Góp ý các dự thảo văn kiện trình ĐH Đảng XI: Chiến lược con người và công tác cán bộ

25/10/2010 23:37 GMT+7

Trong dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XI của Đảng, vấn đề con người được đánh giá và định hướng phát triển nguồn nhân lực gắn với quốc sách về giáo dục đào tạo; vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của Nhà nước, việc đổi mới công tác cán bộ được đặt ra theo hướng lựa chọn người có đức, có tài.

Đất nước trải qua quá trình 25 năm đổi mới, vấn đề con người VN và lựa chọn cán bộ luôn được đặt ra như một trung tâm của phát triển. Qua các kỳ đại hội Đảng, đường lối về xây dựng con người và đổi mới công tác cán bộ được đặt ra rất nhất quán, nhưng trên thực tế thì vấn đề này có một số mặt tiến bộ nhưng tiêu cực cũng có xu hướng tăng lên. 

Trong quá trình phát triển ở bất cứ quốc gia nào, trong hoàn cảnh nào thì con người luôn là trung tâm. Để dân tộc giàu mạnh, con người của một đất nước phải lựa chọn cho mình một nhóm người ưu tú nhất làm cán bộ lo việc lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành. Nhóm cán bộ được lựa chọn vì lợi ích chung thì mục tiêu phát triển cũng vì lợi ích chung, lựa chọn sai thì hướng phát triển sẽ lệch sang phía lợi ích riêng.

Vấn đề chiến lược con người

Số liệu tự nhiên về con người VN là 85,8 triệu (năm 2009). Phân tích về trình độ học vấn như bảng bên, con số như vậy không phải là quá kém nhưng cũng không phải là một bức tranh tích cực đáp ứng đòi hỏi của tốc độ phát triển hiện nay; chưa kể đến việc cân đong chất lượng trình độ thực so với văn bằng được cấp.

Hàng nghìn năm nay, người VN một nắng hai sương dãi dầu trên đồng ruộng để tồn tại, cùng nhau vất vả để chống chọi với thiên tai, đoàn kết một lòng trước sự xâm lược của các nước lớn. Dân tộc ta tồn tại được là do đặc trưng văn hóa làng xã đã hình thành từ ngàn đời nay gắn kết tất cả mọi người trong cộng đồng dân cư lại làm một.

Vấn đề tồn tại vững chắc đã được khẳng định, nhưng văn hóa làng xã lại tạo nên tư duy làng xã, có thể gây ra trở ngại cho sự phát triển. Thứ nhất, tư duy làng xã gây ra tính cục bộ, địa phương, làm cho mọi vấn đề đều được cân nhắc sao cho địa phương mình, dòng họ mình có lợi trước khi tính đến lợi ích chung của cả nước. Thứ hai, tư duy làng xã sinh ra tập quán coi trọng lệ hơn luật, người đời lên án việc vi phạm lệ nặng nề hơn vi phạm luật, từ đó tự sinh ra thói coi thường pháp luật mà cũng không sao. Thứ ba, tư duy làng xã làm ra cách phô bày hình thức để chứng minh làng xã mình phải hơn những làng xã khác, làm cho mọi việc được đánh giá theo hình thức, mỗi người thường mắc phải "bệnh sĩ". Thứ tư, văn hóa làng xã tạo ra tính cách dễ thỏa mãn với kết quả phát triển, địa phương mình hơn được địa phương bên cạnh là được, không cần phải so sánh trên phạm vi rộng hơn.

Hoàn toàn không khó khăn để thấy được các hệ quả tiêu cực của tư duy làng xã đang làm cản trở quá trình phát triển trong mối quan hệ toàn cầu hiện nay. Quá trình phát triển lúc này đòi hỏi phải có một tư duy rộng hơn và dài hơn, vượt qua làng xã mình để tới được các chuẩn mực quốc tế. Như vậy, cần phải gỡ bỏ tính cục bộ, nâng cao nhận thức lấy pháp luật làm trọng, thay thế các tiêu chí hình thức bằng các tiêu chí nội dung, tính đếm đến kết quả của cuộc đua tranh toàn cầu.

Điểm mấu chốt để làm thay đổi chiến lược phát triển con người VN là thay thế tư duy làng xã bằng một tư duy quốc gia, tư duy quốc tế. Sự thay đổi tư duy này phải bắt đầu bằng sự tác động trực tiếp vào nhận thức của thế hệ trẻ; sau đó là việc thay đổi hệ thống giá trị của con người sao cho phù hợp với tư duy trên phạm vi toàn cầu.  

Vấn đề chiến lược cán bộ

“Điểm mấu chốt để làm thay đổi chiến lược phát triển con người VN là thay thế tư duy làng xã bằng một tư duy quốc gia, tư duy quốc tế”.

Theo số liệu năm 2007, cả nước có 159.796 cơ quan thuộc bộ máy của Đảng và Nhà nước. Làm việc cho khu vực này có khoảng gần 3 triệu lao động và khoảng 600.000 cán bộ lãnh đạo các cấp. Trong nhiều năm nay, vấn đề chất lượng cán bộ nơi này, nơi khác vẫn còn đặt ra nhiều bức xúc, được đánh giá là nguyên nhân của mọi nguyên nhân trong quá trình phát triển.

Những bất cập trong câu chuyện tuyển chọn cán bộ cũng hoàn toàn giống như những tồn tại trong vấn đề con người: đó là sự tác động của tư duy làng xã lên quy trình tuyển chọn.

Thứ nhất, người làm cán bộ chưa ý thức được rõ ràng về vị trí cán bộ, đó là vị trí giúp dân lo công việc chung mà Bác Hồ gọi là công bộc, không phải là vị trí để nắm giữ quyền lực. Đúng ra, thẩm quyền quyết định chỉ là kết quả của quá trình tìm giải pháp hợp lý nhằm giúp dân tốt nhất. Trên thực tế, thẩm quyền quyết định trong quản lý hiện nay đang được hiểu như một quyền lực đặc biệt của cán bộ, nhiều người tìm cách làm theo ý thích cá nhân. Sự lệch lạc về thang giá trị của cán bộ thường bắt đầu từ đây, đó cũng là kẽ hở tạo nên nguy cơ tham nhũng trong tuyển chọn cán bộ.

Thứ hai, việc tuyển chọn cán bộ hiện nay dựa chủ yếu vào các tiêu chí hình thức như tuổi tác, bằng cấp, đã kinh qua công tác ở địa phương... Có thể có một số tiêu chí về nội dung nhưng thường không cụ thể; nội dung quan trọng nhất của cán bộ là năng lực thực lại thường khó nhìn ra.

Thứ ba, yếu tố địa phương, quen biết, cùng hội… đang chiếm ưu thế trong phát hiện và tuyển chọn cán bộ. Cách thức này thường dẫn tới tình trạng cấp trên bao che cho khuyết điểm của cấp dưới.

Thứ tư, một số lớn cán bộ không chịu khó tu bổ tri thức về pháp luật, không có nhận thức là cán bộ phải gương mẫu thực hiện pháp luật để hướng dân làm theo. Đây cũng chính là nguyên nhân của tình trạng khiếu nại hành chính của dân ngày một nhiều hơn.

Biểu hiện cụ thể về những bất cập trong tuyển chọn cán bộ còn có thể kể ra nhiều hơn, nhưng tựu trung lại chỉ là chúng ta chưa quy định chặt chẽ một thang giá trị hợp lý về cán bộ để chỉ ra ai làm cán bộ là đúng. Thang giá trị về con người, về cán bộ luôn thay đổi theo thời gian, sao cho đúng với nhu cầu phát triển. Để hình thành một thang giá trị đúng về cán bộ, cũng cần phải loại bỏ đi tư duy làng xã, thay vào đó kiểu tư duy lấy dân chủ làm gốc.

GS - TSKH Đặng Hùng Võ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.