Hàn Quốc nói sẵn sàng đối thoại với Nhật Bản về tranh cãi trong lịch sử

Thu Hòa
Thu Hòa
15/08/2020 19:26 GMT+7

Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng đối thoại về những tranh cãi trong lịch sử với Nhật Bản, bày tỏ mong muốn gắn kết giữa hai miền Bắc và Nam Triều Tiên.

Nhân buổi lễ kỷ niệm 75 năm Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến thứ hai, đánh dấu sự giải phóng của bán đảo Triều Tiên khỏi ách thuộc địa của Nhật Bản (1910-1945), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 15.8 cho biết chính phủ Hàn Quốc luôn sẵn sàng đối thoại với Nhật Bản về những tranh cãi trong lịch sử đang dần chia rẽ hai nước này.

Tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng cam kết sẽ không bao giờ lặp lại thảm kịch chiến tranh như vậy nữa, theo Reuters ngày 15.8.

Vì sao Nhật Bản phản ứng quyết liệt với tượng "phụ nữ giải khuây" mới ở Hàn Quốc?

Hiện hai nước đang tranh cãi về phán quyết năm 2018 của Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu Tập đoàn Thép Nippon của Nhật Bản phải bồi thường 100 triệu won/người (84.000 USD) cho 4 người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong Thế chiến thứ 2.

Nhật Bản cho rằng phán quyết này vi phạm luật quốc tế vì tất cả các yêu cầu bồi thường phát sinh từ giai đoạn thuộc địa hóa của Nhật đã được giải quyết theo hiệp ước ngoại giao năm 1965 giữa 2 nước.

Ông Moon nói: “Cơ hội đàm phán vẫn còn rộng mở. Chúng tôi đang thảo luận với chính phủ Nhật Bản về một giải pháp hòa bình được sự đồng thuận của các nạn nhân”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tại hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản tháng 6.2019

Reuters

Hồi năm 2019, Nhật Bản đã đáp trả phán quyết trên với tuyên bố sẽ ngừng ưu đãi đối với các lô hàng vật liệu công nghệ cao quan trọng xuất khẩu sang Hàn Quốc và được sử dụng bởi các tập đoàn Hàn Quốc như Samsung Electronics. Trong lúc đó, Hàn Quốc tiến hành khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới do các cuộc đàm phán với Nhật Bản để giải quyết vấn đề hạn chế xuất khẩu nói trên bị đình trệ.

Ngoài ra, tại buổi lễ ngày 15.8, khi nhắc đến tình hình bán đảo Triều Tiên, ông Moon nói: “Nếu hợp tác giữa hai miền Bắc và Nam Triều Tiên càng bền vững, thì an ninh của hai miền sẽ càng được đảm bảo. Đây sẽ là bước đệm cho sự thịnh vượng trong hợp tác với cộng đồng quốc tế”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.