng giải pháp.
Cả hai cũng còn có thể dùng động thái này để giúp đồng minh của họ ở hai phía bớt khó xử trong quan hệ giữa họ với nhau. Có đối thoại trực tiếp với nhau về vấn đề nan giải và nhạy cảm này, dù chưa đạt được kết quả gì, thì vẫn rất đáng được khích lệ.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)