Bộ Công thương điểm danh hai ‘động năng’ của nền kinh tế năm 2019

Chí Hiếu
Chí Hiếu
27/12/2019 08:55 GMT+7

Tăng trưởng của công nghiệp chế biến chế tạo cùng với thành tích xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế năm qua, nếu không muốn nói là “động năng chính” của nền kinh tế.

Năm 2019 là năm đầu tiên công nghiệp chế biến chế tạo đã xuất siêu lên đến cả trăm triệu USD. Tăng trưởng của công nghiệp chế biến chế tạo cùng với thành tích xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế năm qua, nếu không mốn nói là “động năng chính” của nền kinh tế.
Đó là những điểm đáng chú ý trong báo cáo nhìn lại năm 2019 của ngành Công thương, vừa công bố tại Hội nghị tổng kết năm và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Công thương, diễn ra sáng nay, 27.12, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Lần đầu xuất khẩu ô tô nguyên chiếc

Trong một năm mà sự suy giảm kinh tế toàn cầu năm 2019 là thấy rõ và ảnh hưởng của nó đến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam là không nhỏ thì việc công nghiệp Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, đạt 9,3% có thể coi là một thành công ngoài mong đợi. Trong đó, điểm sáng nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, với mức tăng trưởng được duy trì khoảng 10,6% - để tiếp tục làm động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.
Đóng góp vào sự tăng trưởng của công nghiệp chế chế tạo chủ yếu là từ các ngành: sản xuất kim loại (tăng trưởng 31,7%), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế (24,5%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (12,1%), đồ nội thất (11,3%), dệt (11,3%).
Công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng cũng là điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài. Trong năm 2019, cả nước thu hút được 3.478 dự án mới, với tổng vốn đạt gần 31,8 tỉ USD thì ĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với tổng vốn đạt 21,56 tỉ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của khối chế biến chế tạo cũng rất ấn tượng với mức tăng trưởng 9,8% - cao hơn 7,8% của xuất khẩu nói chung. Các mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao như: gỗ và đồ gỗ nội thất, dệt may, da giày, điện tử, dây cáp điện, đồ chơi và dụng cụ thể thao...
Đặc biệt, năm 2019 là năm thứ năm liên tiếp Việt Nam ghi nhận xuất siêu, với hơn 10 tỉ USD. Trong đó, đây là năm đầu tiên ghi nhận các sản phẩm ngành chế biến, chế tạo đạt xuất siêu với gần 100 triệu USD. Con số này mặc dù giá trị chưa lớn, nhưng là tín hiệu rất đáng mừng, góp phần cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam. Đóng góp vào thành tích này, không thể không kể đến việc lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được xe ô tô nguyên chiếc với lô hàng đi Philippines của Tập đoàn Thaco Trường Hải.

Tốc độ xuất khẩu doanh nghiệp nội gấp 4 lần FDI

Trong khi đó, với kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân khoảng 43 tỉ USD/tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 516,96 tỉ USD, tăng 7,6% so với năm 2018.
Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc...
Kim ngạch xuất khẩu sang các khu vực thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam như: Hàn Quốc (tăng 8,3%), New Zealand (tăng 9,7%). Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ, EU.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu (xuất khẩu sang Canađa đạt 3,86 tỉ USD, tăng 28,2%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,84 tỉ USD, tăng 26,8%).
Đáng chú ý, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt. Nếu những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước, thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước đã cao hơn khối doanh nghiệp FDI. Năm 2019, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu đã đạt 82,1 tỉ USD, tăng 17,7%; cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô, đạt 4,2%).
Qua đó, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 31,16% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,61%).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.