GS Vũ Hà Văn sáng lập công ty cung cấp dịch vụ giải mã gen

Quý Hiên
Quý Hiên
22/04/2022 20:13 GMT+7

GS Vũ Hà Văn , một trong những nhà toán học người Việt được người dân Việt Nam biết đến nhiều nhất, đã trở thành nhà sáng lập một công ty cung cấp dịch vụ giải mã gen.

Hôm nay 22.4, Công ty cổ phần GeneStory chính thức ra mắt và công bố sản phẩm giải mã gen thế hệ mới nhất. Nhà sáng lập công ty này là GS Vũ Hà Văn, một trong những nhà toán học người Việt được người dân Việt Nam biết đến nhiều nhất những năm gần đây.

Câu chuyện về hành trình đến với giải mã gen của nhà toán học

GS Vũ Hà Văn vốn được biết đến là con trai nhà thơ Vũ Quần Phương; sau này được biết đến bởi ông đạt nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới trong lĩnh vực toán học; và gần đây nhất là bởi ông được tỉ phú Phạm Nhật Vượng mời về làm Giám đốc Khoa học của Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBigdata thuộc Tập đoàn Vingroup.

GS Vũ Hà Văn chia sẻ câu chuyện về hành trình đến với giải mã gen của mình

Quý Hiên

Trong sự kiện ra mắt GeneStory, GS Vũ Hà Văn đã kể lại câu chuyện thành lập công ty cung cấp dịch vụ giải mã gen của mình. Trong chia sẻ của GS Văn, ông đã nhắc lại dấu mốc được tỉ phú Phạm Nhật Vượng mời về Việt Nam thành lập VinBigdata (năm 2018).

“Mục đích thành lập viện là triển khai hoạt động nghiên cứu cơ bản nhưng phải hướng tới khả năng ứng dụng các nghiên cứu đó vào đời sống xã hội”, GS Văn cho biết.

“Nhưng tại sao lại là chương trình nghiên cứu và ứng dụng về gen? Và tại sao lại cần tới hơn 3 năm để thành lập một công ty sử dụng ứng dụng này?” GS Vũ Hà Văn đặt câu hỏi, rồi tự trả lời: “Điều thôi thúc chúng tôi là y học dự phòng, một từ khoá ngày càng quan trọng hơn đối với nền y học thế giới”.

Rồi GS Văn lý giải việc tại sao y học dự phòng ngày càng trở nên quan trọng hơn bằng việc đưa ra ví dụ về bệnh tiểu đường. Đây là một bệnh gây nhiều phiền phức cho người bệnh trong cuộc sống hàng ngày, gây biến chứng nguy hiểm, quá trình điều trị tốn kém. Nhưng với trình độ phát triển của nền y học thế giới ngày nay, người ta có thể phòng được bệnh này nếu biết mình thuộc diện nguy cơ có bệnh tiểu đường cao bằng cách thay đổi lối sống hoặc uống một số loại thuốc nào đó…

“Y học dự phòng không chỉ có ý nghĩa dự phòng mà còn có tác dụng trong việc chữa bệnh. Theo số liệu thống kê, một trường hợp hay phải đi cấp cứu nhất ở Việt Nam hiện nay là sốc phản vệ (phản ứng với thuốc). Không phải do bác sĩ kê thuốc sai bệnh, mà đó là do từng cá nhân người bệnh không phù hợp với một loại thuốc cụ thể (nhưng có thể đáp ứng tốt loại thuốc khác).

Y học dự phòng có thể giải quyết được vấn đề này, đưa ra tư vấn tốt cho bác sĩ là với bệnh nhân cụ thể khi mắc bệnh nghiêm trọng nào đó thì có thể dùng loại thuốc nào. Nếu y học dự phòng phát triển thì nó không chỉ mang lại lợi ích lớn cho người dân là giảm chi phí cho việc khám chữa bệnh, mà còn giúp họ tránh việc phải chịu đựng về mặt thể xác do mắc bệnh”, GS Văn nhận định.

Cũng theo GS Văn, sở dĩ ông và nhóm nghiên cứu của Viện VinBigData chọn nghiên cứu giải mã gen để ứng dụng trong y học dự phòng bởi gen là phương tiện tốt nhất để thực hiện những xét nghiệm cho y học dự phòng. Việc xét nghiệm gen sẽ giúp mỗi người biết mình sẽ dễ bị mắc những bệnh nào, để phòng bệnh thì ăn uống thế nào, khi mắc bệnh thì nên dùng thuốc gì…

GS Vũ Hà Văn giải thích lý do tại sao cần đến hơn 3 năm và nhiều triệu đô la để nghiên cứu:

“Là bởi cần phải nghiên cứu trên một mẫu đủ lớn gen của người Việt. Nếu chỉ đơn thuần làm dịch vụ xét nghiệm gen thì nhà cung cấp dịch vụ chỉ cần làm chân trung gian, gửi mẫu gen của khách hàng cho một công ty nước ngoài, sau đó chờ nhận kết quả. Nhưng những công ty nước ngoài thường làm trên thuật toán được xây dựng trên dữ liệu của họ, mà dữ liệu của họ dựa vào mẫu của người nước ngoài. Độ tin cậy của nó với người Việt thế nào là điều không ai dám chắc.

Nhưng nếu dữ liệu dựa trên nghiên cứu khoa học mà đối tượng nghiên cứu là người Việt, dựa trên đặc trưng gen của người Việt, thì kết quả đáng tin cậy hơn. Đó là lý do chúng tôi mất hơn 3 năm và nhiều triệu đô la để đầu tư cho dự án này. Giờ mới đến lúc chúng tôi có thể đem nghiên cứu của mình ra phục vụ xã hội”.

Những ứng dụng thiết thực

Theo TS Võ Sỹ Nam, Giám đốc khoa học, đồng sáng lập Công ty GeneStory, lợi thế của GeneStory là liên kết với Viện VinBigData, kế thừa kinh nghiệm nghiên cứu của viện này qua việc triển khai dự Giải trình tự 1.000 hệ gen người Việt.

GeneStory quy tụ hơn 50 nhà khoa học hàng đầu thuộc lĩnh vực tin y sinh, y tế đến từ các tổ chức uy tín như ĐH Harvard (Mỹ), ĐH Johns Hopkins (Mỹ), Viện Nghiên cứu ung thư Ludwig (Mỹ), Golden Helix Foundation (Anh), Viện Tin Sinh học Singapore, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec, Trường ĐH Y Hà Nội...

TS Võ Sỹ Nam điều hành một hội thảo về dữ liệu lớn cho y học dự phòng ở Viện VinBigdata

Trọng tùng

Hiện nay, GeneStory là nhà cung cấp duy nhất trên thị trường Việt Nam giải mã một cách toàn diện các chỉ số liên quan đến khả năng đáp ứng thuốc (dược lý di truyền) và tác dụng phụ của thuốc trong điều trị tim mạch, kháng viêm, thấp khớp, tâm thần, ung thư…

Bên cạnh việc cung cấp thông tin về bệnh lý, thể chất, dinh dưỡng để phục vụ điều trị, kết quả giải mã gen từ GeneStory cũng giúp khách hàng phát hiện sớm các gen lỗi, các nguy cơ bệnh hiểm nghèo, mãn tính, bệnh di truyền lặn và bệnh hiếm như ung thư, đột quỵ, béo phì, xơ vữa động mạch, tim mạch, tiểu đường...

Từ đó, GeneStory sẽ phối hợp với các y, bác sĩ đầu ngành tư vấn chuyên sâu và hỗ trợ khách hàng thay đổi thói quen chăm sóc sức khỏe như tầm soát, khám sức khỏe định kỳ, thay đổi lối sống, luyện tập hay thay đổi thực đơn ăn uống.

Đặc biệt, dịch vụ giải mã gen của GeneStory còn có thể phục vụ sàng lọc tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Các bậc cha mẹ có thể biết được cơ thể của con có khả năng chuyển hóa các chất dinh dưỡng như thế nào để tìm một chế độ dinh dưỡng thích hợp. Dịch vụ giải mã gen về tài năng cũng có thể dự báo những tiềm năng nổi bật, các tố chất học thuật, sáng tạo giúp xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp cho trẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.