Hàng chục tỉ đồng có thể loại bỏ trong giá thành SGK

07/05/2008 09:43 GMT+7

Như đã nói, NXBGD vừa có động thái tăng giá sách 10% trong năm học mới, vừa xoa dịu dư luận bằng việc sẵn sàng mua sách cũ, bán lại giá rẻ cho học sinh nghèo, tặng phiếu ưu đãi cho học sinh khó khăn... Nhưng xem ra, chiêu thu gom sách có phần "đánh trống bỏ dùi", không mấy khả thi; còn những khoản lãng phí khác thì không mấy ai nói đến.

Hệ lụy độc quyền xuất bản SGK

Kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với NXBGD năm 2007 đến nay vẫn còn nguyên giá trị: "Càng độc quyền, càng lãi; càng lãi, giá sách càng cao". Từ năm 2002 đến 2006, NXBGD đã phát hành số sách kỷ lục: 891 triệu bản (chiếm 80% tổng số sách xuất bản cả nước), trong đó sách giáo dục chiếm 821 triệu bản. Doanh thu bình quân của NXB này là 800-900 tỉ đồng/năm. Tổng lợi nhuận của giai đoạn 2002 - 2006 là 346 tỉ đồng. Với mức lợi nhuận này, không lẽ đầu vào mới tăng như vậy NXBGD đã không cân đối được?

Liệu những con số trên có thể biện minh cho một số cựu quan chức trong ngành cho rằng "nếu in SGK lỗ thì Nhà nước phải bù lỗ?". Cũng theo kết luận của thanh tra, NXBGD khai khống nhiều chi phí lên tới cả trăm tỉ đồng. Và chỉ loại bỏ được những khoản chi này, SGK sẽ giảm giá được bao phần trăm? Đây là hệ quả của việc độc quyền? Thế nhưng, việc chống xuất bản độc quyền sách giáo khoa đã được nhiều ý kiến đưa ra, nhưng không hiểu sao vẫn không thể thực hiện được.

Trong số 23 Cty mẹ và Cty con của NXBGD, có 18 Cty hoạt động nhưng không liên quan đến việc xuất bản sách giáo khoa: Kinh doanh sách tham khảo, tranh truyện, tập vở, lịch sổ tay, lịch treo tường, tạp chí... Đủ thấy, bộ máy khá cồng kềnh, với nhiều trụ sở là những khu đất vàng ở TPHCM và Hà Nội. Tại TPHCM, NXBGD có nhiều mặt bằng rộng rãi, thậm chí có nơi còn cho thuê bán càphê (chi nhánh Mai Thị Lựu). Giảm bớt bộ máy cồng kềnh, sẽ giảm được quản lý phí và lương nhân viên - một khâu có thể giảm giá SGK.

Hàng năm, có nhiều cuộc hội họp giữa các Cty phát hành sách và thiết bị trường học, diễn ra luân phiên ở nhiều địa phương, là khâu tốn kém có thể tiết giảm được. Không những thế, nhiều người cho rằng hiếm có lãnh đạo và các CBCNV ở NXB nào được đi tham quan du lịch nước ngoài nhiều như ở NXBGD. Vì sao NXBGD được nhận một sự ưu ái lớn như thế, cho đến nay, Bộ GDĐT vẫn chưa trả lời câu hỏi này.

Chiêu thu sách cũ sẽ phá sản?

Ngày 5.5, sau 1 tuần phát động thu gom sách giáo khoa cũ, mặt tiền Cty sách và thiết bị trường học TPHCM vắng teo... Hỏi ông Lê Kế Đức - PGĐ Cty, ông cho rằng đến lúc này chưa có một ai đến đổi sách cũ. Lý do là chưa hết học kỳ 2. Nhưng đó không phải là nguyên do chính. Gần 8 triệu dân, trong đó có cả triệu học sinh ở TP đông dân như TPHCM lại chỉ có một nơi thu nhận sách cũ, thì quả là lạ!

Hơn thế nữa, các học sinh nghèo ở vùng xa như Cần Giờ, Củ Chi, muốn lên bán sách cũ, cũng đã mất bao thời gian và tiền đi lại, chưa kể phụ huynh đi kèm... Một giải pháp có thể coi là "không tưởng". Cũng ông Đức cho biết, sắp tới, phải huy động các phòng giáo dục quận, huyện thu mua sách tại chỗ, rồi chuyển lên công ty, chứ nếu tới 1 địa điểm đổi sách thì quá khó khăn cho học sinh ở xa.

Theo ông Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GDĐT TPHCM, việc thu sách cũ và chuyển sách đến học trò nghèo nhiều năm qua Sở GDĐT vẫn tổ chức thường xuyên, việc làm của NXBGD không có gì mới. Quan trọng là cần thiết đẩy nhanh tiến trình xoá bỏ độc quyền xuất bản SGK, khi đó mới giải quyết tận gốc vấn đề tăng giá sách.

Không ít DN phát hành sách cho rằng, tại thời điểm hiện nay, nếu Bộ GDĐT cho xã hội hoá khâu xuất bản và phát hành SGK, thì họ đủ sức làm được, với giá rẻ hơn nhiều so với giá mà NXBGD đang làm.

Sách dùng một lần rồi bỏ cũng tăng giá

Ngoài việc độc quyền xuất bản, in ấn và phát hành sách giáo khoa, tận dụng tên tuổi và logo của đơn vị xuất bản SGK là của riêng mình, hằng năm NXBGD còn tung ra hàng trăm đầu sách mới đủ khắp các bậc học: Mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, đại học, sách công cụ, sách bổ trợ tri thức, tập vở, tranh ảnh... để tham gia kinh doanh trên thị trường cùng với các nhà xuất bản khác. Đó là một việc làm tốt và đúng chức năng, vì người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều sản phẩm để chọn lựa trong việc học tập và nâng cao kiến thức.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là trong vài năm trở lại đây, NXBGD đã có "sáng kiến" cho ra đời hàng trăm loại sách ăn theo sách giáo khoa, nhưng chỉ dùng một lần rồi bỏ! Bởi người ta đã thiết kế nội dung để học sinh dùng bút và ghi trực tiếp vào đấy! Những loại sách này hiện diện đủ các khối lớp nối dài từ lớp 1 đến lớp 9 và đầy đủ các bộ môn trong chương trình của bậc học như: Vở bài tập (VBT) toán, vật lý, VBT ngữ văn, VBT hoá, tiếng Anh, VBT sử, VBT địa lý, VBT giáo dục công dân, mỹ thuật, âm nhạc, sinh học... 

Và để thâm canh, NXBGD còn cho ra lò thêm các loại sách cũng dùng một lần rồi bỏ như nội dung trên, nhưng mang tên mới: Thực hành (TH) toán, TH lý, TH hoá học, TH sinh học, TH địa lý, TH sử, TH ngữ văn... Cả hai loại sách dùng một lần rồi bỏ này (vở bài tập, thực hành) mặc dù đang được tăng giá mạnh (hơn cả sách giáo khoa), nhưng nội dung không có gì mới so với sách giáo khoa và sách bài tập do Bộ GDĐT biên soạn, hầu hết chỉ nhắc lại những kiến thức sẵn có trong sách của Bộ GDĐT.

Minh Thi - Báo Lao Động 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.