|
Đây là xã bị hạn nặng nhất ở huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Trong khi đó, công trình cấp nước tập trung ở đây thì “trùm mền”, gây lãng phí tiền tỉ.
Giữa trưa nắng gay gắt, phả rát mặt người, những phụ nữ dân tộc Raglai ở làng Tham Dú vẫn phải cặm cụi múc từng giọt nước trong cái hố đất đào rộng chừng 0,6 m, sâu 0,8 m. Nước đổ vào can nhựa lẫn cát với màu đục nhờ nhờ gần giống như nước cơm vo gạo, chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng nhận biết mất vệ sinh.
Chị Cha Ma Léa Thị Bé ở thôn Đồng Dầy, vừa múc nước, vừa tâm sự: “Khoảng 4 giờ sáng, người dân ở đây đã thức dậy tranh nhau đi vét nước từ cái hố này. Nước mạch rỉ ra được bao nhiêu thì múc lấy bấy nhiêu dùng để tắm giặt, rửa chén bát và lọc nấu ăn. Nhiều khi không còn nước bẩn để dùng, bà con phải đi xa cả chục cây số để lấy nước ở xã khác”.
|
Mùa này, dòng suối Ngang ở giữa thôn Rã Giữa cạn kiệt nước. Ở những đoạn suối sâu chỉ còn ít nước bị ô nhiễm do lá mục, cây gỗ ngổn ngang và đầy phân gia súc. Thế nhưng, cả làng Rã Giữa, Rã Trên đành bấm bụng sử dụng nguồn nước suối này để dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, ở các thôn Đồng Dầy, Tham Dú, người dân hoàn toàn không có nước sạch để uống.
Ngày 23.4, ông Trần Quý Dương - Chủ tịch UBND xã Phước Trung cho biết đây là đợt khô hạn “đỉnh điểm” nhất từ trước đến nay, hiện đã có 30 ha lúa ở Đồng Dầy, Tham Dú gieo trồng hơn 2 tháng bị chết khô; gần 3.000 con cừu và khoảng 2.000 con bò có nguy cơ chết đói vì không có cỏ ăn và nước uống. Chính quyền địa phương phải huy động xe bồn chở nước từ đập Ô Căm cách xa 10 km đưa về các thôn cho dân dùng tạm qua ngày.
Trong khi đó, các hệ thống công trình nước tập trung của xã đầu tư hàng tỉ đồng đều ngưng hoạt động, ống nhựa thủng, vỡ, các vòi nước thì hoen rỉ, máy bơm bị cháy....
|
Bà Pinăng Thị Thủy, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết đã yêu cầu các đơn vị chức năng khắc phục hệ thống nước sạch để phục vụ cho dân.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường tỉnh Ninh Thuận, khẳng định: “Hiện hệ thống công trình nước sinh hoạt ở Phước Trung bị hư hỏng nghiêm trọng nên không thể sửa chữa được. Trung tâm đã lập dự án nâng cấp công trình nước Phước Trung với kinh phí 25,9 tỉ đồng, công suất 354 m3/ngày đêm để cung cấp đủ nước cho dân. Nhưng hiện kế hoạch đến năm 2015 vẫn chưa bố trí được vốn để đầu tư công trình này”.
Chí Bảo
>> Gia Lai: Hạn nặng, hàng trăm ha bắp mất trắng
>> Bắc Tây Nguyên hạn nặng
>> Sông ngòi cạn kiệt, nguy cơ hạn nặng
>> Gần 171 nghìn ha lúa ở miền Trung bị hạn nặng
>> Nam Bộ đối mặt với khô hạn, nắng nóng
>> Đắk Lắk: Gần 50.000 ha cây trồng bị khô hạn nặng
Bình luận (0)