Gốm Việt in hình Lạc Long Quân, Âu Cơ của nhóm bạn trẻ TP.HCM

Thúy Hằng
Thúy Hằng
06/03/2020 19:29 GMT+7

Trên những chiếc ly gốm Việt với màu men trắng làm ở làng gốm Bát Tràng, nhóm bạn trẻ TP.HCM in hình Lạc Long Quân, Âu Cơ và tứ bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam.

Gốm Việt in hình Lạc Long Quân, Âu Cơ... thuộc dự án gốm Bát của nhóm 8 bạn trẻ tại TP.HCM, được nhen nhóm từ nhiều năm trước và bắt tay thực hiện cách đây 4 tháng.
Nguyễn Sơn Tùng, 28 tuổi, cựu du học sinh Nhật Bản, trú đường Hải Triều, Q.1, TP.HCM, trưởng nhóm, người lên ý tưởng đầu tiên cho dự án, chia sẻ: “Tôi muốn tạo nên một dòng gốm dùng tư duy mỹ thuật của người trẻ Việt. Làm mới những giá trị cũ, trên sản phẩm đồ gốm Việt Nam kể chuyện văn hóa, lịch sử Việt Nam. Tôi muốn nói với bạn bè quốc tế rằng Việt Nam không chỉ có nón lá, áo dài, bánh mì, cà phê, mà Việt Nam còn có gốm”.

Nhóm bạn trẻ làm mới những giá trị cũ của gốm

Ảnh Sơn Tùng

“Khi du học tại Nhật Bản, tình cờ tôi gặp được một anh du học sinh, cũng tên Tùng. Chúng tôi cùng trò chuyện và được biết gia đình anh Tùng kia có một lò gốm tại Bát Tràng. Ý định làm gốm càng mạnh mẽ hơn trong tôi. Trở về TP.HCM, chúng tôi, những người trẻ yêu giá trị truyền thống, cùng ngồi lại với nhau, làm ý tưởng, thiết kế. Việc sản xuất gốm Việt in hình Lạc Long Quân, Âu Cơ... được thực hiện tại làng Bát Tràng có sự hỗ trợ của anh Tùng năm đó”, Sơn Tùng bộc bạch.
Giải thích về chữ Bát trong dự án của mình, Tùng chia sẻ, chữ Bát trong Bát Tràng. “Gốm Bát Tràng là tên gọi chung cho các loại đồ gốm Việt Nam được sản xuất tại làng Bát Tràng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Theo nghĩa Hán Việt, chữ Bát là bát ăn của nhà sư, chữ Tràng nghĩa là cái sân lớn. Theo các cụ già trong làng kể lại, chữ Bát là kết hợp của bộ 'Kim' và 'bản' ví von sự giàu có và cội nguồn. Dùng chữ Bát như vậy để khuyên răn con cháu 'có nghề có nghiệp cũng không được quên gốc'", Tùng nói.

Gốm Việt kể chuyện lịch sử Việt

Ảnh Sơn Tùng

Tùng lấy logo cho dự án là dấu tương đương, bởi theo anh tìm hiểu đồng tiền vốn dĩ xuất phát từ trao đổi tương đương và nó cũng là hình ảnh của khúc sông hình thành làng gốm Bát Tràng.
Nhóm tập trung vào sản phẩm là ly gốm, bởi sẽ tiện ích hơn trong quá trình sử dụng, cũng như trưng bày, hay sưu tập. Ban đầu dự án đưa ra cộng đồng những sản phẩm có hình vẽ những nhân vật trong truyền thuyết Việt Nam là Lạc Long Quân, Âu Cơ, Tứ bất tử: Thánh Gióng, Tản viên sơn thánh (Sơn Tinh), Chử Đồng Tử, Thánh mẫu Liễu Hạnh. Thời gian tới, hình ảnh trên đồ gốm sẽ là những nhân vật văn hóa, lịch sử khác, theo từng giai đoạn lịch sử.
Hiện cùng làm dự án với Tùng còn 7 bạn trẻ khác, đa phần là sinh viên các trường ĐH, CĐ tại TP.HCM. Đó là Ngô Tuấn Thanh, 20 tuổi, Trường CĐ thực hành FPT. Hai anh em sinh đôi Nguyễn Ngọc Phước Hưng và Nguyễn Ngọc Phước Thịnh, 21 tuổi, ngành thiết kế đồ hoạ Trường ĐH FPT. Bạn Đặng Thục Minh Yến, 23 tuổi, cựu du học sinh Nhật Bản; Nguyễn Thị Ngọc Sang, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ tin học; Nguyễn Ngọc Minh Thư, 22 tuổi, sinh viên ngành thiết kế Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Nguyễn Trần Hồng Nhung, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, ngành quản trị khách sạn.

Hai anh em sinh đôi Nguyễn Ngọc Phước Hưng và Nguyễn Ngọc Phước Thịnh

Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, Nguyễn Trần Hồng Nhung cho biết không chỉ là những hình ảnh nhân vật lịch sử, văn hóa trên đồ gốm Việt, mỗi bộ đồ gốm như vậy trong đó cũng có những câu chuyện được nhóm kể lại bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật.

Hồng Nhung, người dịch những câu chuyện về nhân vật lịch sử trên ra tiếng Anh

Ảnh Sơn Tùng

Là người dịch những câu chuyện về các hình ảnh Lạc Long Quân, Âu Cơ... in trên gốm Việt ra tiếng Anh, Nguyễn Trần Hồng Nhung bộc bạch: “Mong muốn của nhóm là khi sản phẩm gốm Việt này tới tay một ai đó, dù là bạn trẻ Việt Nam, hay bạn là người Nhật Bản hay bất kỳ quốc gia nào, bạn cũng hiểu thêm về đất nước chúng ta. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn kể cho bạn nghe câu chuyện về những người trẻ tìm về những giá trị xưa cũ và mong muốn được hồi sinh những giá trị cổ truyền trong văn hóa Việt Nam”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.