Hà Nội bỏ HĐND cấp phường có vi hiến ?

15/11/2019 00:00 GMT+7

Rất nhiều đại biểu tán thành việc để Hà Nội thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường, bởi tổ chức bộ máy hiện tại đã cho thấy quá nhiều nhược điểm. .

Thảo luận tại nghị trường chiều 14.11 về thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội, các đại biểu lặp lại những tranh cãi cách đây hàng chục năm khi quyết định thí điểm bỏ HĐND cấp quận và cấp phường tại 10 địa phương trên cả nước.
Đề án Chính quyền đô thị của Hà Nội đã được xây dựng cách đây vài năm và ngay từ những buổi hội thảo lấy ý kiến chuyên gia lần đầu, một số người đã cho rằng nếu bỏ HĐND cấp phường là vi hiến, vì điều 110 Hiến pháp quy định một cấp chính quyền phải có cả HĐND và UBND. Đây cũng là quan điểm của đại biểu (ĐB) Lê Thanh Vân (Cà Mau).

Chưa trao quyền thực sự cho ĐB HĐND địa phương ?

Không đặt vấn đề về cơ sở lý luận, nhưng ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) và ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lại cho rằng đề xuất này thiếu bằng chứng về hiệu quả thực tế. Nêu hiện tượng “chúng ta đã bắt gặp trên truyền thông những gương mặt ngơ ngác của các vị lãnh đạo ở cơ sở, khi xảy ra vụ việc cứ coi như không biết, lảng tránh sự giám sát của xã hội”, nhưng ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, vấn đề căn bản nhất là chưa trao quyền thực sự cho những ĐB HĐND địa phương. Thay vào đó, “cơ chế của chúng ta biến họ thành phần phụ, thành những cái máy giơ tay”. ĐB Quốc tán thành việc cắt tầng nấc trung gian, nhưng cho rằng phường là nơi gần dân nhất, nên bộ máy ở cơ sở phải được tăng cường.
“Ở đô thị khác với nông thôn, những con người tứ xứ đến, không ràng buộc bởi những quan hệ xã hội hay những quan hệ truyền thống, chỉ có dân chủ có thể điều chỉnh được”, ĐB Quốc nêu quan điểm.

Tổ chức bộ máy nhà nước đã đến lúc phải thay đổi

Lo ngại an ninh khi miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển

Sáng 14.11, góp ý đề xuất quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển tại dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN, ĐB Nguyễn Thúy (Đà Nẵng) đề nghị cần cân nhắc vì cho rằng, quy định này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Theo ĐB Thúy, dự thảo lấy lý do luật hóa Quyết định 80 năm 2013 của Thủ tướng về cơ chế đặc thù phát triển huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) (trong đó cho phép người nước ngoài vào đây được miễn thị thực 30 ngày - PV) nhưng lại thiếu bằng chứng thuyết phục về sự cần thiết tiếp tục thực hiện quy định này. “Thực tế hơn 4 năm thực hiện ở một huyện đảo xa đất liền là Phú Quốc không có nghĩa là có thể áp dụng cho các khu vực kinh tế ven biển khác”, ĐB Thúy phản biện và cảnh báo trong bối cảnh vùng biển nước ta đang bị vi phạm nghiêm trọng thì quy định như dự thảo có thể dẫn đến nguy cơ cao hơn về sự xâm nhập của người nước ngoài dưới danh nghĩa du lịch. “Việc mở cửa biên giới cho người nước ngoài cần đi liền với tăng cường quản lý trong phạm vi lãnh thổ, nguyên tắc tối thượng là không vì tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và các lý do kinh tế mà làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”, ĐB Đà Nẵng nêu quan điểm.
Ở chiều ngược lại, rất nhiều ĐB tán thành việc để Hà Nội thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường, bởi tổ chức bộ máy hiện tại đã cho thấy quá nhiều nhược điểm. ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng, trong công cuộc đổi mới, VN đã đạt được nhiều kết quả đáng quý trong cải cách kinh tế và cải cách hành chính, nhưng trong tổ chức bộ máy nhà nước lại “cơ bản còn giậm chân tại chỗ”, do đó đã ít nhiều làm hạn chế kết quả của 2 lĩnh vực trên.
ĐB Phan Thị Bình Thuận (TP.HCM) nêu lại kết quả thí điểm bỏ HĐND tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư trước đây và kết quả thăm dò cho thấy nhân dân đánh giá cao thí điểm này (53% cho rằng quyền đại diện vẫn được bảo đảm, chính quyền đã quan tâm hơn đến nguyện vọng của nhân dân; trong khi chỉ 5% cho rằng quan tâm kém hơn trước) và cho rằng, nhìn chung hoạt động của HĐND phường, thị trấn còn yếu kém, chủ yếu quyết lại vấn đề cấp trên đã quyết, giám sát cũng chỉ mang tính hình thức, nhân dân chưa tin tưởng vào vai trò đại diện của HĐND. Tin tưởng thí điểm sẽ cho kết quả tốt hơn, bà Thuận kiến nghị Quốc hội cho phép thí điểm tại cả một số tỉnh khác, để có thể đánh giá chính xác hơn tác động của chính sách, nhằm nhanh chóng tìm ra một mô hình chính quyền phù hợp.
ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), một đại diện của địa phương từng thí điểm bỏ HĐND phường, quận, cũng ủng hộ đề xuất này, bởi với kinh nghiệm của Đà Nẵng, chính quyền đô thị rõ ràng phải có sự khác biệt, cần phải phản ứng nhanh nhạy hơn trong chính sách.

“Nếu vi hiến đã không trình ra Quốc hội”

Trước tranh luận của các ĐB, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải (ĐB Hà Nội) khẳng định đề án của Hà Nội không vi hiến. “Đề án được xây dựng xuất phát từ nhu cầu của TP, là một đô thị phát triển nhanh, muốn xây dựng một bộ máy gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, gần dân hơn và đáp ứng yêu cầu của người dân tốt hơn”, Bí thư Hà Nội lý giải và cho rằng có một mô hình chính quyền mới là nhu cầu thực sự của các địa phương, chứ không riêng gì Hà Nội. “Ngay từ khi xây dựng lần đầu, chúng tôi đã rất chú ý nội dung này. Nếu qua tổ chức hội thảo lấy ý kiến, các chuyên gia cũng như các nhà quản lý nói là vi hiến, thì chúng tôi đã không trình ra Quốc hội”, ông Hải nói thêm.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, người được ủy quyền thay mặt Chính phủ trình đề án thí điểm, cũng một lần nữa khẳng định “cơ sở pháp lý và cơ sở chính trị” của đề xuất đã được nghiên cứu kỹ. “Đây là việc tổ chức lại mô hình chính quyền đô thị của Hà Nội thành chính quyền 2 cấp, chứ không phải bỏ HĐND cấp phường. Như vậy thì cấp phường không phải là cấp chính quyền, mà nó là đơn vị hành chính trực thuộc cơ quan hành chính cấp trên”, Bộ trưởng Tân nói và cho biết Bộ Chính trị quyết định vẫn giữ chữ UBND phường thay vì ủy ban hành chính, để tránh xáo trộn trong quá trình thí điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.