Lạm phát vẫn cao
Trong báo cáo trên, Phó Thủ tưởng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: bên cạnh những kết quả tích cực ban đầu, tình hình kinh tế xã hội nước ta đang đứng trước những khó khăn rất lớn. Cụ thể: Lạm phát tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Giá tiêu dùng tháng 6.2011 tăng 13,29% (bình quân cùng kỳ tăng 16%), vượt chỉ tiêu được Quốc hội thông qua (không quá 7%).
Nguyên nhân của lạm phát cao có yếu tố bên ngoài như giá lương thực, xăng dầu quốc tế tăng và tình hình lạm phát cao đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới và yếu tố bên trong do tác động của việc sử dụng gói kích thích kinh tế từ năm 2008 đến năm 2010 và việc tăng giá điện, xăng dầu, tăng lương cán bộ, công chức.
Mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Lãi suất huy động bình quân tăng khoảng 2,9% so với cuối năm 2010. Chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay khá lớn. Việc vay vốn tín dụng của một số bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khó khăn. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng; tiềm lực của hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán tuy đã được tăng cường nhưng quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển.
Sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt mức 5,57%, thấp hơn chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng năm 2011 đã được Quốc hội thông qua là 7-7,5%.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cần nỗ lực phấn dấu để tốc độ tăng trưởng cả năm đạt khoảng 6%, tạo điều kiện để phấn đấu năm 2012 tăng trưởng đạt khoảng 6,5%.
Quyết liệt thực hiện các giải pháp kiềm chế, giảm dần lạm phát để chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 tăng ở mức 15-17%, phấn đấu để năm 2012 và các năm tiếp theo lạm phát ở mức thấp hơn, trở về mức một con số và thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Áp lực tăng vẫn còn
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH đã cho rằng: áp lực tăng vẫn còn, rất khó để giữ mức 17% vào cuối năm. Giá cả tăng như vậy gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân, trong đó đặc biệt là 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo cũng như những người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình sống ở thành thị.
Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết: Đa số ý kiến trong Uỷ ban này cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ thì yếu tố chủ quan xuất phát từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế (thâm hụt thương mại lớn và kéo dài, bội chi ngân sách cao nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp…) là nguyên nhân chính.
Cũng theo báo cáo thẩm tra: Những tháng đầu năm 2011, việc điều chỉnh tăng giá một số hàng hóa thiết yếu, điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND, tăng lãi suất ngân hàng tập trung dồn dập vào khoảng thời gian ngắn đã làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất, trong khi đó sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong công tác quản lý thị trường với thông tin tuyên truyền còn hạn chế, gây tâm lý không tích cực cho người tiêu dùng, qua đó đã gây phản ứng tăng giá dây chuyền lên nhiều hàng hóa khác.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: trong thời gian 6 tháng cuối năm, Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ thị trường, giá cả, bảo đảm ổn định cung - cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Tập trung chỉ đạo quản lý thị trường, giá cả, chủ động phương án ứng phó trước những biến động của tình hình thị trường hàng hóa thế giới và trong nước, không để xảy ra đột biến giá các mặt hàng thiết yếu; ổn định nguồn cung trong nước, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống. Thực hiện điều hành giá điện, xăng dầu, than theo cơ chế thị trường phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện công khai, minh bạch trong điều hành giá cả theo cơ chế thị trường để các doanh nghiệp và người dân hiểu rõ, có sự chuẩn bị về tâm lý và biện pháp ứng xử.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tài khóa thắt chặt, phối hợp hài hòa với việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng nhằm giảm tổng cầu, giảm sức ép lạm phát năm 2011 và năm 2012. Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp tăng thu, phấn đấu vượt 7 - 8% dự toán thu năm 2011; tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách thấp hơn mức Quốc hội thông qua; tiếp tục rà soát, cắt giảm vốn đầu tư của Nhà nước vào những công trình, dự án không hiệu quả, chưa thật sự cần thiết, tiến độ chậm, kéo dài, tập trung vốn cho các công trình sắp hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2011.
Tuyết Mai
Bình luận (0)