Hải tặc đụng vệ sĩ

29/03/2010 01:03 GMT+7

Việc sử dụng nhân viên an ninh tư nhân trên tàu thương mại để đối phó với cướp biển Somalia đang gây ra nhiều tranh cãi và lo ngại.

Hôm 23.3, chiếc tàu hàng MV Almezaan treo cờ Panama đang di chuyển qua khu vực cách bờ biển Somalia khoảng 60 hải lý thì bị hải tặc tấn công. Đây là lần thứ ba chiếc tàu này nằm trong tầm ngắm của cướp biển Somalia. Theo báo Telegraph, 7 tên cướp mang vũ khí tự động và súng phóng lựu đã tiếp cận chiếc tàu hàng 2 lần. Các vệ sĩ trên tàu đã nổ súng và đẩy lùi được bọn hải tặc. Không ai trên tàu bị thương. Khi các binh sĩ trên tàu chiến ESPS Navarra của Tây Ban Nha, thuộc lực lượng chống hải tặc của EU, đến hiện trường, họ phát hiện một trong 7 tên cướp biển đã thiệt mạng với nhiều vết đạn trên người.

Lợi bất cập hại?

Vụ việc ngày 23.3 là lần đầu tiên vệ sĩ bảo vệ tàu hàng bắn chết cướp biển trong một vụ tấn công. Và những trường hợp tương tự được dự báo sẽ thường xuyên hơn trong thời gian tới, do một số công ty vận tải biển đã xoay sang các tổ chức an ninh tư nhân để bảo vệ tàu và người của họ. Nhiều vụ đọ súng đã xảy ra giữa cướp biển và các đội an ninh được triển khai trên tàu bè tư nhân. Tuy nhiên, ngành vận tải biển đang bị chia rẽ quanh các biện pháp đối phó với hiểm họa cướp biển, vốn đã bùng phát mạnh trong những năm gần đây.

Văn phòng Hàng hải quốc tế (IMB) và hải quân Mỹ lâu nay khuyến cáo các hãng tàu sử dụng các biện pháp tự vệ không gây chết người, như di chuyển theo đoàn, mắc dây thép gai xung quanh tàu và thiết kế phòng trú ẩn cho thủy thủ đoàn. Các chuyên gia lo ngại việc triển khai nhân viên an ninh tư nhân trên tàu sẽ khiến cướp biển sử dụng những chiến thuật bạo lực hơn, chẳng hạn như dùng súng phóng lựu để tấn công. Đã có một số bằng chứng nhất định về vấn đề này. BBC dẫn lời Christopher Ledger, Giám đốc Công ty an ninh Idarat Maritime, nói sự hiện diện của các vệ sĩ trên tàu sẽ dẫn đến đổ máu nhiều hơn. Chưa kể đến việc nhiều quốc gia không cho phép tàu dân sự có trang bị vũ trang cập cảng.

Ngoài ra, không có cơ sở nào để khẳng định rằng nguy cơ thiệt mạng tăng lên sẽ làm chùn bước hải tặc Somalia trước những khoản tiền chuộc hàng triệu USD. Theo báo điện tử Independent Online của Nam Phi, ngay cả sự xuất hiện của hàng chục tàu chiến quốc tế tuần tra trên vịnh Aden cũng không khiến cướp biển e dè. Bọn chúng chỉ cần đơn giản di chuyển ra xa hơn ngoài khơi Ấn Độ Dương để “săn mồi” và tránh né các cuộc tuần tra. Vụ 3 tên cướp biển bị hải quân Mỹ bắn hạ trong chiến dịch giải cứu con tin hồi năm ngoái không hề khiến các vụ tấn công giảm đi.

Những thanh niên Somalia sẵn sàng mang mạng sống ra đặt cược để đổi đời tại đất nước bị xem là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới. “Sự lựa chọn rất đơn giản: một bên là ở nhà và kiếm vài trăm USD hay trở thành cướp biển và kiếm 10.000 USD mỗi tháng”, ông Roger Middleton, chuyên gia về hải tặc thuộc Tổ chức Chatham House tại London, nói với hãng tin Đức DPA.

Lỗ hổng pháp lý

Trở lại vụ việc hôm 23.3, các chuyên gia pháp lý chưa đạt được sự đồng thuận về việc ai chịu trách nhiệm điều tra. Trách nhiệm này có thể bị đùn đẩy giữa Panama, quốc gia được tàu MV Almezaan sử dụng cờ; UAE, nơi chủ tàu đặt cơ sở; và quốc gia xuất xứ của các vệ sĩ, vốn đang được giữ kín. Arvinder Sambei, chuyên gia tư vấn cho chương trình chống cướp biển của LHQ, nói với AP: “Luôn có những lo ngại về các công ty an ninh tư nhân. Họ chịu trách nhiệm với ai? Điểm mấu chốt là có người bị giết và phải có ai đó chịu trách nhiệm”. Phần lớn các nhân viên an ninh tư nhân là người Anh, nhưng cũng có người đến từ Mỹ, Úc, New Zealand và Nam Phi, theo BBC.

Cho đến nay, luật quản lý các nhà thầu an ninh tư nhân chỉ xử lý các vụ bắn giết bừa bãi cụ thể hơn là ngăn chặn những việc như vậy. Chuyên gia Middleton của Chatham House nhấn mạnh: hiện chưa có một cơ quan nào xác lập những tiêu chuẩn hoạt động cho các công ty an ninh tư nhân. Các công ty này từng hoạt động tại Iraq và đang xâm nhập vào ngành hàng hải vì tiềm năng béo bở của nó. Chuyên gia Stephens Askins thuộc hãng luật Ince nói với BBC rằng rất khó xác định công ty nào đàng hoàng và những nhóm vệ sĩ nào cần chấn chỉnh do thiếu một hệ thống cấp phép và quản lý.

Nghiêm trọng hơn là nguy cơ giết nhầm dân thường Somalia. Tại vùng biển nước này, rất khó phân biệt hải tặc và ngư dân cho đến khi tàu ở rất gần. Các chuyên gia hàng hải lo ngại các vệ sĩ có thể nổ súng vào những người thực sự đánh bắt hải sản để mưu sinh. Chỉ khi nào Somalia có một chính phủ trung ương hiệu quả và trật tự luật pháp được khôi phục thì nạn cướp biển mới được ngăn chặn, còn hiện tại các chủ tàu vẫn chưa thực sự an tâm với việc triển khai lực lượng hải quân chống cướp biển quốc tế. IMB không đồng tình với việc sử dụng nhân viên an ninh vũ trang trên tàu thương mại, nhưng các chủ tàu thì không thể không lo tìm cách tốt nhất để bảo vệ tài sản và con người của mình. 

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.