GS Vũ Đức Vượng: Doanh nghiệp chú trọng văn hóa cần được ghi nhận

06/11/2012 06:00 GMT+7

Định cư ở Mỹ nhưng Giáo sư Vũ Đức Vượng vẫn luôn hướng về VN. Hiện ông là Giám đốc chương trình Giáo dục tổng quát ở Đại học Hoa Sen (TP.HCM) và đặc biệt đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về bản sắc văn hóa của dân tộc.

PV Thanh Niên đã “nối mạng” với vị giáo sư (GS) được nhìn nhận đã có nhiều đóng góp trong việc đưa hình ảnh VN đổi mới ra với bạn bè quốc tế, đặc biệt là góp phần làm thay đổi những suy nghĩ một chiều của một số người Mỹ gốc Việt.

Cảm nhận của GS về văn hóa VN đặc biệt ở những điểm nào?

Văn hóa VN trong một thời gian dài vốn truyền khẩu nên về căn bản mình chưa thật sự hiểu nhiều và biết rõ lắm về mình. Viết về văn hóa VN đầu tiên là người Hán, chứ không phải là người Việt. Họ viết từ cách nhìn của họ nên không có mấy thiện cảm. Sau này những người u châu sang, họ bắt đầu tìm tòi về văn hóa VN thì không có sách gì của VN cả. Tiếng Việt cũng không biết nên họ phải đọc sách của Tàu rồi dựa theo đó viết lại bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Cho đến bây giờ các sử gia, các nhà nghiên cứu cũng dùng những sách đó để lặp lại. Những tài liệu đó có giá trị về mặt khoa học, về mặt giấy tờ nhưng nó không phản ánh đúng bản chất của văn hóa VN.

 GS Vũ Đức Vượng - Doanh nghiệp chú trọng văn hóa cần được ghi nhận
GS Vũ Đức Vượng - Ảnh: Đình Phú

Thế thì bản sắc văn hóa của người Việt chúng ta là gì? Tôi nghĩ còn có những điểm “son” trong kho tàng văn hóa Việt, có sức lan tỏa lớn, đó là một bản sắc lâu đời nhất mà ta biết được là bình đẳng giới qua câu chuyện mẹ u Cơ và bố Lạc Long. Câu chuyện này trở nên viên đá gốc của văn hóa Việt. Ngoài  việc dạy dỗ chúng ta về nguồn gốc, nó còn là một chuyện tình rất đẹp, rất nhân bản, và là một trang sử rõ ràng nhất về bình đẳng giới của người Việt nguyên thủy. Tôi chưa tìm được hết những chuyện về nguồn gốc của các dân tộc khác nhưng tôi không nghĩ là có nhiều dân tộc sống được bình đẳng giới như các dân Việt thời ấy.

 

Kinh tế có lúc lên lúc xuống nhưng văn hóa phải luôn là cái gốc bền vững, truyền từ đời này sang đời sau. Doanh nghiệp và doanh nhân, cùng với việc làm ăn của mình mà còn chú trọng đến văn hóa là điều rất đáng được ghi nhận

Bên cạnh đó còn có múa rối nước, một nghệ thuật độc đáo hoàn toàn của người Việt. Nhiều thế kỷ bị người Hán xâm lược, vì biết rằng nó sẽ trưng thu bất kỳ những gì có giá trị, người dân quê sông Hồng tương kế tựu kế vẽ ra một phương sách để giữ mãi mãi bí mật của nghề này, đó là chỉ truyền dạy cho con trai trong gia đình thôi.  Và cứ như thế, dân quê miền Bắc thưởng thức rối nước suốt 9 thế kỷ mà hầu hết những người vùng khác không hề hay biết.

Riêng trên lĩnh vực ẩm thực thì có phở, một món ăn tượng trưng cho người Việt ta, dù món ăn này rất mới trong lịch sử Việt, chưa đầy 100 năm. Phở Việt có thể mang hai ảnh hưởng từ bên ngoài: nước phở nấu bằng xương là từ người Pháp và bánh phở do người Hoa nhập vào, nhưng người Việt hòa hợp hai nguồn này thành một bát phở và có lẽ nó sẽ mãi mãi được nhận diện là của người Việt. Từ năm 1975 trở đi, người Việt ta đã xuất khẩu phở ra khắp thế giới, như một lời chào đầu tiên khi chúng ta gặp mọi người: chúng tôi đến từ VN!

 

GS có nói nhiều tài liệu VN trước đây của nước ngoài có cách nhìn phiến diện về văn hóa VN. Vậy chúng ta phải làm gì để tìm ra cội nguồn nhằm khẳng định đúng bản chất văn hóa của nước mình, thưa GS?

 

Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước,… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Văn hóa VN có từ rất lâu đời. Tôi còn nhớ sự kiện Viện Khảo cổ học phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương, được sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài, đã tiến hành khai quật một hang động ở vườn quốc gia này. Ngành khảo cổ đã thu được các loại rìu đá, mũi nhọn xương, dao cắt bằng đá, vỏ ốc và nhiều xương thú, răng thú…, đặc biệt là phát hiện được 3 ngôi mộ cổ với các bộ xương người hóa thạch còn khá nguyên vẹn. Các nhà khoa học đã xác định những bộ xương này cách ngày nay khoảng 7.500 năm. Có thể nói đây là một dấu ấn sự sống thuở bình minh của lịch sử loài người. Là trang văn hóa độc đáo trong lịch sử phát triển của nhân loại. Như vậy, mình có chứng cứ rõ ràng khẳng định tiền nhân của người Việt đã sống ở vùng đất này 7.500 năm và có thể đến 20.000 năm trước nhưng phần lớn cái mình biết chỉ giới hạn trong vòng 2.000 năm nay, do người khác viết lại mà thôi.

Nhiều lúc tôi nghĩ nếu bây giờ tôi trở lại tuổi 20, có lẽ tôi sẽ đi học về khảo cổ và nhân chủng học. Lý do là tôi muốn tìm lại nguồn gốc các dân tộc Việt. Khác với văn hóa Trung Hoa, hầu hết các dân tộc Việt dùng lối truyền khẩu để tổ chức xã hội cũng như truyền đạt lịch sử cho đời sau, cho nên khảo cổ học là phương tiện hữu hiệu và trung thực nhất để người Việt ở thế kỷ 21 tìm hiểu về nguồn gốc của mình. Chúng ta cần gạt bỏ nhiều lịch sử viết không đúng bản chất về ta do người Trung Hoa viết và sau đó các học giả phương Tây cũng dựa vào các tài liệu này để tìm hiểu thêm về chúng ta. 

Tôi nghĩ nhà nước cũng cần phải đầu tư có chiều sâu vào khảo cổ học, biến nó trở thành một lĩnh vực nghiên cứu lớn. Hiểu về nguồn cội thì mới có thể định hướng cho nền văn hóa của mình và mới có thể thẳng thắn và tự hào khẳng định trước thế giới về bản sắc văn hóa VN, chứ còn bây giờ vẫn còn nhiều chuyện mông lung lắm.

Có vẻ như chúng ta lâu nay dường như chỉ đặt nặng về vấn đề xây dựng thương hiệu lĩnh vực kinh tế mà chưa quan tâm lắm đến xây dựng thương hiệu cho lĩnh vực văn hóa Việt?

Đúng vậy. Về lâu dài có thể khẳng định văn hóa có vai trò cực kỳ quan trọng, thậm chí hơn cả kinh tế. Kinh tế có lúc lên lúc xuống nhưng văn hóa phải luôn là cái gốc bền vững, truyền từ đời này sang đời sau. Doanh nghiệp và doanh nhân, cùng với việc làm ăn của mình mà còn chú trọng đến văn hóa là điều rất đáng được ghi nhận. Tôi lấy làm tiếc vì chúng ta không đặt nặng vấn đề phát huy giá trị văn hóa dân tộc ra nước ngoài. Chúng ta phải luôn thêm bạn bớt thù, lan tỏa bản sắc đến không chỉ cho người Việt ở nước ngoài mà cho cả người bản xứ ở khắp nơi trên thế giới. Cách thu hút sự mến mộ hay nhất bao giờ cũng nhờ vào văn hóa. Cái hay của văn hóa luôn mang tầm ảnh hưởng rất lớn.

Đình Phú

>> Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Tôi tin vào lẽ công bằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.