Giữ độc lập cho bầu trời: Hai chiến tuyến cùng nhau đánh giặc

04/09/2016 06:56 GMT+7

Ngay sau 30.4.1975, các phi công trực thăng đã lái máy bay trực thăng UH-1 chiến lợi phẩm đánh trả quân Khơ me Đỏ xâm lược các đảo, biên giới Tây Nam.

Sát cánh cùng nhiệm vụ chiến đấu là những phi công, nhân viên kỹ thuật của chế độ cũ.
Uy lực đại liên 6 nòng
Đại tá Nguyễn Xuân Trường, nguyên trung đoàn trưởng 917 kể: Chiều 1.5.1975, đội “Utiti” gồm 4 chiếc UH-1 vũ trang bay từ sân bay Phù Cát vào Tân Sơn Nhất làm nhiệm vụ tiếp quản. Những chiếc máy bay này vẫn giữ nguyên màu sơn, số hiệu của chế độ cũ nên sở chỉ huy tiền phương phải lệnh cho bay cao khỏi tầm súng của 12,7 mm để tránh bộ đội, du kích ta bắn nhầm. Vừa tròn 3 ngày ở Sài Gòn, cả đội nhận lệnh bay xuống Cần Thơ làm nhiệm vụ đặc biệt, dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Tưởng Phi Đằng, khi đó là trợ lý tác chiến Quân chủng Phòng không - Không quân, chỉ huy căn cứ không quân Cần Thơ.
Chầm chậm ngược dòng ký ức, đại tá Trường kể: Sáng 7.5.1975 lính Khơ me Đỏ tập kích khu vực Vĩnh Gia, Tịnh Biên (An Giang), sở chỉ huy tiền phương lệnh cho UH-1 xuất kích. Lái chính Nguyễn Xuân Trường, lái phụ Cán và 2 xạ thủ Học, Đoan nhanh chóng có mặt tại trận địa để trinh sát chỉ điểm cho máy bay cường kích A-37 oanh tạc và hạ thấp độ cao, dùng rốc két, đại liên 6 nòng tiêu diệt từng ổ đề kháng, đẩy đuổi đám lính áo đen về bên kia biên giới. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi bắn rốc két, đại liên thật và biết địa hình kênh rạch miền Tây” - đại tá Trường thật thà nói vậy và khẳng định: “Kinh nghiệm bay, sử dụng vũ khí được phổ biến ngay cho anh em bay các chuyến sau”.
Liên tục từ 7 - 20.5, đội UH-1 làm nhiệm vụ trinh sát, trực tiếp cùng máy bay A-37 tiêu diệt quân Khơ me Đỏ lấn chiếm vùng Hà Tiên, Châu Đốc và một số đảo trên vùng biển Tây Nam. Ông Hồ Duy Hùng, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch Phú Thọ (Tổng công ty du lịch Sài Gòn) nhớ lại thời điểm là thượng úy phi công trực thăng của trung đoàn 917, trực tiếp đẩy đuổi quân Khơ me Đỏ những ngày giữa tháng 5.1975: Thời điểm ấy rất hiếm phi công UH-1 nên các lái chính có khi bay 10 - 12 tiếng/ngày, làm đủ các nhiệm vụ trinh sát, vận tải, cứu thương và nhất là chiến đấu. Uy lực khiến địch khiếp sợ nhất của UH-1 là 2 khẩu đại liên 6 nòng M134 (còn gọi là Miligan) tiêu diệt được cả xe bọc thép, tàu chiến nhỏ, công sự phòng ngự với tầm bắn hiệu quả 1,5 km. Xạ thủ bắn đại liên chủ yếu là quân nhân của chế độ cũ được ta tạm tuyển. “Do đã quá rành rẽ, có kinh nghiệm sử dụng M134 nên họ bắn rất chuyên nghiệp. Các chuyến bay bảo vệ biển đảo đều bắn nát tàu địch, lỗ chỗ như cái rổ” - ông Hồ Duy Hùng kể.
Kinh ngạc “phi công Việt Cộng”
Đại tá Trịnh Minh Đức, nguyên trung đoàn trưởng 917 thời điểm 7.1978 - 9.1979 hiện đã nghỉ hưu là người gắn bó với lực lượng không quân trực thăng từ khi mới thành lập (5.1975) nên rất rành rẽ: “Lính Khơ me Đỏ cứ nghe tiếng trực thăng là chạy tán loạn. Thậm chí khi được Trung Quốc trang bị súng phòng không 12,7 mm và 14,5 mm để diệt máy bay, củng cố tinh thần quân lính, chúng cũng không bắn rơi được chiếc nào. Suốt 14 năm bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, đơn vị không có tổn thất về người trong chiến đấu”.
Đầu tháng 6.1975, trung đoàn 917 chỉ có 12 phi công trong khi số lượng máy bay gần 200 chiếc, từ trực thăng UH-1 cho đến vận tải CH-47 và trinh sát L-19, U-17. Vì vậy một số phi công của chế độ cũ được tham gia bay trong các nhiệm vụ vận tải, trinh sát thậm chí cả nhiệm vụ chiến đấu. Đại tá Nguyễn Thanh Mua, trung đoàn trưởng 917 những năm 1986 -1998 cười: “Anh em lưu dung bay cùng phi công ta bảo vệ biên giới Tây Nam đều lắc đầu: Hồi xưa chúng tôi chỉ hạ độ cao khi đuổi du kích, gặp bộ đội phải vọt lên vài trăm mét. Không như các anh, toàn treo ngọn cây, cưỡi ô tô mà bắn”.
“Các trận đánh trong thời gian đầu bảo vệ biên giới Tây Nam đều có phi công lưu dung tham gia. Ban đầu anh em còn sợ chết nhưng khi thấy sự tàn ác của quân Khơ me Đỏ và nhất là ý chí của phi công ta, họ hòa nhập ngay vào cuộc chiến đấu” - ông Mua nói.
Chia nhau từng hạt gạo - củ mì
Đến giờ, đại tá - AHLLVTND Lê Hải, nguyên trung đoàn trưởng 937 vẫn không quên được hình ảnh những thợ kỹ thuật lưu dung xách cặp lồng cơm vào làm việc tại sân bay Cần Thơ. “Phi công lưu dung thì ăn cùng phi công ta, anh em kỹ thuật không thể tổ chức bếp ăn do không có chỉ đạo từ trên và cũng không thể cắt khẩu phần bộ đội cho họ. May hồi ấy vệ binh tìm được kho rất nhiều đồ hộp, gạo sấy, lương khô nên tôi lệnh cho trợ lý hậu cần mỗi cuối tuần xuất chia từng anh túi gạo, hộp thịt để họ ăn thêm hoặc mang về nhà nuôi vợ con” - ông Hải kể và lắc đầu: “Mãi mấy tháng sau cấp trên mới giải quyết mỗi người 20 kg gạo/tháng. Anh em lưu dung gọi đùa là gạo Việt cộng”.
Cũng nhớ lại giữa năm 1975, nguyên trung đoàn trưởng 917 Nguyễn Xuân Trường trầm tư: Số phi công lưu dung do lương chế độ cũ cao, mua sắm nhiều tiện nghi trong gia đình nên sau giải phóng còn có ti vi, đồng hồ, xe máy bán dần mua lương thực nuôi gia đình. Tội nhất là anh em kỹ thuật nuôi vợ con rất chật vật. Chỉ huy trung đoàn phải họp thống nhất bớt khẩu phần ăn của bộ đội, mỗi người chỉ 1 nắm gạo/bữa để cuối tuần đưa anh em mang về phụ giúp gia đình. Riêng đồ ăn thức uống chiến lợi phẩm, bộ đội chuyển hết cho phi công, nhân viên lưu dung với lý do “Chúng tôi còn tăng gia trồng rau nuôi heo, các anh mang về cho gia đình để yên tâm làm việc cùng nhau”.
Hồi tưởng câu chuyện cách đây 41 năm, ông Ngô Văn Thành (nguyên chuyên viên sửa chữa khung phòng các loại máy bay của không quân chế độ cũ, hiện đang sống tại Q.7, TP.HCM) thành thật: “Ban đầu ai cũng sợ nhưng dần tiếp xúc mới thấy bộ đội không quân hiền khô, cũng lấm lem như lính thợ và khi nghỉ giải lao, ngồi túm tụm cùng nhau chia từng điếu thuốc, uống chung ly nước”. Riêng ông Nguyễn Nghĩa (chuyên viên sửa máy bay thám thính, hiện đang sống tại H.Nhà Bè, TP.HCM) thì nhớ như in chuyện: buổi trưa ngủ trên nền đất, bộ đội mang hết chiếu cho mượn…
“41 - 42 năm rồi, tất cả đều đã già và chỉ mong gặp lại nhau, ôn lại thời khổ cực nhưng gắn bó bằng tình người” - đại tá Nguyễn Xuân Trường, nguyên trung đoàn trưởng không quân trực thăng 917 ước ao và khẳng định: “Dù là bên thắng cuộc hay thua cuộc thì những phi công, nhân viên lưu dung ngày ấy cũng chung mục đích giữ độc lập, toàn vẹn bầu trời quốc gia và chúng tôi làm được như hôm nay, cũng nhờ có họ”...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.