Hai anh em và con tim cùng “lỗi nhịp” đầu đời

21/07/2010 22:53 GMT+7

Một cụ già 90 tuổi viết hồi ký, nhớ lại giây phút con tim của mình (và em trai) “lỗi nhịp” thuở đầu đời hẳn là chuyện hết sức kỳ thú! Chuyện xảy ra đã hơn 70 năm mà vẫn để lại những dấu ấn trong ký ức ông. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên bởi ông luôn là một nghệ sĩ lớn... >> Mặc áo dài là khoác lên người quốc thể

Sáu là một cô gái quê, thuộc hạng đẹp trong làng Vĩnh Kim (Tiền Giang). Da cô trắng hồng, môi son, thân hình mảnh mai, mặt trái xoan và đôi mắt mơ màng. Mẹ mất sớm, cha tục huyền. Sáu không sống nổi với kế mẫu nên về ở với bà nội. Sáu học hết lớp ba trường làng thì bà nội không cho đi học nữa. “Con gái mà học chi nhiều, ở nhà học may vá, nấu nướng để... lấy chồng, biết tề gia nội trợ”, bà thường nói vậy.

Dạo ấy (khoảng năm 1938), cô Ba Viện (người nuôi anh em Trần Văn Khê) thường tổ chức những buổi hòa đờn tại nhà, nhiều người làng tới xem, trong số đó có Sáu. Trần Văn Khê để ý tới cô gái cùng làng hay ngồi ở một góc tối. Anh lân la đến hỏi thăm: “Em thích bản nhạc nào?”. “Em chỉ thích những bản buồn!”. “Tại sao?”. “Anh dư biết mà! Người ta được sống với cha mẹ còn em sống với bà nội cũng như anh sống với cô Ba. Cũng được thương yêu nhưng là phận côi cút, nhiều khi thèm vòng tay ôm của mẹ, cái nhìn trìu mến của cha!”... 

Từ lúc đó, chàng thiếu niên - nhạc sĩ tên Khê thường nghĩ về người con gái đồng cảnh ngộ với mình, nhưng chỉ dám thương trộm nhớ thầm mà thôi vì cô Ba Viện rất nghiêm, đi đâu cũng phải xin phép, nói rõ lý do và phải về đúng giờ. Sáu tuy là phận gái nhưng dễ qua chơi nhà cô Ba Viện hơn vì là bạn thân của Ngọc Sương (em gái út của Trần Văn Khê).

Nói về cách “nghiêm huấn” của cô mình, Trần Văn Khê kể: “Cô Ba dạy tôi rất nghiêm. Một hôm, em Sáu và bà chị đến chơi lúc cô tôi đi chợ, khi về cô hỏi thăm ba của em có khỏe không và vui cười như không có việc gì. Nhưng khi hai người khách ra về, cô gọi tôi lại nói: “Bạn gái của em con đến chơi mà con không đàng hoàng. Khi bạn gái ngồi chơi trên võng với em, con phải nhắc ghế ngồi xa chớ không được đứng dựa vào đầu võng. Con đừng để con gái người ta mang tiếng vì con... Con nhớ phải lo học tập cho thành tài, học xong rồi mới nghĩ đến việc lập gia đình. Đừng bày đặt thương vụng nhớ thầm mà trở ngại việc học nghe con”.

Cậu em (Trần Văn Trạch), nhưng trong nhà quen gọi là “Khê em”, tuy mới 15 tuổi nhưng cũng dễ “say tình” như ông anh. Cô N. - con gái ông Tám Bổn (em trai bà mợ, thầy dạy Trần Văn Khê câu vọng cổ nhịp 16) hay đến nhà chơi với Ngọc Sương, thân thiết đến nỗi nhiều khi chạng vạng tối mới chia tay. Những lúc ấy, “Khê em” sung sướng được đưa N. về.


Cô Ba Viện và anh em Trần Văn Khê chụp trên cầu Sắt gần nhà cô Sáu - Ảnh: T.L

Bà cô thấy hai đứa trẻ có vẻ quyến luyến nhau nên bàn với ông Tám Bổn cho con gái đi “nghỉ hè” nơi xa một thời gian...

Không còn gặp được người thương, “Khê em” nổi điên, nhân lúc cô Ba đi vắng bèn “trả thù” người đã sắp đặt nên cuộc chia ly bằng cách đem hết các cây đờn (tranh, kìm, tỳ bà...) của bà cô, giựt đứt hết dây rồi... bỏ nhà đi bụi!

Trái với sự lo lắng của “Khê anh”, khi phát hiện ra sự việc, cô Ba Viện đã không nổi giận mà buồn ra mặt, hối thúc “Khê anh” phải đi tìm “Khê em” về ngay...

“Khê anh” phóng xe đạp qua khỏi chợ Vĩnh Kim nhắm hướng Mỹ Tho, cách đó 15 km trực chỉ. Nhưng mới đi tới cầu Sắt - nhà em Sáu ở ngay đó, “Khê anh” không thể đi tiếp mà không ghé vào: “Em Sáu ơi! Hôm nay, anh không ở lại trò chuyện cùng em được vì anh phải đi Mỹ Tho”. “Anh có việc gì gấp lắm sao?”. “Khê em bực mình chuyện gì đó nên bứt hết dây đờn của cô Ba, em sợ bị rầy nên bỏ nhà đi Mỹ Tho. Anh phải đi tìm”. “Trời ơi, nó đi bất tử vậy anh biết đâu mà kiếm?”. “Không sao đâu, tình huynh đệ sẽ hướng dẫn anh. Thôi anh đi nghe!”.

Đến Mỹ Tho, “Khê anh” đi loanh quanh, chẳng biết tìm “Khê em” ở đâu? Bèn nghĩ, nếu đặt mình vô cảnh ngộ của Trạch thì mình sẽ đi đâu? Chắc là ra bờ sông ngồi nhìn nước chảy, để nỗi buồn trôi theo dòng nước...

Y vậy, Trần Văn Khê bắt gặp cậu em đang ngồi ở một rặng dương mé sông. “Sao anh Hai biết em ở đây mà kiếm?”. “Tình thương dẫn đường anh Hai. Em nghe lời anh Hai về nhà đi! Cô Ba không rầy nữa đâu. Em làm lỗi, biết ăn năn là cô Ba bỏ qua!”. Trạch lau nước mắt, ngồi lên đòn dông xe đạp để anh mình chở về.

Còn ba cây số nữa đến nhà thì trời đổ mưa, hai anh em ướt như chuột lột. Đã khoảng 9 giờ đêm, trời tối đen, Trần Văn Khê cố đạp xe cho mau đến nhà bởi nếu ghé vào đâu đó đụt mưa thì biết bao giờ mới tạnh mà đêm lại càng khuya. Đang đạp xe dưới cơn mưa nặng hạt, Khê chợt nghe có người gọi tên mình. Dừng xe lại, trong bóng tối, dưới gốc cây bên đường, Sáu đang dầm mưa đứng đợi... “Sao em dầm mưa vậy?”. “Em đợi anh từ hồi bảy giờ tối. Đoán chừng giờ anh về để hỏi anh có tìm được Khê em không? Bây giờ thấy anh về bình yên, em an lòng. Thôi hai anh em về mau đi kẻo cảm lạnh”.

Tôi xúc động quá, ôm em Sáu vào lòng. Nước mưa thấm lạnh ngoài da mà lòng tôi thấy ấm áp vô cùng. Và đêm đó, hai đứa trẻ lần đầu tiên hôn nhau...

Khê em cũng cảm động khi thấy bạn gái của anh lo lắng cho mình, lại đang đói bụng, nhận gói xôi của em Sáu cho và nói:“Em đang đói, cám ơn chị nhiều lắm!”. Từ giã em Sáu, tôi lên xe đạp chở em về nhà, tràn ngập niềm vui và lòng rộn rã vì nụ hôn đầu đời...

Về tới nhà, em tôi rón rén đến gần cô Ba đang nằm trên ghế và nói nhỏ:“Con xin lỗi cô Ba. Từ đây con không dám bứt dây đờn nữa. Cô tha tội cho con”. Cô Ba ôm đầu em tôi, vò mấy cái rồi nói: “Con có việc gì buồn nên nói với cô. Con không thương cô sao bứt dây đờn của cô hết vậy? Thay đồ mau kẻo lạnh”.

Anh em đi ngủ. Và đêm đó, em tôi choàng tay ôm tôi thật chặt”...

Hà Đình Nguyên (giới thiệu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.