Hà Nội ra mắt ứng dụng cảnh báo người dân 'khu vực nguy hiểm' với Covid-19

Vũ Hân
Vũ Hân
19/03/2020 17:39 GMT+7

Hà Nội vừa chính thức ra mắt ứng dụng hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 trên điện thoại di động. Người cài ứng dụng này có thể nhận được cảnh báo về khu vực nguy cơ cao về dịch.

Được cảnh báo khi đến gần khu vực có người mắc Covid-19

Theo thông báo của TP.Hà Nội, Trung tâm Công báo của TP đã kết hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) xây dựng phần mềm hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, với mục tiêu “mọi người dân cùng thành phố chung tay đẩy lùi dịch bệnh”.
Trên điện thoại thông minh, mọi người có thể tải ứng dụng Hà Nội Smartcity trong kho ứng dụng của iOS hoặc Android.
Với người dân, ứng dụng cung cấp thông tin về dịch bệnh mới nhất; các địa chỉ liên lạc với cơ quan y tế khi cần thiết; cơ sở dữ liệu của những người mắc Covid-19, những người nghi ngờ, phải cách ly…
“Ứng dụng cho phép người dân có thể cập nhật tình hình dịch bệnh của thành phố, các thông báo mớibản đồ dịch bệnh để tránh các khu vực có nguy cơ cao. Người dân cũng có thể phản ánh cho thành phố những thông tin về sức khỏe của mình, người xung quanh, các trường hợp nghi nhiễm… để có thể một cách nhanh nhất”, đại diện Trung tâm Công báo Hà Nội cho biết.
Với chính quyền và cơ quan chức năng, ứng dụng cho phép họ giám sát những người mắc Covid-19, những người phải cách ly tập trung và những người cách ly tại cộng đồng, những người đã hết thời hạn cách ly nhưng vẫn phải giám sát y tế… qua GPS được kết nối giữa điện thoại và hệ thống điều hành trung tâm.
Hệ thống này giúp chính quyền đảm bảo người bị cách ly không đi quá bán kính 30 m (sắp tới sẽ thiết lập khoảng cách là 20 m). Nếu người cách ly đi quá phạm vi cho phép thì hệ thống sẽ cảnh báo cho người cách ly biết, cũng như nhắn tin đến cán bộ của địa phương, người thân trong gia đình, tổ dân phố… để có thông tin và có biện pháp phù hợp.

Giao diện ứng dụng Hà Nội SmartCity

Ảnh V.H

Với người bị cách ly, hệ thống giúp họ có thể thường xuyên cập nhật sức khỏe hàng ngày, trao đổi với các cơ sở y tế, chính quyền và khai báo các lộ trình mình đã đi, người mình đã gặp gỡ… để giúp người thân phòng tránh kịp thời hơn.
Người bị cách ly cũng có thể nhận thông tin xét nghiệm của mình từ các trung tâm xét nghiệm ngay khi có kết quả, cũng như thông tin về tình hình sức khỏe của mình hàng ngày.

Học được gì từ thành công của Hàn Quốc?

Giám sát bằng công nghệ cũng là biện pháp đã được Hàn Quốc áp dụng với ứng dụng “tự chẩn đoán” (Self Diagnosis App) trên điện thoại di động.
Do nước này không áp dụng biện pháp ngưng nhập cảnh, nên khách du lịch đến Hàn Quốc đều được yêu cầu cài ứng dụng này trên điện thoại, nếu không, họ có thể bị từ chối nhập cảnh.
Người sử dụng sẽ phải gửi trạng thái sức khỏe của mình một ngày 2 lần qua app để thông tin đến chính quyền. Nếu họ có triệu chứng ban đầu của Covid-19 trong hơn 2 ngày liên tiếp (ho, sốt…), Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc và chính quyền địa phương sẽ theo dõi để thực hiện các biện pháp cần thiết.
Những người bỏ bê việc gửi tình trạng sức khỏe cũng sẽ được các cơ quan y tế theo dõi để xác định vị trí cũng như tình trạng hiện thời của họ (do lúc nhập cảnh, tất cả đã phải cung cấp một số điện thoại có thể liên lạc được qua “thủ tục nhập cảnh đặc biệt”).
Theo tài liệu của Chính phủ Hàn Quốc (do Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cung cấp), trong số tất cả các khách du lịch được theo dõi thông qua ứng dụng “Tự chẩn đoán”, tính đến 11.3, 985 trường hợp đã được các cơ quan y tế theo dõi sức khỏe dựa trên khai báo qua ứng dụng, 155 trong số đó đã được xét nghiệm Covid-19 và tất cả đều được xác nhận âm tính.
Thống kê ngày 12.3 cho thấy, qua 1 tháng áp dụng, 88,5% số người đã cài app và 86,9% số người đã thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe của mình.
Những người không thể tải xuống ứng dụng trên điện thoại (người già, người sử dụng điện thoại 2G) được liên lạc và theo dõi thông qua một tổng đài trong 14 ngày.
Với người tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 (mà Việt Nam gọi là F1), Chính phủ Hàn Quốc cũng thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để theo dõi và kiểm tra thông qua sử dụng lịch sử giao dịch thẻ tín dụng, camera giám sát và cả dữ liệu GPS trên điện thoại di động khi cần thiết.
Đây được coi là một trong những bài học thành công của Hàn Quốc.
Thông tin có liên quan của những người này (được ẩn danh) được cung cấp cho công chúng để những người có tiếp xúc với các trường hợp dương tính có thể đi xét nghiệm. Các trường hợp tiếp xúc gần đều phải tự cách ly và được giám sát từng người một bởi các nhân viên của Bộ Nội địa và An toàn Hàn Quốc, cũng như chính quyền địa phương.
Để giám sát việc tự cách ly, người bị cách ly sẽ liên hệ chặt chẽ với một nhân viên của Chính phủ thông qua “ứng dụng bảo vệ an toàn”, cho phép nhân viên đó theo dõi các triệu chứng của người bị cách ly hai lần mỗi ngày và được cảnh báo khi người bị cách ly vi phạm. Việc theo dõi vị trí GPS qua điện thoại chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của các trường hợp tiếp xúc gần.
Các bệnh viện được cấp quyền truy cập vào lịch sử di chuyển của một số người đến từ vùng dịch có nguy cơ cao như Trung Quốc, Nhật Bản, Iran và Ý để hỗ trợ sàng lọc các trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19.
Luật pháp của Hàn Quốc cũng có điều khoản cấm những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 (tiếp xúc trong khoảng cách 2 m với bệnh nhân, bắt đầu 1 ngày trước khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng) rời khỏi Hàn Quốc trong vòng 14 ngày.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng sửa đổi luật để thực hiện các hình phạt nặng hơn (phạt tù tới một năm và/phạt tới 10 triệu won - khoảng hơn 180 triệu đồng) khi vi phạm việc cách ly.
Tính đến ngày 12.3, hơn 22.000 người Hàn Quốc được xác định là có tiếp xúc gần với bệnh nhân, bị cấm rời khỏi Hàn Quốc.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.