Gửi bạn gái "kết hôn nhưng vẫn chưa có... gia đình"

24/04/2009 09:30 GMT+7

(TNO) Tình yêu và hôn nhân là hai vấn đề có quan hệ tương tác với nhau. Hôn nhân không có tình yêu thường dễ bị lung lay đổ vỡ; nhưng chỉ tình yêu không thôi cũng không chắc sẽ làm cho hai người có được cuộc sống hạnh phúc. Bởi đời sống hôn nhân không chỉ là sự gắn kết giữa hai con người, mà còn là mối quan hệ huyết thống và dòng tộc.

Hai bạn đã bắt đầu cuộc sống chung bằng một lễ cưới hoành tráng trong sự chứng kiến, chung vui chúc tụng của hai họ, thì cũng chính từ đây, hai bạn đã phải lãnh nhận trách nhiệm với gia đình hai bên.

Nếu trước đó với cuộc sống độc thân, bạn chỉ có trách nhiệm quan tâm đến cha mẹ, anh chị em ruột thịt của mình, thì giờ đây sau kết hôn, bạn phải đối mặt với bổn phận dâu con, hiếu hỷ với bên chồng… Chuyện này bạn phải nghĩ đến trước khi quyết định kết hôn.

Hai bạn đã yêu nhau 5 năm. Suốt thời gian ấy, hoàn cảnh gia đình, lối sống, nếp nhà của anh ấy… bạn chưa tìm hiểu sao? 5 năm, khoảng thời gian không ngắn cho mọi sự hòa nhập và tìm hiểu thông tin về nhau. 

Các bạn gái trẻ cần có sự hiểu biết về lối sống của gia đình chồng trước khi kết hôn. Điều này rất quan trọng, quyết định khả năng tạo dựng hạnh phúc cho các bạn về sau. Bạn sẽ phải lượng giá chính mình, liệu bạn có thể trở thành một thành viên trong gia đình đó được hay không ? Bạn phải trả lời được các câu hỏi: Gia đình chồng là kiểu gia đình hiện đại hay truyền thống? Lối sống của họ thế nào? Giá trị sống của các thành viên trong nhà chồng là gì?  Khi bạn quyết định trở thành người thân của họ, bạn phải thật sự hiểu rằng giữa bạn và họ có một số giá trị chung nào đó, nếu không sẽ xảy ra nhiều xung đột, do mâu thuẫn về quan niệm sống, cách hành xử với nhau.

Cụ thể với tình huống bạn nêu, cảm nhận của tôi là bạn suy nghĩ quá đơn giản. Bạn biết gia đình nhà chồng có khó khăn về tài chính, “đang mắc một món nợ kha khá” mà bạn lại cho rằng không đáng quan tâm. Suy nghĩ là vậy nhưng bạn lại hành động ngược lại, bạn dốc hết tiền đưa cho mẹ chồng trả nợ và hứa mượn thêm tiền để đưa tiếp. Vô tình bạn đã tạo ra cho gia đình chồng một sự cậy dựa và ỷ lại vào khả năng lo toan tài chính của bạn.

Sự chân tình với người thân là tốt, nhưng nếu không khéo, lòng tốt sẽ bị lạm dụng. Cách xử lý của bạn “đưa hết tiền mừng cưới và tiền riêng” cho mẹ chồng là một việc làm gây rắc rối cho bạn về sau. Có thể hành động đó mang lại cho bạn cảm giác rằng bạn là người có giá trị, có khả năng giải quyết chuyện giang sơn nhà chồng; nhưng cũng chính là nguyên nhân làm bạn phẫn uất, nếu bạn phát hiện bạn bị lạm dụng. Và nếu bạn thay đổi thái độ, không tiếp tục đưa tiền cho nhà chồng, sẽ tạo ra sự hụt hẫng nơi họ.

Mặt khác, mọi suy nghĩ của bạn sẽ là võ đoán, nếu thực sự gia đình chồng không nghĩ như bạn, mà chỉ đơn thuần trong lúc khó khăn, họ cần bạn với tư cách con cái trong nhà, phụ lo toan giúp họ. Và bạn, với tình yêu thương chồng và quý mến nhà chồng, bạn đã làm hết sức mình để giúp cho cha mẹ. Sự chu toàn của bạn là một cơ hội tốt để mọi người hiểu và yêu thương bạn hơn.

Hãy suy nghĩ xem bạn đang ở trường hợp nào, vì chỉ có chính người trong cuộc mới cảm nhận được chính xác họ đang gặp phải vấn đề gì.           

Bạn không nên âm thầm buồn bực hoặc tự giải quyết một mình, hãy đem những suy nghĩ và cảm nhận của mình chia sẻ và bàn bạc với chồng, lắng nghe ý kiến chồng, cùng nhau phân tích xem sẽ phải ứng xử thế nào với gia đình trong tình huống này. Hãy nói thật những suy nghĩ của bạn về gia đình chồng cho chồng biết, và nhờ anh ấy giúp giải quyết.

Bạn cũng đừng so đo với những chị em gái của chồng, bởi mỗi người có một hoàn cảnh riêng, việc mua nhà của em chồng, biết đâu là do chồng của cô ấy lo toan, đóng góp…   

Mong bạn sẽ tự tìm ra lời giải cho giải bài toán hôn nhân của mình.

Ths tâm lý Nguyễn Thị Tâm
(Trung tâm Hồn Việt)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.