Những nữ soạn giả cải lương hiếm hoi: Hà Nam Quang đi khắp đồng bằng sông Cửu Long

Hoàng Kim
Hoàng Kim
02/10/2021 06:14 GMT+7

Đồng bằng sông Cửu Long đầy hãnh diện khi có một soạn giả nữ hiếm hoi đã cống hiến 500 bài vọng cổ và 100 kịch bản cải lương cùng rất nhiều chập cải lương ngắn. Đó là soạn giả Hà Nam Quang - cái tên không chỉ rất quen thuộc của đồng bằng mà còn quen thuộc với nhiều nghệ sĩ TP.HCM.

Còn nhớ cách đây khoảng 8 - 9 năm, tôi vào rạp xem một vở cải lương, ngồi cạnh tôi là một phụ nữ có gương mặt phúc hậu, quay sang nhìn tôi cười cười. Làm quen mới biết bà là soạn giả Hà Nam Quang (tên thật: Hà Thị Mỹ Dung), lớn hơn tôi vài tuổi. Hà Nam Quang nổi tiếng khắp đồng bằng sông Cửu Long đây mà! Tôi vẫn “văn kỳ thanh” mà nay mới “kiến kỳ hình”.

Tôi ngạc nhiên sao bà từ An Giang lại lên Sài Gòn đi xem cải lương, siêng dữ vậy! Bà cười: “Chị đi dự trại sáng tác kịch bản sân khấu tại 5B (Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ TP.HCM - NV), buổi tối tranh thủ đi xem các vở đó em. Đâu phải lúc nào cũng gặp vở đang diễn, phải coi liền, không thể bỏ lỡ”. “Trời, cả ngày dự trại, tối còn đi xem tới khuya, khỏe dữ vậy chị?”, tôi hỏi thì bà đáp: “Khỏe thì không khỏe lắm, nhưng mình phải tận lực, thời gian trôi qua không quay lại được. Xem vở của đồng nghiệp, mình học hỏi được điều này điều kia, chứ đóng cửa viết một mình e rằng sẽ có lúc chủ quan”. Đã 60 tuổi rồi, bà vẫn khiêm tốn học hỏi người khác, tôi thật sự nể bà.

Sau này tôi còn gặp lại soạn giả Hà Nam Quang nhiều lần trong các cuộc hội thảo, tọa đàm về sân khấu, hoặc khi bà dự trại sáng tác, hoặc bà đi xem nghệ sĩ thu âm, thu hình bài vọng cổ, chập cải lương nào đó của mình. Hình như thời gian bà cộng tác với đài truyền hình, Hội Sân khấu và anh chị em nghệ sĩ TP.HCM khá nhiều, cứ thấy bà ở Sài Gòn thường xuyên. Bà không có chồng con gì, nên cũng không bận bịu gia đình. Bà sống được bằng nghề cầm bút, tự lo cho mình, vừa năng động lại vừa an nhiên tự tại. Gương mặt bà rất hiền lành, miệng cứ như mỉm cười một cách tự nhiên, hầu như mọi người đều quý mến.

Soạn giả Hà Nam Quang và đạo diễn Trần Văn Hưng

Tư liệu

Kho tàng sáng tác về miền Tây Nam bộ

Sinh năm 1954 tại An Giang, từ nhỏ đã mê cải lương nên Hà Nam Quang theo học ngành diễn viên sân khấu, nhưng không kịp lên sàn diễn thì 1975 đã thay đổi con đường của bà. Bà chuyển sang công tác tại Đài truyền hình TP.HCM rồi đến Đài truyền hình Cần Thơ. Năm 1978, bà ngưng vai trò phát thanh viên, cầm bút viết vở cải lương đầu tay Ngọn cờ Long Hưng được Đoàn văn công TP.HCM dàn dựng. Đó là động lực khiến bà theo luôn nghề cầm bút.

40 năm làm soạn giả, gót chân Hà Nam Quang đã đi khắp đồng bằng sông Cửu Long và rất nhiều tỉnh, thành khác. Bà thu góp vốn sống để tái hiện lại trong một kho tàng khá đồ sộ là 100 vở cải lương dài và 500 bài vọng cổ. Chất miền Tây Nam bộ ngọt ngào đã giúp bà có những câu từ dễ thương, đi vào lòng người. Bà luôn chú ý khắc họa một miền Tây phóng khoáng, trữ tình, nhân nghĩa, đặc biệt là khắc họa cuộc sống nông thôn với những cái mới, cái trẻ đang vươn lên đầy hy vọng, hoặc những cái non yếu, cần chỉnh sửa với lời ca châm biếm vui vẻ. Bà không đao to búa lớn, chỉ nhẹ nhàng nhắc và nhẹ nhàng đi vào trái tim người ta. Người sao văn vậy, từ giọng nói, ánh mắt, cư xử của bà, hình dung ra tác phẩm là như thế đó. Và cách làm việc quy củ, kỷ luật của bà khiến những ai từng dự các trại sáng tác đều nể phục. Đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng từng nhận xét: “Soạn giả Hà Nam Quang không chỉ viết sung sức mà chị còn ghi chép cẩn thận, soạn đề cương nghiêm túc, đi đứng đúng giờ, không làm phiền bất cứ ai trong các lần dự trại. Chúng tôi rất nể chị”.

Những vở tiêu biểu như Cội nguồn, Vua hai ngôi, Món nợ ân tình, Vườn mận của mẹ… và các bài vọng cổ tiêu biểu Vườn tiêu quê mẹ, Tình không muộn, Như loài hoa ấy, Tôi còn thiếu nợ… vẫn được khán giả miền Tây nhớ tới. Nhiều đoàn cải lương tỉnh vẫn thích dựng vở của Hà Nam Quang. Bà hay nói: “Miền Tây là cái nôi của vọng cổ, cải lương cho nên lúc nào tôi cũng mong mình góp phần cho vọng cổ, cải lương tồn tại và phát triển ở miền Tây. Tình hình cải lương ngày càng khó khăn, các đoàn tỉnh thu hẹp, lực lượng sáng tác không còn nơi để gửi tác phẩm của mình, thì họ sẽ không theo nghề nữa. Sau tôi, không biết có còn thế hệ trẻ nào muốn cầm bút viết cho cải lương? Mình phải nghĩ tới đội ngũ kế thừa, nếu không cải lương sẽ đứt đi nguồn mạch sáng tác”.

Nỗi lo của bà không thừa. Bởi hiện nay lực lượng sáng tác cho cải lương ngày càng hiếm hoi, nói chi đến soạn giả nữ. Đáng tiếc khi tháng 5.2021, soạn giả Hà Nam Quang đã ra đi mãi mãi, hưởng thọ 68 tuổi, để lại một khoảng trống cho cải lương đồng bằng sông Cửu Long và cả TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.