Giữ hoa văn Đại Việt

12/01/2016 06:23 GMT+7

Trong khi có thể tìm thấy hàng vạn hoa văn Trung Quốc trên mạng thì hầu như không tìm được hoa văn Việt theo cách đó. Hoa văn Đại Việt, dự án thu thập các hoa văn Việt, ra đời.

Trong khi có thể tìm thấy hàng vạn hoa văn Trung Quốc trên mạng thì hầu như không tìm được hoa văn Việt theo cách đó. Hoa văn Đại Việt, dự án thu thập các hoa văn Việt, ra đời.

Sư tử Tây trên áo quan trong phim Mỹ nhân - Ảnh: ComicolaSư tử Tây trên áo quan trong phim Mỹ nhân - Ảnh: Comicola
Người xem giật mình khi hình ảnh Lion King (Vua sư tử) xuất hiện trước ngực áo của một vị quan trong Mỹ nhân - phim cổ trang hiếm hoi năm 2015. Nhưng ảnh chụp hậu trường phim cho thấy còn nhiều con sư tử thêu theo nhiều kiểu dáng khác nhau. Đó là một trong những câu chuyện mà hai nhóm Đại Việt cổ phong, Comicola đưa ra khi vận động gây quỹ Giữ hoa văn Đại Việt. Sự khó khăn khi tái hiện lịch sử trong phim, trong truyện tranh đã khiến các nhóm này muốn gây một quỹ như thế.
“Khi chúng tôi làm cuốn Long Thần tướng cũng phải nghiên cứu nhiều”, tác giả truyện tranh Long Thần tướng - Nguyễn Khánh Dương nói. “Nghiên cứu và thấy rằng càng làm càng thiếu thốn hoa văn. Hoa văn có nhiều công dụng, có thể làm truyện tranh lịch sử, cũng có thể áp dụng làm phim lịch sử hoặc các sản phẩm video”.
“Bạn hãy lên mạng và tìm từ khóa hoa văn Trung Quốc. Bạn tìm được gì. Hàng vạn, hàng chục vạn hình ảnh hoa văn, họa tiết được thể hiện chi tiết và chuyên nghiệp. Nguồn tư liệu dồi dào này giúp cho nền phim ảnh, hoạt hình, truyện tranh, game của Trung Quốc có sức ảnh hưởng vô cùng lớn trong khu vực. Nhưng bạn có tìm được hình ảnh hoa văn, họa tiết nào của VN trên mạng không? Chúng tôi nghĩ là rất khó, bởi lẽ suốt thời gian vừa qua, chúng tôi đã rất đau đầu trong việc tổng hợp tư liệu cho các dự án lịch sử của mình”, nhóm kêu gọi cho dự án Hoa văn Đại Việt cho biết.
Vừa tứ tán, vừa trùng lặp
Ông Nguyễn Ngọc Phương Đông, một lãnh đạo của nhóm Đại Việt cổ phong, cho biết hiện tại bên cạnh tiền, dự án cũng đã thu được khoảng hơn 300 đồ án hoa văn. Mỗi đồ án là một dạng hoa văn khác nhau. Hoa văn trên vải, trên gỗ, trên đá ở các công trình kiến trúc và bia.
Các hoa văn này do nhiều thành viên của nhóm Đại Việt hoặc những người yêu vốn cổ gửi tới. Trước đó, họ đã đi thực tế để chụp hiện vật rồi đồ lại. Mức độ phức tạp của những hoa văn này cũng khác nhau: “Có cái đơn giản như chữ “thọ” thôi. Có cái thêu rồng, phượng, mây hoa phức tạp. Có cái là bảo tướng hoa thời Lê, kết hợp hoa cúc, hoa sen và hoa mẫu đơn”.
Một đồ án hoa văn đền vua Đinh - Lê - Ảnh: Thế Trần
Một đồ án hoa văn đền vua Đinh - Lê - Ảnh: Thế Trần
Ông Nguyễn Khánh Dương, người xây dựng và phát triển hệ thống Comicola, cho biết hiện hầu hết các công ty mỹ thuật, hay công ty sách đều có thư viện riêng. Số tư liệu này có cả hoa văn họ tích được trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, các đơn vị này không có nhu cầu chia sẻ. Bản thân ông Dương biết nếu trên mạng cũng sẽ có những người lấy từ nguồn trong công ty và mang ra chia sẻ bên ngoài, như hoa văn trống đồng hay sen. Nhưng nhìn chung, sẽ có chuyện, vài công ty giữ trùng hoa văn. Công ty này sẽ phải đi đồ lại hoa văn công ty khác đã có, làm đi làm lại vì không ai biết ai có gì, không ai chia sẻ với ai cái gì. “Dự án lần này sau khi hoàn thành xong, mọi người đều có thể lấy về sử dụng được”, ông Dương nói.
Hiện phần góp quỹ bằng tiền cho dự án còn chưa kết thúc, song những hoa văn mà Đại Việt cổ phong góp được cũng đã giúp các thành viên của nhóm làm được nhiều việc. “Khi theo đoàn làm phim Phật hoàng Trần Nhân Tông, tôi cũng sử dụng được rất nhiều hoa văn Việt xưa. Việc thiết kế trang phục phim đều dựa trên các hoa văn đó. Trước đây không có hoa văn nào để chuyển tải vào phim. Giờ thì đã có, và có thể lựa chọn dựa trên cả tính cách nhân vật nữa”, ông Minh Khôi, Hội phó của Đại Việt cổ phong nói. Ông hiện là người thiết kế trang phục cho phim này.
“Giấu” hoa văn cổ
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế kể: “Cuốn Đồ án trang trí mỹ thuật ở đền vua Đinh, vua Lê của tôi được thực hiện từ năm 2005 đến 2012, tập hợp tất cả các hoa văn, họa tiết của đền vua Đinh - Lê, Ninh Bình, được Công ty Xuân Trường ở Bái Đính tài trợ in thành sách. Sách in ít bản, và cũng không quảng bá rộng rãi. Sau này, khi xuống làng đá Ninh Vân, tôi thấy thợ đá ở đó cũng có người có cuốn đó, song họ giữ và giấu kín. Có cuốn sách đó việc đục chạm hoa văn của họ thuận lợi hơn vì thế nên nhiều người không muốn chia sẻ. Trong khi đó, khi làm sách này tôi cũng muốn chia sẻ các hoa văn họa tiết để người thợ có thể làm tốt hơn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.