Cảnh chuyển nồi xuống ghe đưa đi bán khắp miền Tây hồi những năm 1970 tại quận lỵ Tri Tôn (Châu Đốc) đã được học giả Nguyễn Văn Hầu diễn tả như vậy trong quyển du ký nổi tiếng “Nửa tháng trong miền Thất Sơn” của ông. Cái bến ghe đó nay thuộc khu vực cầu Cây Me (thị trấn Tri Tôn, H.Tri Tôn, An Giang).
|
Bến xưa vắng lặng
Bây giờ, bến xưa vắng hoe, chẳng thấy chiếc ghe nồi nào. Cũng chẳng ai biết ngày xưa nó đã từng có thời hoàng kim như vậy. Hỏi nơi làm nồi đất cung cấp cho các ghe năm xưa chuyển đi bán khắp khu vực ĐBSCL nay còn không, ở đâu… cũng chẳng ai biết. Người ta chỉ biết xóm nồi đất Nam Quy.
Xóm nồi đất Nam Quy nằm bên chân ngọn núi Nam Quy (còn gọi Nam Vi, thuộc ấp Phnom Pi, xã Châu Lăng, H.Tri Tôn). Đó là một xóm nhỏ, ngoằn ngoèo với những con đường đất dẫn đưa quanh co. Đi trong cái “trận đồ bát quái” này sẽ bắt gặp rải rác một vài căn nhà, cả gia đình đang cặm cụi mỗi người một việc nặn những miếng đất sét dẻo quẹo thành nồi, niêu, xoong, chảo, cà ràng, lò, cà om, trã, trách...
Ông Chau Sockha (66 tuổi) cho biết người Khmer gọi núi Nam Quy là Phnom Pi hoặc Phnom Pu, có nghĩa là “Núi Đôi”, mặc dù nó nằm lẻ loi một mình. Không biết có phải vì ngọn núi này nằm gần núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang) mà có tên như vậy chăng, cũng chẳng ai dám chắc. Cả việc chúng tôi muốn biết nghề làm nồi đất nơi đây có từ bao giờ, cũng chẳng được ông Chau Sockha cung cấp thông tin một cách cụ thể. Ông chỉ cho biết rằng nghề này có từ xưa, xa lắm, đời cha, đời ông của ông lận. Từ nhỏ, ông đã được ông và cha ông chỉ bảo kỹ thuật nắn đất thành các loại dụng cụ nấu nướng bình dân này và ông đã truyền nghề lại cho các con ông, khi chúng có đủ trí khôn.
Thật ra nghề làm nồi đất ở vùng bán sơn địa này rầm rộ nhất vào khoảng năm 1960. Khi đó, đồng bào Khmer An Hảo, An Lạc (H.Tri Tôn) lấy đất xung quanh chân núi Nam Quy về làm. Đất này dẻo, cho ra những cái nồi mỏng mảnh, duyên dáng, không sợ bể. Tiếng là xóm nồi nhưng người ta không chỉ sản xuất dụng cụ nấu cơm mà còn làm ra những sản phẩm nhà bếp khác, như: trã, trách, cà om, niêu, xsoong, chảo, khuôn bánh khọt, chõ, nòng chắn khói (dùng nấu nước thốt nốt), cà ràng, lò... Tuy nhiên khoảng năm 1965, nghề làm gốm thô Nam Quy ngày một lụi tàn do không cạnh tranh nổi với dụng cụ bếp núc được sản xuất tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp với chất liệu nhôm, thau. Cũng được ưa chuộng như vậy là bếp dầu lửa hầu như ngày một sử dụng rộng rãi từ thành thị tới thôn quê, thay thế cho những chiếc lò đất.
Độc đáo gốm thô
Theo lời những bậc cao niên, thì địa danh An Hảo và An Lạc ngày xưa có lẽ là ấp Phnom Pi bây giờ. Tuy nhiên, qua cả trăm năm khai thác, đất chân núi Nam Quy cạn kiệt. Từ nhiều năm qua, người Khmer làm nồi đất ấp Phnom Pi phải đến chân núi Cấm gần đó tìm kiếm và phát hiện nơi đây cũng có loại đất làm nồi tốt không thua kém.
Để lấy đất sản xuất gốm thô, người dân Phnom Pi phải lội bộ hoặc đạp xe đi từ lúc 6-7 giờ sáng. Công việc này nặng nhọc nên dành cho thanh niên hoặc đàn ông trong gia đình. Đất đem về đổ trên tấm vải bạt trải trên nền đất. Cả nhà xúm lại dùng tay loại bỏ sỏi đá còn sót, sau đó thì rây. Đất tuyển xong được rưới nước rồi nhào trộn và cán thật nhuyễn, thật mịn, thật quánh, thật dẻo. Nước và đất được hòa trộn theo một tỷ lệ thích hợp. Nhiều nước quá đất nhão, ít nước đất khô, tất cả đều rất khó tạo hình sản phẩm, có tạo hình được, nung xong cũng là sản phẩm kém chất lượng. Đáng chú ý là chỉ có đất màu vàng mới dùng làm cà ràng, còn các sản phẩm khác thì dùng đất màu đen. Sản phẩm thô được tạo hình bằng cách đi thụt lùi - cách sản xuất gốm thô của đồng bào các dân tộc ít người, nên mỗi sản phẩm là một “độc bản”. Sản phẩm thô làm xong được phơi 3-4 nắng mới nung trên sân đất bằng cách chất củi, rơm mà đốt khoảng 2 tiếng đồng hồ là ra “lò”.
Sản phẩm gốm thô Nam Quy làm xong có người tới gánh đi bán dạo trong thị trấn Tri Tôn, đi xa chở xe đạp hoặc ghe đi bán ở các vùng nông thôn xa. Thời “vàng son” của gốm thô đã phai tàn, nên đời sống của khoảng 10 hộ sản xuất gốm thô Phnom Pi sống trong cảnh “ăn trước trả sau”, rất cần có chính sách nâng đỡ, bảo tồn nghề gốm cổ của chính quyền địa phương.
Phương Kiều
>> Phát hiện gốm sứ cổ thời Trần, Lê - Mạc
>> Độc đáo gốm sứ Gò Công
Bình luận (0)