Hàn Quốc tăng cường xúc tiến đầu tư các tuyến metro tại TP.HCM

10/03/2021 10:13 GMT+7

Tong thời gian vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Chính phủ và nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng cường trao đổi, tìm hiểu các cơ hội đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM.

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết ngày 26.2, đơn vị này đã có buổi làm việc với Đại sứ quán, Cơ quan Phát triển đô thị và Hạ tầng của Hàn Quốc (KIND) và tập đoàn Posco E&C để trao đổi về Dự án tuyến metro số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương) – giai đoạn 2. Theo đó, KIND đề xuất các phương án cụ thể nhằm hỗ trợ kinh phí để sớm triển khai nghiên cứu dự án theo hình thức PPP. Hai bên đã thống nhất phối hợp báo cáo với UBND TP để có thể ký kết được thỏa thuận trong thời gian sớm nhất.
Trong buổi làm việc với Ban trong ngày 2.3 về việc kết nối dự án Eco Smart City với tuyến metro số 2 - giai đoạn 2, ông Lee Kang Woo, Tổng giám đốc Công ty Lotte Properties và Lotte E&C cũng bày tỏ mong muốn tham gia cùng các đối tác của Hàn Quốc để đầu tư vào các tuyến metro của thành phố.
Trước đó, liên doanh giữa Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) cùng với một số nhà đầu tư xây dựng lớn của Hàn Quốc đã bàn bạc và trao đổi với Ban để đầu tư dự án tuyến metro số 5 – Giai đoạn 2 theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đến ngày 5.2 mới đây, ngân hàng KEXIM đã gửi thư quan tâm chính thức cho UBND TP và Ban quản lý đường sắt đô thị, thông báo Ngân hàng sẽ chủ động thuê tư vấn cập nhật Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án và dự kiến sẽ trình nộp báo cáo cuối cùng cho Ban tham khảo, sử dụng vào cuối năm 2021.
MAUR và Cơ Quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cũng đã tiến hành tổ chức Lễ ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác “Xây dựng chiến lược thực hiện mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) cho tuyến Metro số 5 – Giai đoạn 2”. Sản phẩm của nghiên cứu này dự kiến sẽ bàn giao cho Ban Quản lý Đường sắt đô thị vào cuối năm 2021 và sẽ được dùng để hỗ trợ phục vụ cho công tác xây dựng mô hình tài chính, tạo một phần nguồn vốn đầu tư từ khai thác quỹ đất cũng như quy hoạch lại đô thị xung quanh các nhà ga của tuyến này.
Được biết, các doanh nghiệp của Hàn Quốc tiếp cận với Ban quản lý đường sắt đô thị nói trên đều là những tập đoàn hàng đầu của đất nước này và nhiều trong số đó đã trực tiếp tham gia xây dựng, vận hành hệ thống đường sắt đô thị thủ đô Seoul trong suốt mấy chục năm vừa qua. Hiện nay, Seoul được xem là một trong những thành phố có có hệ thống giao thông công cộng nói chung và đường sắt đô thị nói riêng an toàn và tiện nghi nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác đối tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về cả số lượng dự án và tổng số vốn đầu tư trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Về phía TP.HCM, thay vì trông chờ vào vốn vay ODA để rồi oằn lưng gánh nợ, TP đang dần chuyển sang các mô hình đầu tư khác để nhanh chóng hình thành mạng lưới đường sắt đô thị hoàn chỉnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.