Hàn Quốc phô diễn khí tài quân sự

19/10/2011 00:37 GMT+7

Triển lãm quốc phòng và hàng không vũ trụ đang diễn ra là dịp để Hàn Quốc quảng bá cho công nghệ của mình cũng như tìm kiếm đối tác.

Hàn Quốc đang đẩy mạnh phát triển khí tài quân sự nội địa nhằm giảm phụ thuộc vào phương Tây đồng thời tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường màu mỡ này. Theo Bloomberg, nước này nỗ lực đưa kim ngạch xuất khẩu khí tài quân sự từ 1,2 tỉ USD năm 2010 lên đến 4 tỉ vào năm 2020 với mặt hàng chủ lực là máy bay chiến đấu và tàu ngầm. “Các ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và châu u đang đối mặt sự cạnh tranh ngày càng tăng từ những nước như Hàn Quốc”, Giám đốc Tim Huxley của Viện Nghiên cứu chiến lược châu Á ở Singapore nhận định.

“Khoe” công nghệ

Ngày 18.10, Triển lãm quốc phòng và hàng không vũ trụ quốc tế (ADEX) tại thành phố Seongnam thuộc tỉnh Gyeonggi bước sang ngày thứ hai với nhiều màn trình diễn máy bay ngoạn mục. ADEX, kéo dài tới ngày 23.10, thu hút sự tham dự của 313 công ty từ 31 quốc gia, khoảng 90 nhân vật quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng trên thế giới. Theo tờ Korea Times, triển lãm dự kiến sẽ đón khoảng 250.000 lượt khách tham quan và là sự kiện quốc phòng và hàng không lớn nhất từ trước đến nay tại Hàn Quốc.  

ADEX lần này trưng bày 73 máy bay và 49 hệ thống phòng vệ mặt đất. Trong đó, nước chủ nhà giới thiệu máy bay siêu thanh T-50, pháo tự hành K-9, trực thăng Surion. Hãng máy bay Mỹ Boeing chào hàng máy bay chiến đấu F-15K và trực thăng tấn công AH-64 Apache Longbow, trong khi Lockheed Martin giới thiệu F-16 Fighting Falcon và mô hình máy bay F-35. Korea Times dẫn lời đại diện ban tổ chức Oh Yoo-jung dự đoán thông qua ADEX, các bên sẽ ký nhiều hợp đồng tổng trị giá 500 triệu USD.

ADEX diễn ra giữa lúc Hàn Quốc nỗ lực đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu khí tài quân sự. Hồi tháng 5, nước này đã đồng ý bán 16 máy bay T-50 với tổng trị giá 400 triệu USD cho Indonesia. Đây là hợp đồng bán T-50 cho nước ngoài đầu tiên của Hàn Quốc. “Lực lượng không quân của một số nước đang phát triển muốn trang bị vũ khí mới nhưng các sản phẩm của phương Tây rất đắt. Hàn Quốc có thể trở thành nguồn cung cấp máy bay tác chiến tinh vi với giá tương đối rẻ hơn”, chuyên gia Tim Huxley nhận định với Bloomberg.

Bên cạnh đó, Seoul vẫn tiến hành song song các kế hoạch mua khí tài quân sự của phương Tây để đối phó các mối đe dọa trong khu vực. Bloomberg dẫn thông báo từ Boeing cho hay Tổng thống Lee Muyng-bak có thể công bố gói đấu thầu mua 60 máy bay chiến đấu mới trong quý 1/2012.

Hy vọng xuất khẩu tàu ngầm

Bên cạnh máy bay, Hàn Quốc cũng đang nhắm tới một lĩnh vực mới mẻ là xuất khẩu tàu ngầm. Theo tờ Chosun Ilbo, Công ty đóng tàu Daewoo Engineering Marine vừa được Bộ Quốc phòng Indonesia chọn hợp tác trong dự án đóng tàu ngầm chạy bằng dầu diesel trị giá hơn 1,1 tỉ USD. Trong đó, Hàn Quốc nhận trách nhiệm đóng 3 tàu ngầm hạng 1.400 tấn và hợp đồng dự kiến sẽ chính thức được ký trong tháng 11. Đây cũng là hợp đồng xuất khẩu có giá trị cao nhất từ trước tới nay trong ngành công nghiệp khí tài quân sự của Seoul.

Hiện nay, chỉ có 4 nước có khả năng xuất khẩu tàu ngầm diesel là Nga, Đức, Pháp và Trung Quốc, còn Mỹ và Nhật chủ yếu chế tạo tàu ngầm để sử dụng, theo Chosun Ilbo. Kết quả nghiên cứu của Công ty khảo sát ICD Research cho thấy tổng số tàu ngầm được đóng mới trên toàn thế giới trong 10 năm tới sẽ vào khoảng 154 chiếc và có tổng giá trị khoảng 180 tỉ USD. Trong đó, dự báo tàu ngầm phi hạt nhân chạy bằng dầu diesel được đặt hàng khoảng 100 chiếc.

Nhật tăng cường không lực

Cuối tuần trước, Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF) của Nhật Bản thực hiện buổi tổng duyệt tại Căn cứ Hyakuri, phía bắc Tokyo trước sự chứng kiến của Thủ tướng Yoshihiko Noda. Nhật đang là một trong những nước có sức mạnh phòng không hàng đầu ở khu vực với 362 máy bay chiến đấu, phần lớn là F-15, F-4 và F-2. Tuy nhiên, theo AP, tham gia biểu diễn chỉ có F-4 và F-2, do toàn bộ 202 chiếc F-15 đang bị tạm ngưng bay để kiểm tra an toàn. F-15 được Nhật sử dụng làm máy bay chiến đấu chủ lực từ thập niên 1980, tuy nhiên đội bay đã trở nên cũ kỹ và ngốn phí bảo trì ngày càng lớn.

Phát biểu tại cuộc tổng duyệt, Thủ tướng Noda tuyên bố: “Môi trường an ninh xung quanh nước ta đang trở nên đáng quan ngại hơn vì thế lực lượng phòng vệ phải luôn chuẩn bị sẵn sàng để đối phó các tình huống khẩn cấp”.

Những thách thức nói trên buộc Nhật phải có kế hoạch thay thế các máy bay đang “lão hóa” của ASDF để tăng cường khả năng phòng vệ. Tokyo đang có kế hoạch mua 40 máy bay tối tân trị giá 8 tỉ USD để làm chủ lực. Các ứng viên đang được xem xét là F-35 của liên doanh do Tập đoàn Lockheed Martin dẫn đầu, F/A-18 do Boeing thiết kế và Eurofighter Typhoon của châu u. Dự kiến cuối năm nay, Nhật sẽ công bố hợp đồng mua loại nào. AP dẫn lời giới quan sát cho rằng hợp đồng này có thể sẽ định hình an ninh trên không ở khu vực trong vài thập niên tới.

Minh Trung

Văn Khoa - Ngọc Bi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.