|
Còn nhiều trở ngại
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, thời gian qua, các tỉnh thành ĐBSCL triển khai khá tốt mô hình CĐLK, qua đó nhiều nơi đã thay đổi từ cách sản xuất tự phát, manh mún sang sản xuất tập trung, có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp (DN). Nếu như vụ hè thu năm 2012, diện tích CĐLK chỉ 50.000 ha thì nay đã tăng lên hơn 200.000 ha. Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết trong vụ đông xuân, những nông dân tham gia mô hình CĐLK đạt năng suất từ 8 - 8,5 tấn/ha. Dù giá lúa lên xuống thất thường nhưng bà con sản xuất theo mô hình này vẫn đạt lợi nhuận cao hơn từ 2 - 4 triệu đồng/ha so với bên ngoài, bởi chi phí đầu tư giảm, chất lượng sản phẩm tăng và đầu ra được đảm bảo.
UBND các tỉnh thành ĐBSCL cho rằng mô hình CĐLK là hướng đi đúng đắn để phát triển nền sản xuất nông nghiệp nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp không ít khó khăn. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, trăn trở: “Lâu nay chúng ta cứ loay hoay sản xuất theo kiểu cũ, ai thích giống gì thì trồng giống ấy; còn bán ở đâu, cho ai, giá bao nhiêu thì… mù tịt. Từ khi có mô hình CĐLK đã khắc phục được những vấn đề yếu kém trên. Song, khi triển khai đại trà thì bị vướng bởi một số nơi DN chưa “mặn” tham gia”. Đồng quan điểm trên, ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX nông nghiệp An Lộc (H.Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp), bức xúc: “Vụ đông xuân vừa qua, nông dân HTX ký hợp đồng với công ty Docimexco bao tiêu 200 ha lúa theo giá thị trường. Vậy mà tới ngày thu hoạch, công ty lại mua thấp hơn giá bên ngoài khoảng 200 đồng/kg khiến nông dân bất bình. HTX cũng gặp khó vì không biết ăn nói sao với bà con”.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có 23 DN ký hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa đông xuân 2013 - 2014 trên diện tích hơn 16.709 ha. Thế nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng lại xuất hiện nhiều trục trặc do giá lúa giảm, thị trường xuất khẩu gạo ì ạch, DN chưa tìm được đối tác bán gạo nên hạn chế mua vào. Từ đó xảy ra tình trạng nhiều diện tích tới kỳ thu hoạch nhưng DN không thu mua kịp thời làm nông dân phản ứng.
DN phải là “nhạc trưởng”
PGS-TS Phạm Văn Dư, Phó cục truởng Cục Trồng trọt, lưu ý: “Chúng ta đang ở giai đoạn khủng hoảng thừa nguyên liệu mà lúa gạo là một điển hình. Do đó, tới đây khi phát triển CĐLK cần chuyển từ số lượng sang tập trung nâng cao chất lượng, giá trị để tăng sức cạnh tranh; chứ làm như thời gian qua còn lộn xộn quá”. Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Lê Vĩnh Tân cho rằng sự phát triển của CĐLK còn chậm, chưa được như mong muốn bởi cứ loay hoay tìm “nhạc trưởng”. Để mô hình này hoạt động ổn định thì bản thân DN phải “đặt hàng” nông dân, DN phải giữ vai trò chủ đạo làm đầu mối trong liên kết, ký hợp đồng và tiêu thụ sản phẩm; còn ngành nông nghiệp, chính quyền… cũng sẽ tham gia theo trách nhiệm của mình.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Minh Đức, Chánh văn phòng UBND tỉnh Long An, dẫn chứng từ thực tế ở địa phương: “Phát triển CĐLK ở Long An chậm mà chắc, khi có DN tham gia cùng nông dân thì mới xác định đó là CĐLK. Vì vậy, toàn tỉnh chỉ mới có 9.300 ha lúa đông xuân theo CĐLK với 19 DN bao tiêu, thu mua lúa cho dân cao hơn 150 - 200 đồng/kg so giá thị trường”. DN chủ động đứng ra ký hợp đồng với nông dân, cung ứng vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu thu hoạch. Cách làm này khiến nông dân yên tâm sản xuất, còn DN thì có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đề xuất các bộ ngành T.Ư khi phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo hằng năm nên ưu tiên cho những DN làm tốt mô hình CĐLK; đồng thời có chính sách hỗ trợ về vốn để khuyến khích DN tham gia…
An Lạc
>> “Hưởng lợi' từ cánh đồng mẫu lớn
>> Nhân rộng cánh đồng mẫu lớn
>> Hậu Giang đẩy mạnh phát triển cánh đồng mẫu lớn
>> Cánh đồng mẫu lớn cho năng suất cao
>> Cánh đồng mẫu lớn giúp tăng lợi nhuận cho người trồng lúa
Bình luận (0)