Hãng di động của SoftBank là IPO lớn thứ nhì lịch sử

Thu Thảo
Thu Thảo
20/12/2018 08:26 GMT+7

Dù vừa trở thành đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn thứ nhì lịch sử và lớn nhất Nhật Bản, hãng viễn thông di động của SoftBank vẫn chứng kiến cổ phiếu giảm 15%.

Theo CNN, hôm 19.12 là ngày giao dịch đầu tiên của hãng viễn thông di động thuộc SoftBank trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo. Mức giảm 15% thổi bay hàng tỉ USD giá trị thị trường doanh nghiệp.
Mảng di động của SoftBank là một trong các nhà mạng không dây lớn nhất Nhật Bản, cung ứng nền tảng cho đế chế công nghệ lớn của CEO SoftBank Masayoshi Son. Bằng cách niêm yết phần lớn doanh nghiệp lên sàn, SoftBank Group huy động được khoảng 23,5 tỉ USD. IPO này là lớn nhất Nhật Bản và lớn thứ nhì thế giới từ trước đến nay, chỉ sau IPO 25 tỉ USD của Alibaba ở New York năm 2014.
Nhu cầu sở hữu một phần mảng kinh doanh di động mạnh từ nhiều nhà đầu tư là lý do khiến SoftBank tăng số lượng cổ phiếu bán ra. Song SoftBank lên sàn không đúng lúc, vì chỉ số chứng khoán chuẩn Nhật Bản Nikkei giảm 7% từ đầu tháng này và giảm khoảng 14% từ mức cao hồi đầu tháng 10.
Mảng kinh doanh di động của SoftBank có giá trị thị trường khoảng 55 tỉ USD cũng hứng nhiều tin tiêu cực trong tháng cuối năm. Một trong số này là đợt ngừng dịch vụ hôm 6.12. Hãng còn xem xét liệu có nên loại thiết bị của Huawei ra khỏi mạng lưới hay không. Việc bỏ thiết bị Huawei sẽ là động thái rất tốn kém với SoftBank.
CEO mảng di động của SoftBank, ông Ken Miyauchi, đổ lỗi điều kiện thị trường khiến ngày “chào sân” đáng thất vọng. Tại một cuộc họp báo sau khi thị trường chứng khoán đóng cửa, ông Miyauchi cho biết SoftBank ban đầu lên kế hoạch IPO tháng 9 hoặc 10, song lại bị hoãn đến tận tháng 12.
Theo giới phân tích, cổ phiếu giảm giá là vì nỗi lo cuộc chiến giá cả của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nhà cung ứng dịch vụ không dây lớn nhất Nhật Bản NTT Docomo sẽ giảm giá gói di động đến 40% trong năm 2019 sau khi chịu áp lực từ chính phủ. SoftBank được cho là cũng sẽ làm tương tự.
Travis Lundy, nhà phân tích thuộc nền tảng nghiên cứu đầu tư Smartkarma, cho rằng lý do chính để giới đầu tư tậu cổ phiếu doanh nghiệp di động thuộc SoftBank là vì nó trả cổ tức 5%, vốn được xem là cao so với tiêu chuẩn Nhật Bản. Nếu cuộc chiến giá cả xảy ra, mức cổ tức này bị đe dọa.
Niêm yết mảng di động lên sàn chứng khoán là phần quan trọng trong nỗ lực tái định vị SoftBank với tư cách nhà đầu tư công nghệ hàng đầu. Sự kiện tách đôi công ty Nhật, cho phép nhà đầu tư lựa chọn giữa đơn vị di động và mảng đầu tư công nghệ. Tỉ phú Son, nhà sáng lập SoftBank, là tên tuổi lớn trong làng công nghệ thế giới sau khi lập quỹ đầu tư Vision Fund trị giá 100 tỉ USD năm ngoái.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.