Hàn Quốc dẫn đầu vốn đầu tư vào Việt Nam

28/02/2018 20:32 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bao gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 3,34 tỉ USD, bằng 98,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Đây là báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cụ thể, tính đến ngày 20.2, cả nước có 411 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,39 tỉ USD, bằng 68,6% so với cùng kỳ năm 2017. Có 133 lượt dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn thêm 700,3 triệu USD, bằng 92,2% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, cả nước có 873 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 1,25 tỉ USD, tăng 102,5% so với cùng kỳ 2017. Riêng giải ngân vốn FDI trong hai tháng qua đạt được 1,7 tỉ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Tổng cộng có 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó, Hàn Quốc đứng thứ nhất với tổng vốn đầu tư 851,2 triệu USD, chiếm 25,5% tổng vốn đầu tư.
Quần đảo Virgin thuộc Anh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký xấp xỉ 450 triệu USD, chiếm 13,45% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 418,5 triệu USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư.
Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 1,83 tỉ USD, chiếm 54,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực xây dựng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 345,4 triệu USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký 312,1 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
TP.HCM là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký 1,05 tỉ USD, chiếm 31,27% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 434 triệu USD, chiếm 12,98% tổng vốn đầu tư. Ninh Thuận đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 253,9 triệu USD chiếm 7,6% tổng vốn đầu tư.
Một số dự án lớn được cấp phép trong 2 tháng đầu năm 2018 như Nhà máy điện gió Hanbaram có tổng vốn đầu tư 150 triệu USD do Singapore đầu tư tại Ninh Thuận với mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng tái tạo; Dự án Công ty TNHH Kefico Việt Nam, cấp phép năm 2009 với mục tiêu sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tại Hải Dương điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 120 triệu USD. Dự án Công ty TNHH Vina Cell Technology, cấp phép năm 2016 với mục tiêu sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Bắc Giang điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.