Hàn Quốc phế truất Tổng thống Park Geun-hye

11/03/2017 06:58 GMT+7

Bạo động bùng phát ngay sau khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc lần đầu tiên ra phán quyết phế truất một tổng thống dân cử.

Sáng 10.3, Tòa án Hiến pháp công bố phán quyết ủng hộ việc quốc hội luận tội Tổng thống Park Geun-hye, đồng nghĩa với việc bà bị phế truất ngay lập tức. Bà Park đã bị đình chỉ quyền lãnh đạo kể từ tháng 12.2016 để chờ luận tội về nhiều cáo buộc.
Trong đó, nghiêm trọng nhất là để người bạn thân Choi Soon-sil can thiệp sâu vào công việc quốc gia và câu kết lợi dụng quyền hạn tống tiền các tập đoàn lớn, trong đó có Samsung. Bà Park còn bị cáo buộc thiếu trách nhiệm nghiêm trọng trong vụ chìm phà Sewol khiến hơn 300 người thiệt mạng hồi năm 2014.
Yonhap dẫn thông báo của tòa khẳng định Tổng thống Park đã phạm luật khi để cho bà Choi nhúng tay vào công việc quốc gia dù người này không giữ vị trí nào trong chính phủ. “Những vi phạm hiến pháp và luật pháp của tổng thống chẳng khác nào phản bội lòng tin của người dân và là hành động nghiêm trọng không thể dung thứ, xét từ phương diện bảo vệ hiến pháp”, quyền Chánh án Tòa Hiến pháp Lee Jung-mi tuyên bố.
Năm 2013, bà Park làm nên lịch sử trở thành nữ nguyên thủ đầu tiên của Hàn Quốc. Đến nay, bà lại là tổng thống dân cử đầu tiên bị phế truất trong lịch sử nước này và không thể hoàn thành nhiệm kỳ 5 năm. Giới chuyên gia dự đoán cuộc bầu cử bất thường để chọn người thay thế nữ tổng thống sẽ diễn ra không trễ hơn ngày 9.5.
Bạo động bùng phát, quân đội cảnh giác
Ngay sau khi phán quyết được công bố, cả hai phe phản đối và ủng hộ bà Park đều xuống đường để ăn mừng hoặc bày tỏ phẫn nộ. Đặc biệt, hàng ngàn người ủng hộ nhà nữ lãnh đạo kéo về phía tòa án để: “Phá hủy Tòa án Hiến pháp”.
Trước đó, cảnh sát đã huy động khoảng 21.600 người và nhiều xe buýt đến bao quanh tòa án để ngăn chặn người biểu tình tiếp cận. Đụng độ dữ dội đã nổ ra và theo Yonhap, đã có ít nhất 2 người thiệt mạng, 7 cảnh sát bị thương và một số nhà báo bị tấn công. Hình ảnh trực tiếp trên truyền hình cho thấy đám đông giận dữ ẩu đả với cảnh sát và đập phá xe buýt. Nhiều người cố leo lên nóc xe nhưng bị nhân viên công lực đẩy xuống, tạo thành cảnh tượng vô cùng hỗn loạn.
Cùng ngày, quân đội Hàn Quốc đặt trong tình trạng báo động và cảnh giác cao độ nhằm ứng phó nguy cơ CHDCND Triều Tiên nhân cơ hội để “hành động khiêu khích”.
Trước tình hình trên, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn kêu gọi cả nước chấp nhận phán quyết và hướng tới đoàn kết quốc gia để đưa đất nước vượt qua một trong những vụ bê bối chính trị nghiêm trọng nhất lịch sử.
Cũng trong ngày 10.3, Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhật Bản khẳng định sẽ “hợp tác hữu ích” với tổng thống kế tiếp của Hàn Quốc. Trong khi đó, Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA nhanh chóng đưa tin và viết rằng bà Park Geun-hye “sẽ bị điều tra như tội phạm thông thường”.
Số phận tương lai của bà Park
Cho đến tối 10.3, bà Park vẫn chưa đưa ra phát biểu cũng như không xuất hiện công khai. Reuters dẫn lời một trợ lý cho biết nhà lãnh đạo bị phế truất vẫn tạm ở lại Phủ Tổng thống chứ chưa thể trở về nhà riêng ở Samseong-dong, trung tâm thủ đô Seoul vì cần trải qua kiểm tra an ninh. Bị phế truất đồng nghĩa với việc bà Park sẽ không được xem là tổng thống mãn nhiệm và sẽ không được hưởng bất kỳ phúc lợi hoặc trợ cấp liên quan nào.
Theo tờ The Korea Times, bà tiếp tục được bảo vệ an ninh nhưng chỉ trong 5 năm thay vì 10 năm như các cựu tổng thống khác.
Đáng chú ý nhất là bà Park không còn được hưởng quyền miễn trừ truy tố nên rất có khả năng sẽ bị thẩm vấn điều tra về vụ bê bối. Hiện bà Choi Soon-sil cùng nhiều cộng sự của bà Park cũng như lãnh đạo Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong đang bị giam giữ liên quan đến vụ việc. Đến nay, bà Park vẫn bác bỏ mọi cáo buộc nhưng theo The Korea Times, nếu từ chối thẩm vấn, bà có thể bị bắt khẩn cấp.
Chưa ghi nhận trường hợp người Việt bị ảnh hưởng
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên chiều 10.3 về tình hình Hàn Quốc, Văn phòng Đại sứ quán Việt Nam tại nước này cho hay: “Đại sứ quán hiện chưa ghi nhận trường hợp thiệt hại nào về tính mạng và tài sản của công dân Việt Nam do các cuộc biểu tình gây ra. Đại sứ quán đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, theo dõi sát diễn biến tình hình và sẽ kịp thời có các thông báo, khuyến cáo đối với công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, du lịch tại Hàn Quốc trong trường hợp khẩn cấp”.
Bạn Vũ Thị Kim Oanh, sinh viên Đại học Hanyang (Seoul), cho biết: “Biểu tình và bạo động chỉ diễn ra ở khu vực gần Phủ tổng thống và ngoài Tòa án Hiến pháp thôi. Các khu vực khác thì mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Tình hình người Việt hoàn toàn ổn, không ảnh hưởng gì, kể cả công việc và tâm lý. Tuy nhiên, phần lớn mọi người vẫn quan tâm theo dõi vì ngoài đường, ở trường hay công sở, ai cũng nói về vụ này".
Tương tự, Nguyễn Văn Vũ Cường, đang học tại Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc ở TP.Daejeon, kể với Thanh Niên: “Mặc dù không sống ở Seoul nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự kiện chính trị này ở Daejeon. Sinh viên người Hàn Quốc và các giáo sư ở trường đều quan tâm và theo dõi lúc tòa ra phán quyết phế truất. Theo quan sát của tôi, những người Hàn ở đây đều tỏ ra vui mừng và thậm chí còn nghĩ đến việc tan sở về ăn mừng. Ngoại trừ khu vực trung tâm Seoul xảy ra biểu tình, người dân những nơi khác vẫn đi làm bình thường. Người Việt mình vẫn tập trung cho công việc và học tập, không bị tác động đáng kể”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Ngọc Thư, có chồng Hàn Quốc và đang sống tại TP.Busan, bày tỏ: “Tôi kỳ vọng vị tổng thống sắp tới có thể sẽ có nhiều chính sách mới, tăng cường hỗ trợ lao động Việt Nam và các gia đình đa văn hóa hơn là chính phủ dưới thời bà Park”.
Ngọc Mai - Minh Trung - Phúc Duy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.