Hạ lãi vay cũ cho doanh nghiệp

02/04/2014 02:35 GMT+7

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày hôm qua 1.4, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tập trung giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay cũ và đặc biệt phải tăng tốc tín dụng, rải đều tiền trong quý 2.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày hôm qua 1.4, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tập trung giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay cũ và đặc biệt phải tăng tốc tín dụng, rải đều tiền trong quý 2.

Hạ lãi vay cũ cho doanh nghiệp
 Doanh nghiệp vẫn khó khăn do chưa tiếp cận được vốn - Ảnh: Ngọc Thắng

"Tín dụng mới chỉ ngoi trên mặt đất một tí"

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, lạm phát 3 tháng đầu năm chỉ tăng 0,8% so cuối năm 2013. Thủ tướng đánh giá đây là điểm sáng nổi bật nhất trong điều hành của Chính phủ. Nếu không có gì quá đột biến, năm 2014 hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát ở mức 6%, thậm chí thấp hơn. Song hành với sự ổn định của lạm phát, tăng trưởng kinh tế theo đánh giá của Thủ tướng cũng rất tốt khi quý 1 GDP ước đạt 4,96%, cao hơn cùng kỳ hai năm trước (2013 là 4,76% và 2012 là 4,75%). Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đánh giá cao thành tích xuất khẩu trong 3 tháng tăng 14,1% so cùng kỳ năm trước, với tổng kim ngạch đạt 33,35 tỉ USD. Qua đó, giúp nền kinh tế xuất siêu khoảng 1 tỉ USD.

 

Doanh nghiệp tiếp cận vốn còn khó khăn, đề nghị Thống đốc nghiên cứu xem, cộng đồng doanh nghiệp chờ lắm. Lãi suất mới thì thấp nhưng lãi vay cũ 15 - 19%/năm còn nặng nề lắm. Có cách nào cơ cấu lại từ lãi cao xuống thấp

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thống đốc Nguyễn Văn Bình thông báo tăng trưởng tín dụng sau 2 tháng bị âm nay đã dương trở lại, tính đến 31.3 tăng 0,01% so với cuối năm ngoái. Chưa hài lòng với con số này, Thủ tướng đánh giá mức tăng tín dụng 0,01% mới chỉ “đang ngoi lên mặt đất một tí”. “Doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn còn khó khăn, đề nghị Thống đốc nghiên cứu xem, cộng đồng DN chờ lắm. Lãi suất mới thì thấp nhưng lãi vay cũ 15 - 19%/năm còn nặng nề lắm. Có cách nào cơ cấu lại từ lãi cao xuống thấp, kỳ hạn ngắn sang trung hạn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Sự tắc nghẽn tín dụng cũng phù hợp với báo cáo của Bộ KH-ĐT khi trong quý 1/2014 có 16.750 DN phải giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 9,6% so cùng kỳ năm trước. Trước tình trạng này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, NHNN xem xét cơ cấu lại các khoản nợ cũ cho DN khó khăn đang có triển vọng phát triển, phục hồi. “Anh Bình cố gắng đẩy tín dụng ra thêm. Đẩy ra ai vay, chính là DN họ vay, hộ kinh doanh vay. Nghiên cứu thêm các món vay trước đây lãi suất cao, cách tháo gỡ như thế nào để hỗ trợ, giúp đỡ DN", Thủ tướng chỉ đạo.

“Tiền không thiếu, sao giải ngân chậm thế!”

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đặt vấn đề trong 3 tháng nhiều chỉ tiêu đạt tốt nhưng dư nợ tín dụng tăng thấp 0,01% cần phải xem lại thực chất DN tiếp cận vốn như thế nào. Đặc biệt, các dự án công trình đầu tư từ nguồn trái phiếu năm nay được giao sớm nhưng một điều lạ là vẫn không thể giải ngân. “Không hiểu sao giải ngân lại chậm thế, dù tiền không thiếu”, ông Ninh lo ngại.

Trong khi vốn trái phiếu chính phủ không giải ngân được thì vốn đối ứng ODA theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đang thiếu nghiêm trọng. Năm ngoái nhờ bố trí được gần 8.000 tỉ đồng nên cả năm giải ngân được 5,1 tỉ USD/6 tỉ USD vốn ODA đăng ký, một con số rất cao. Còn theo kế hoạch năm nay phải giải ngân khoảng 8 tỉ USD nhưng hiện vốn đối ứng mới chỉ có khoảng 2.000 tỉ đồng. Nguyên nhân “đói” vốn đối ứng, theo ông Hải, là các địa phương thấy có nguồn từ trái phiếu chính phủ “đẩy” sang nên không bố trí vốn ngân sách. “Thủ tướng nên xem xét lại nguồn này, bởi nếu không giải quyết được thì không còn tiền giải ngân, mà các nhà tài trợ ODA đang bắt đầu kêu rồi”, ông Hải đề nghị.

Để tháo gỡ nút thắt vốn của nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành bám sát nghị quyết của trung ương, triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, chú trọng tăng tổng cầu đầu tư. Ngoài đẩy tín dụng ra, cần tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. “Vốn có sẵn rồi, anh Đinh Tiến Dũng tới đây phải tính phát hành cho phù hợp, để tránh tăng chi phí. Phải đẩy mạnh đầu tư công, giải phóng mặt bằng. Anh Vũ Văn Ninh và Hoàng Trung Hải tính cho kỹ, ngoài vốn Quốc hội tập trung cho dự án nào thì phải đẩy nhanh. Quốc lộ 1A và 14 không thể để thiếu vốn, các đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Long Thành - Dầu Giây… phải cố gắng đảm bảo”, Thủ tướng yêu cầu.

Trước báo cáo của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng về nhu cầu làm 4.000 cầu treo dân sinh, Thủ tướng khẳng định là việc cần phải làm. Trước mắt, tập trung làm 136 cầu treo đang bức xúc bằng nguồn vốn dư từ QL1A.

Hai Phó thủ tướng chỉ đạo điều tra nghi án hối lộ trong ngành đường sắt

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều tối qua 1.4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết về nghi án hối lộ 80 triệu yen của nhà thầu Nhật JTC tại dự án đường sắt đô thị số 1 Hà Nội, dù mới là nguồn tin nhưng Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo khẩn trương phối hợp với bạn điều tra làm rõ. Có tới 2 Phó thủ tướng chỉ đạo. “Bên lề một hội nghị cấp cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Thủ tướng Shinzo Abe, lời đầu tiên nói là chúng ta hãy phối hợp chặt chẽ, điều tra thận trọng và xử lý nghiêm minh, nếu là thật thì phải rút kinh nghiệm để ngăn chặn. Chúng tôi sẽ cố gắng để sự việc không ảnh hưởng đến việc cung cấp ODA”, Bộ trưởng Nên cho biết.

Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ khẳng định thái độ xử lý với vụ việc rất quyết liệt, từ Chính phủ đến Bộ GTVT, một Thứ trưởng Bộ GTVT cũng đã qua Nhật. Theo Bộ trưởng Nên, “ngành giao thông cũng nói đây là chuyện lạ. Vốn ODA có 2 phương thức, vốn vay thông thường và vốn vay STEP, có quy định bắt buộc chỉ cho nhà thầu Nhật Bản tham gia. Sự thật nắm được là nhiều nhà thầu tham gia, nhưng cuối cùng chỉ còn một, có vấn đề gì ở chỗ này, chúng ta phải rất thận trọng. Quan điểm là điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh, thận trọng, khách quan. Nhưng phải xem xét, người đưa hối lộ là Nhật. Để xử lý được là câu chuyện dài, cơ quan công an đã vào cuộc”.

Theo Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son, tại cuộc họp tái cơ cấu VNPT diễn ra hôm 31.3, đã thống nhất quyết định tách MobiFone khỏi VPNT, tập trung tái cơ cấu theo lộ trình cổ phần hóa đã xác định. Thời gian tới sẽ hình thành thị trường viễn thông, 6 nhà mạng với 3 nhà mạng trụ cột theo quy hoạch, hình thành thị trường cạnh tranh, lành mạnh.

Mai Hà

Hàng triệu Việt kiều có nguy cơ mất quốc tịch VN

Tham dự tại phiên họp Chính phủ hôm qua 1.4, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN Nguyễn Thiện Nhân cho biết theo Nghị định số 78 của Chính phủ, kể từ ngày 1.7 người VN định cư ở nước ngoài quá 5 năm nếu không đăng ký lại quốc tịch sẽ không được công nhận. Trong số 4 triệu Việt kiều hiện nay, mới có 6.000 người đi đăng ký lại. Nếu vẫn giữ quy định này sẽ có hàng triệu người có nguy cơ mất quốc tịch VN. Vì vậy, ông Nhân đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa luật để có quyết định.

Liên quan đến công dân VN sang Trung Quốc lao động ngày càng nhiều thời gian qua, ông Nhân cho biết xảy ra tình trạng các lao động không chính thức khi vào Trung Quốc phía hải quan nước này yêu cầu phải ký một tờ giấy công nhận Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc mới cho vào làm việc. Chủ tịch MTTQ VN đề nghị Chính phủ lưu ý và giải quyết thực trạng này.

Anh Vũ

 >> TP.HCM: Thêm nhiều ngành được hỗ trợ lãi vay
>> Lãi vay tiêu dùng vẫn cao
>> Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hạ lãi suất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: 'Nếu thấy Asiad 18 khả thi mới làm 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.