Gửi tiền đồng, ‘nuôi’ USD

18/07/2014 09:00 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước “bật đèn xanh” cho tăng trưởng tín dụng ngoại tệ khiến tốc độ tăng tín dụng ngoại tệ cao hơn tiền đồng. Điều này cho thấy VND đứng trước sức ép giảm lãi suất thì thị trường mới có thể hấp thụ được nguồn vốn dư thừa trong ngân hàng hiện nay.

Ngân hàng Nhà nước “bật đèn xanh” cho tăng trưởng tín dụng ngoại tệ khiến tốc độ tăng tín dụng ngoại tệ cao hơn tiền đồng. Điều này cho thấy VND đứng trước sức ép giảm lãi suất thì thị trường mới có thể hấp thụ được nguồn vốn dư thừa trong ngân hàng hiện nay.

Gửi tiền đồng, ‘nuôi’ USD
Doanh nghiệp thích vay USD vì lãi suất thấp - Ảnh: Đức Minh

Lợi lớn từ chênh lệch lãi suất

Trong những ngày qua, giá USD tại các ngân hàng (NH) thương mại khựng lại sau đợt giảm giá nhanh nhờ sự “đỡ” giá từ phía ngân hàng nhà nước (NHNN). Ngày 17.7, giá mua USD - mua USD chuyển khoản và giá bán USD của các NH ở mức 21.160 - 21.180 - 21.230 đồng/USD. Giá mua USD của các NH đã thấp hơn giá mua USD của Sở Giao dịch NHNN khi đơn vị này tăng 100 đồng/USD, từ mức 21.100 đồng/USD lên mua ở mức 21.200 đồng/USD. Việc này đã chặn được sự giảm giá của USD trên thị trường, dù nguồn cung USD từ các hợp đồng vay vẫn tăng.

Trên thực tế, việc vay ngoại tệ, gửi tiền đồng vẫn đang được nhiều doanh nghiệp (DN) thực hiện để hưởng chênh lệch lãi suất. Chẳng hạn, một DN có 21,2 tỉ đồng (tương đương 1 triệu USD) gửi tiết kiệm NH lãi suất 7%/năm thu lãi gần 1,5 tỉ đồng/năm. Để có vốn kinh doanh, DN này vay USD tại NH với lãi suất 4%/năm, số lãi phải trả chỉ khoảng 850 triệu đồng, bỏ túi khoản chênh lệch lãi suất trên 600 triệu đồng. Đó là lý do, theo một cán bộ NHNN, một số DN có số dư tiền gửi ở NH vài trăm tỉ đồng nhưng vẫn thực hiện vay vốn ngoại tệ để kiếm lợi.

Cũng bởi khoản lợi nhuận dễ dàng và béo bở này, tín dụng ngoại tệ đang khá nóng. Theo NHNN, đến cuối tháng 6, tín dụng tăng 3,52% so với cuối năm 2013, trong đó tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao ở mức 12,03% trong khi tín dụng VND chỉ tăng 2,17%. Phó tổng giám đốc một NH cổ phần cho hay, việc này đã diễn ra khá lâu trước đây. Những năm 2010 - 2011, NH triển khai cho vay ngoại tệ khá rầm rộ, tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên huy động vượt xa mức 99,5% hiện nay, trên 100%. Để siết lại, NHNN đã quy định chỉ DN có nguồn thu ngoại tệ mới được vay nên tỷ lệ trên đã giảm xuống khoảng 86% vào năm 2013. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay, đơn vị này đã bật đèn xanh cho thêm một số đối tượng được vay ngoại tệ nên tỷ lệ này lại tăng lên 99,5%.

Sức ép giảm lãi suất vay VND

Trong lần trả lời gần đây, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho rằng việc linh hoạt chấp thuận cho các NH cấp tín dụng ngoại tệ chủ yếu tập trung vào các DN có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ. Khi cho vay, bản thân các NH đã chủ động cân đối được nguồn ngoại tệ. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia kinh tế và ngay cả không ít lãnh đạo NH cũng bày tỏ lo ngại việc dồn dập vay sẽ dẫn đến tình trạng căng thẳng trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá khi các hợp đồng đáo hạn.

TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị DN Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng: “Điểm sáng của kinh tế VN đó là xuất nhập khẩu vẫn tăng. DN tính toán thấy cái nào mang lại lợi nhuận cho mình mà không vi phạm pháp luật thì họ sẽ thực hiện. Việc DN gửi tiền đồng nhưng đi vay ngoại tệ, dùng VND nuôi ngoại tệ (lấy lãi từ tiền gửi VND để trả lãi hợp đồng vay USD - PV) là chuyện bình thường. Chuyện tăng trưởng tín dụng là chuyện đáng mừng. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đến mức nào đó sẽ phải dừng lại nên NH cần tính toán đến việc giảm lãi suất vay VND thấp hơn hiện nay để kéo khoảng cách chênh lệch lãi suất VND và USD ngắn lại, kích thích DN vay VND”. Theo TS Lê Thẩm Dương, lạm phát hiện nay đang ở mức thấp, các NH cần giảm thêm chi phí để từ đó giảm lãi suất vay VND thấp hơn.

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.