Để được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chủ quyền “Rau Đà Lạt”, rau phải được sản xuất, chế biến và kinh doanh theo tiêu chuẩn rau an toàn hoặc Viet GAP, Global GAP. Với các điều kiện này, có thể hiểu rằng, những loại rau mang nhãn hiệu "Rau Đà Lạt" đã chính thức được "bảo hành" về sự an toàn, chất lượng.
Đây cũng là xu thế tất yếu của nhu cầu tiêu dùng trong nước và trên thế giới. Nhưng việc cấp chủ quyền nhãn hiệu "Rau Đà Lạt" mới chỉ là bước khởi đầu. Để xây dựng được thương hiệu "Rau Đà Lạt" thì việc quản lý, giám sát, sử dụng nhãn hiệu này một cách hiệu quả, tạo uy tín với người tiêu dùng trong và ngoài nước mới là việc quyết định.
Muốn như vậy, việc đầu tiên là phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định, điều kiện đã đặt ra và có chế tài mạnh với các hiện tượng vi phạm. Bởi trên thực tế, đã có không ít lời phàn nàn của người tiêu dùng nội địa, đặc biệt là các đối tác nhập khẩu nước ngoài về việc sản phẩm vài lần đầu thì chất lượng đạt tiêu chuẩn, nhưng những lần sau đó lại không đảm bảo. Những lô hàng nội thất, sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp... bị trả về đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng hóa VN trên thị trường quốc tế.
Ngay tại thị trường nội địa, người trồng rau Đà Lạt cũng không ít lần bị bầm dập bởi tình trạng rau củ rớt giá thảm hại như các sản phẩm cùng loại do không tạo được sự khác biệt hay bảo đảm về chất lượng cũng như sự an toàn.
Nói như vậy để thấy, việc giám sát chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn cho sản phẩm là điều kiện quyết định việc xây dựng uy tín, thương hiệu cho nhãn hiệu "Rau Đà Lạt" trong thời gian tới. Một vấn đề không kém quan trọng là những vùng chuyên canh tập trung để có thể đáp ứng được các đơn hàng lớn bởi xuất khẩu vẫn là mục tiêu của ngành rau Đà Lạt.
Khó nói đến thương hiệu "Rau Đà Lạt" mạnh ở thị trường quốc tế nếu sản lượng xuất khẩu của chúng ta quá khiêm tốn. Thực tế cho thấy, những sản phẩm nông nghiệp của VN như tiêu, điều, lúa, gạo... được thế giới biết đến đầu tiên là do sản lượng xuất khẩu. Vì vậy, nâng cao sản lượng với các vùng trồng rau tập trung là yếu tố không thể thiếu trong việc xây dựng thương hiệu "Rau Đà Lạt". Một vấn đề cần lưu ý là đăng ký chỉ dẫn địa lý thương hiệu "Rau Đà Lạt" tại những thị trường xuất khẩu tiềm năng mà ta đã và đang hướng tới.
Vụ chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc bị chiếm đoạt tại Trung Quốc; cà phê Đắk Lắk bị một công ty của Pháp đăng ký bảo hộ ở hơn 10 quốc gia là bài học đắt giá cho việc lơ là đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)