Góc khuất Hà Nội: Lấy vỉa hè làm… nhà

12/08/2015 09:42 GMT+7

Dưới những ánh đèn lung linh trên những con phố sầm uất là cuộc sống bắm vỉa hè của những người vô gia cư. Họ cũng không biết, cảnh màn trời, chiếu đất khi nào chấm dứt.

Dưới những ánh đèn lung linh trên những con phố sầm uất là cuộc sống bắm vỉa hè của những người vô gia cư. Họ cũng không biết, cảnh màn trời, chiếu đất khi nào chấm dứt.

Gia đình chị Nguyễn Hồng Sinh đã 20 năm sống trên vỉa hè
Gia đình chị Nguyễn Hồng Sinh đã 20 năm sống trên vỉa hè - Ảnh: Xuân Mai
Anh Trần Văn Được, 45 tuổi (quê ở Lương Bằng, H.Kim Động, Hưng Yên), lang thang ở Hà Nội từ bé, mẹ mất từ năm anh 3 tuổi. Trí nhớ của anh cũng không được minh mẫn lắm. Anh lên đây làm thuê, kéo xe hàng cho người ta, ai thuê gì thì anh làm đấy. Một tháng anh kiếm được khoảng 400 nghìn đồng...
Để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nhiều Câu lạc bộ (CLB), tổ đội nhóm đã được thành lập để giúp đỡ những người vô gia cư. CLB mang tên “Chia sẻ vì cộng đồng”, được thành lập từ tháng 3 năm 2012, đến nay đã có khoảng 70 thành viên, là những học sinh, sinh viên tham gia. Vào các buổi tối thứ 6 hàng tuần, họ đi phát cơm cho người vô gia cư trên khắp địa bàn Hà Nội.
Có lẽ anh cứ mãi sống ở Hà Nội, lang thang như thế này không về quê nữa, vì ở quê anh không còn người thân, và anh cũng không nhớ gì cả. Ban ngày đi kéo xe, tối về thì ngủ ở vỉa hè chợ Đồng Xuân. Mùa đông giá lạnh cũng chỉ có nilon trải xuống làm chiếu và quấn quanh người. Tết, anh Được lang thang đón Tết ở chợ Đồng Xuân, vì không còn nơi nào để đi nữa. Thi thoảng ốm đau, nhưng vẫn chỉ có mình, tự ốm rồi tự khỏi.
Anh Được nói: “Ngày trước có thằng cu cũng lang thang, ở với anh, thi thoảng có người tâm sự, nhưng vừa rồi nó bỏ anh đi, cũng buồn lắm...”
Ông Dương Đức Hùng, 70 tuổi (quê ở Tân Dân, H.Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), cũng ở chợ Đồng Xuân đã 8 năm. Ông không có gia đình, hay người thân nào ở quê. Ông tìm lên Hà Nội sống với các nghề như: nhặt giấy vụn, ống bơ... bán lấy tiền. Hằng ngày, ông dậy từ 4 giờ sáng, lang thang khắp các con đường ngõ phố, như bờ hồ, Văn Miếu, chợ Long Biên để nhặt vỏ chai bán. Các buổi trưa, gặp đâu thì ông nghỉ đấy, lúc thì gốc cây, lúc thì ghế đá. Khoảng 23 giờ đêm, sau khi các quán trà đá, cà phê vỉa hè thu dọn thì ông mới có chỗ ngủ. Một ngày ông cũng kiếm được từ 30.000 - 50.000 đồng. Với số tiền ấy, ăn uống tiết kiệm ông vẫn để dành ra được một ít phòng khi ốm yếu.
Tuy đủ ăn nhưng ông cảm thấy rất thiếu thốn tình cảm, cô đơn và buồn lắm. Khi được hỏi là ông có mong muốn gì thì ông Hùng nghẹn ngào: “Tôi chỉ mong có sức khỏe, để đi nhặt được nhiều vỏ chai, có tiền để mua gạo ăn…”
Cụ bà tên Thanh (ở Đồng Xuân, Hà Nội) năm nay đã 93 tuổi, sức khỏe giảm sút rất nhiều. Gia đình cụ lục đục, con cái tranh chấp nhà đất, cô con dâu đã đuổi cụ ra khỏi nhà. Ban ngày cụ ngồi ở công viên, tối thì lang thang ra vỉa hè, đoạn đầu đường Phan Đình Phùng, tìm chỗ ngủ. Con cái cũng ở Hà Nội nhưng không ai đoái hoài tới cụ. Một mình cụ lang thang xin ăn, ai cho gì ăn nấy. Cụ Thanh vừa khóc vừa nói: “Bây giờ cụ chỉ muốn được vào trại dưỡng lão thôi, ở đó còn có người mà nói chuyện. Cả ngày lang thang, lủi thủi một mình, buồn lắm... Có con, có cái mà cũng như không”.
Chị Nguyễn Hồng Sinh, 36 tuổi (quê ở H.Kiến Xương, Thái Bình), mưu sinh ở Hà Nội đã hơn 20 năm. Chị sống với mẹ, chị gái và hai con. Con trai Nguyễn Chí Thành 5 tuổi và con gái Nguyễn Thanh Hồng 3 tuổi. Chị không có chồng, gia đình chỉ toàn đàn bà và trẻ nhỏ. Họ ở tạm trên vỉa hè đường Thịnh Yên - Phố Huế. Ngày nào cũng vậy, chị dậy từ 4 giờ sáng dọn hàng nước để bán cho tới tận 24 giờ đêm. Bươn chải cả ngày, cả gia đình cũng kiếm được 100 nghìn đồng, với số tiền ấy thì không đủ cho 5 miệng ăn. Mẹ chị cũng đã có tuổi, bệnh tật nhiều và hay đau ốm. Chị thì bị bệnh khớp, đi lại rất khó khăn, trái nắng, trở trời là đau nhưng tiền ăn còn chả có, nói gì đến thuốc thang. 5 người gia đình chị xin được ở trên vỉa hè, gọi là có chỗ tá túc mỗi đêm.
Chị Sinh tâm sự: “Có những đêm mưa gió, đang ngủ cả nhà phải dậy chạy tìm chỗ trú, có hôm thức luôn đến sáng, đồ đạc thì ướt sạch... Mùa hè còn đỡ, chứ mùa đông thì khổ lắm. Gió cứ lùa thằng vào mặt ấy. Rét căm căm”.
Chị Sinh mong ước: “Chỉ mong là có sức khỏe, kiếm được tiền cho hai con đi học, nhìn con nhà người ta được mặc quần áo đẹp, được đến trường tôi thấy tủi thân và rất thương hai đứa nhỏ. Ở quê thì chả còn ai rồi, chỉ biết bám lấy Hà Nội mà sống thôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.