Giữa dịch Covid-19: Người Sài Gòn bật khóc ở siêu thị 0 đồng khi được mua đến 400.000 đồng

02/07/2021 19:36 GMT+7

Bà Tuyết bật khóc giữa siêu thị 0 đồng vì được mua thả ga 400.000 đồng. Chồng tai nạn nằm một chỗ, con gái bị giảm lương vì dịch Covid-19 , lâu lắm rồi bà lo miếng ăn mỗi ngày còn khó, nói gì chuyện đi siêu thị...

Ngày 2.7, siêu thị 0 đồng tại trường tiểu học Bình Trị 1 (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM) mở cửa để đón chào những vị khách đặc biệt đến mua sắm. Đó là những gia đình nghèo, cận nghèo, công nhân lao động, những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 trên địa bàn Q.Bình Tân.
Khi đến siêu thị, khách hàng chỉ cần mang theo phiếu mua sắm đã được UBND phường phát tận tay, sau đó thoải mái lựa chọn các sản phẩm mà gia đình đang thiếu.

Bản tin Covid-19 ngày 2.7: Việt Nam chuẩn bị chiến dịch tiêm vắc xin lớn nhất lịch sử

Người nghèo đi siêu thị không nhìn giá

Cầm chiếc giỏ đựng đồ đứng loay hoay giữa siêu thị 0 đồng với đủ thứ gia vị, mì, trứng, gạo, sữa, đồ hộp, bà Lê Hoàng Tuyết (63 tuổi) mắt đỏ hoe, bật khóc. Có quá nhiều món đồ cần mua trước mắt, bà chưa biết lấy loại nào vì đã lâu lắm rồi, bà không được đi siêu thị.

Bà Tuyết bật khóc vì biến cố bỗng chốc ập đến gia đình, đã lâu lắm rồi bà không được đi siêu thị

Ảnh: Vũ Phượng

Bà Tuyết kể, năm ngoái chồng bà bị tai nạn giao thông, nằm một chỗ, con gái bà làm mẹ đơn thân cũng là lao động chính nuôi cả gia đình. Bình thường, con gái bà lương 6 triệu/tháng, cả gia đình đã phải tiết kiệm lắm mới cân bằng được tiền nhà trọ, ăn uống. Mùa dịch Covid-19, giảm lương, mấy miệng ăn dù có tiết kiệm cỡ nào vẫn thiếu trước hụt sau.
Mấy tháng ròng, bà được chủ trọ giảm tiền phòng, nhưng phải xin khất lại vì không gom đủ tiền. Biết hoàn cảnh, chủ trọ cũng đành cho nợ vô thời hạn, khi nào có thì trả. “Mấy tháng qua, nhà tôi phải sống nhờ vào tình yêu thương của họ hàng và bà con lối xóm. Giờ tới đây nhiều đồ quá, lại được mua tới 400.000 đồng, tôi bị ngộp, chưa biết nên mua gì”, bà nghẹn giọng nói.

Có quá nhiều món nhà đang thiếu, bà Tuyết bối rối không biết nên lựa chọn gì

Ảnh: Vũ Phượng

Chị Hoàng Thị Anh (38 tuổi, công nhân may) cũng đi tới lui trong siêu thị 0 đồng, cân nhắc nên mua gì để phù hợp nhất lúc này, món gì xài được lâu nhất, có lợi nhất. Khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Anh được công ty cho nghỉ, chồng chị làm thợ hồ cũng được bữa không. Hai tháng trời sống bằng tiền tiết kiệm, chị đành xin nợ lại tiền nhà trọ.

Cụ bà bật khóc giữa siêu thị 0 đồng cho người nghèo giữa dịch Covid-19

Chị bộc bạch: “Mình ở Bình Tân mà, mấy ngày qua dịch cũng nguy hiểm nên các công trình đi xa thì chồng tôi chủ động không đi để giữ an toàn cho dân nơi đó. Thành ra, cả nhà thất nghiệp. Thường thường chỉ đi ngang đường, thấy có rau gì mua rau đó, chứ tôi có dám vào siêu thị đâu, vào siêu thị cái gì giá cũng nhỉnh hơn ở ven đường”.
Có lẽ vậy nên đứng giữa siêu thị, chị cứ đắn đo mãi, không biết nên mua gì, bỏ lại gì...

Người dân xếp hàng chờ đến lượt đi siêu thị. Trước đó, trên các phiếu mua hàng đều hẹn sẵn thời gian để tránh đông người

Ảnh: Vũ Phượng

Chuỗi siêu thị ý nghĩa này do công ty PNJ phối hợp cùng Sở Công thương TP.HCM, Hiệp doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và sự chung tay của rất nhiều các doanh nghiệp, cá nhân trên khắp cả nước.
Ông Huỳnh Văn Tẩn (Đại diện các chuỗi siêu thị 0 đồng tại TP.HCM) cho biết, sau siêu thị thí điểm đầu tiên tại TP Thủ Đức, có nhiều doanh nghiệp, cá nhân chung tay cùng ban tổ chức để mở rộng chuỗi siêu thị như: Tân Hiệp Phát, Nutifood... Nhiều người đi ngang thấy chuỗi siêu thị ý nghĩa cũng mang vào vài vỉ trứng, ít rau củ để chung tay cùng hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn.

Mỗi khách đến siêu thị sẽ được tặng kèm 1 bịch rau xanh đủ loại

Ảnh: Vũ Phượng

“Chúng tôi hi vọng chuỗi siêu thị 0 đồng sẽ mang niềm vui, trải nghiệm cho bà con đến đây, không phải là đến nhận một món quà từ thiện, mà đó là sự trải nghiệm, được lựa chọn món gia đình đang thiếu để phục vụ sinh hoạt”, ông Tẩn chia sẻ.

Chợ đóng, siêu thị thì không có tiền

Tại siêu thị 0 đồng có đủ các mặt hàng rau, củ, quả, trái cây, gia vị, các sản phẩm y tế, chất tẩy rửa để người dân thoải mái lựa chọn. Theo quan sát, phần đông người dân đều chọn mua trứng, gạo, đồ hộp, gia vị để có thể ăn trong dài ngày.

Thất nghiệp vì dịch Covid-19, chị Anh phải thiếu tiền nhà trọ suốt 2 tháng qua

Ảnh: Vũ Phượng

Ông Nguyễn Văn Trần (56 tuổi) cầm phiếu đi siêu thị 0 đồng mà đôi tay run bần bật. Khi không có dịch, vợ chồng ông sống nhờ xe nước mía, thu nhập mỗi ngày vừa đủ để lo tiền chợ búa, chăm đứa con khuyết tật. Dịch Covid-19 kéo dài, xe nước mía cất vào góc nhà, cả nhà cũng không còn thu nhập nào khác.
Để tiết kiệm chi phí, ông thường chọn mua rau củ ở những xe bán hàng xổ, giá rẻ. Mới đây, Q.Bình Tân đóng hết chợ truyền thống, hàng rong cũng không có. Vì vậy, lần này được cấp phiếu đi siêu thị, mua được 400.000 đồng ông thấy khá hồi hộp. Ông Trần cho biết sẽ chọn trứng, dầu ăn, cá hộp để bảo quản được lâu, dằn bụng được dài ngày.

Những người nhận được phiếu đi siêu thị đều là các gia đình gặp khó khăn vì dịch

Ảnh: Vũ Phượng

Ông Trần chọn nhiều thực phẩm đóng hộp để trữ ăn dần

Ảnh: Vũ Phượng

Để đảm bảo an toàn phòng dịch, siêu thị 0 đồng chỉ để tối đa 3 vị khách đi chợ cùng một thời điểm, những người đến sau được sắp xếp ngồi giãn cách, chờ đến lượt. Trước đó, mọi người đều phải khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt trước khi vào siêu thị.
Ngoài ra, mỗi khách đi siêu thị sẽ được tặng thêm 1 túi rau xanh. Đây là chương trình hỗ trợ của các mạnh thường quân thông qua UBND quận Bình Tân gửi đến bà con gặp khó khăn vì dịch Covid-19.

Điều đặc biệt ở siêu thị 0 đồng là khách đến được lựa chọn đúng món gia đình đang cần

Ảnh: Vũ Phượng

Ngoài điểm tại Q.Bình Tân, trong sáng 2.7, hai điểm siêu thị 0 đồng khác tại Hóc Môn cũng đi vào hoạt động. Dự kiến trong tuần tới, các siêu thị 0 đồng sẽ tiếp tục được mở tại Q.4, Q.8, Q.Gò Vấp và Q.Phú Nhuận để hỗ trợ người Sài Gòn trong lúc lao đao vì dịch Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.