Góp ý dự thảo luật Công đoàn sửa đổi: Nên giảm kinh phí đóng cho Công đoàn?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
28/09/2020 21:47 GMT+7

Tài chính công đoàn là chủ đề được bàn luận sôi nổi nhất tại Hội nghị tiếp xúc cử tri góp ý cho dự thảo luật Công đoàn (sửa đổi).

Ngày 28.9, tại trụ sở Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM diễn ra Hội nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri lấy ý kiến góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công đoàn.
Đa số đại biểu tán thành giữ nguồn thu phí công đoàn 2% - kinh phí Công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, theo Điều 26 luật Công đoàn 2012.
Phát biểu tại hội nghị, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) lưu ý việc sửa đổi luật Công đoàn cần chú ý đến những công ước về lao động mà Việt Nam đã phê chuẩn. Luật sư Hòa nói: “Tôi chọn phương án vẫn giữ quy định giữ mức đóng kinh phí 2% nhưng cần công khai rõ ràng, minh bạch”.
Đồng thời, luật sư Hòa đặt ra câu hỏi với nơi không có công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên trực tiếp sẽ bảo vệ quyền lợi người lao động như thế nào, đóng góp 2% kinh phí sẽ ra sao, ai giữ?

Toàn cảnh hội nghị

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Một số ý kiến khác băn khoăn mức đóng 2% còn cao. Bà Ung Thị Xuân Hương (Hội Luật gia TP.HCM) đề nghị xem xét giảm còn 1% để giảm áp lực cho doanh nghiệp, đồng thời, trước thông tin về khoản kết dư 29.000 tỉ đồng của Tổng LĐLĐ Việt Nam, cần tính toán mức phần trăm kinh phí phải nộp lên cấp trên.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều đại diện doanh nghiệp tại Hội nghị cũng bày tỏ thẳng thắn về bức xúc của người lao động về việc tại sao cần đóng cho công đoàn cấp trên trong khi công đoàn cơ sở chăm lo tốt hơn cho họ.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch thường trực LĐLĐ TP.HCM, nhấn mạnh: "Về thực chất, khoản 2% kinh phí là cơ sở vật chất của việc đảm bảo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Nếu không có nó thì những câu chuyện về giải quyết vấn đề lao động tại TP cho tới nay đã không diễn ra suôn sẻ”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.