Hà Nội, TP.HCM thuộc nhóm về chót trong kiểm soát tham nhũng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
02/04/2019 13:13 GMT+7

Hà Nội, TP.HCM đều nằm trong nhóm có điểm thấp nhất trong chỉ số kiểm soát tham nhũng khu vực công , theo Báo cáo PAPI 2018 vừa được công bố sáng 2.4.

Theo kết quả Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018, mỗi địa phương đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, không có địa phương nào thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 8 chỉ số nội dung.
Lạng Sơn và Bắc Giang thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở sáu trong số tám chỉ số nội dung. Tuy vậy, Bắc Giang vẫn thuộc về nhóm đạt điểm trung bình thấp ở nội dung "Trách nhiệm giải trình với người dân".
Một kết quả thú vị được TS Đặng Hoàng Giang, thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ tại buổi công bố cho biết, ở nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, năm 2018 đạt trên mức trung bình với mức điểm cấp tỉnh dao động từ 5,52-7,61/10 điểm.
Trong 4 nội dung thành phần, ‘Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công’ là nội dung có số điểm tổng cao nhất; hai nội dung thành phần khác có mức tăng điểm so với các năm trước là ‘Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương’ và ‘Công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công’.
“Tuy nhiên, điểm ở nội dung ‘Công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công’ vẫn còn rất thấp (1,11 điểm) cho thấy tuyển dụng nhân lực vào khu vực công còn gây nhiều bức xúc trong công chúng”, TS Giang nói.
Theo kết quả của báo cáo, 3 tỉnh phía Nam gồm Bến Tre, Vĩnh Long và Tây Ninh thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở cả bốn nội dung thành phần.
Kết quả chỉ số nội dung kiểm soát tham nhũng khu vực công và quản trị môi trường Ảnh PAPI.ORG.VN
Đặc biệt, Bến Tre là tỉnh đạt điểm cao nhất ở hai nội dung ‘Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công’ và ‘Quyết tâm chống tham nhũng’.
Ngược lại, Đắk Lắk thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất ở cả 4 nội dung.
“10 trong số 16 tỉnh thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất đến từ phía Nam. Tuy nhiên, Hà Nội và TP.HCM đều ở trong nhóm đạt điểm thấp nhất”, TS Giang cho hay.

Người dân không hài lòng về quản trị môi trường ở các địa phương

Không chỉ thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất trong kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, Hà Nội, TP.HCM cũng thuộc nhóm bị điểm thấp nhất trong quản trị môi trường - một chỉ tiêu mới được đưa vào khảo sát năm nay.
Kết quả báo cáo cho thấy, người dân người dân không hài lòng với hiệu quả quản trị môi trường ở địa phương năm 2018. Điểm các tỉnh, thành phố chỉ đạt dưới mức trung bình, dao động từ 3,54 - 6,74/10 điểm.
Theo TS Đặng Hoàng Giang, người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền núi phía Bắc có xu hướng đánh giá chất lượng không khí và chất lượng nguồn nước tốt hơn, và cũng cho rằng chính quyền địa phương nghiêm túc trong việc yêu cầu doanh nghiệp tại địa bàn tuân thủ yêu cầu bảo vệ môi trường hơn so với người dân ở các vùng khác.
Tuy nhiên, 3 thành phố trực thuộc T.Ư là Hải Phòng, TP.HCM và Hà Nội đều thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất ở cả ba nội dung thành phần (gồm nghiêm túc trong bảo vệ môi trường; chất lượng không khí; chất lượng nguồn nước sinh hoạt).
Các tỉnh khu vực Tây Nguyên, các tỉnh công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên cũng thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất ở cả ba nội dung.
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam. PAPI đo lường hiệu quả của công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân với dữ liệu được thu thập thường niên.
Sau 2 năm thí điểm 2009 và 2010, khảo sát PAPI bắt đầu thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011 tới nay. Báo cáo PAPI 2018 được thực hiện dựa trên ý kiến chia sẻ của 14.304 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc trong năm 2018. Từ năm 2009 đến năm 2018, PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của 117.363 lượt người dân thông qua phỏng vấn trực tiếp.
Từ năm 2018, PAPI gồm 8 chỉ số nội dung, gồm 6 chỉ số nội dung gốc (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng tron gkhu vực công, thủ tục hành chính công; và cung ứng dịch vụ công); và hai chỉ số nội dung mới (quản trị môi trường và quản trị điện tử).
Báo cáo PAPI 2018 là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm nghiên cứu Phát triển và hỗ trợ cộng động (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ VN (VFF-CRT), Công ty phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.