Hàng hóa bình ổn thị trường ‘giá cả hợp lý - chất lượng nâng cao’

Chí Nhân
Chí Nhân
29/12/2022 13:49 GMT+7

Ngày 29.12, UBND TP.HCM tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện Chương trình bình ổn thị trường giai đoạn 2002 - 2022, định hướng giai đoạn 2022 - 2032.

Trong 20 năm qua, Chương trình bình ổn thị trường (Chương trình) đã góp phần đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, hình thành các chuỗi cung ứng tối ưu, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng, sốt giá như: dịch cúm gia cầm năm 2003, sốt giá gạo năm 2008, sốt giá trứng gia cầm năm 2013, sốt giá đường năm 2014… Qua đó góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát giúp chỉ số CPI của TP thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước.

Thành phố trao Bảng Vàng, Bảng Bạc đến các doanh nghiệp tham gia từ những ngày đầu. Bên cạnh đó tặng bằng khen cho 47 tập thể và 20 cá nhân và đề xuất tặng bằng khen của Bộ Công thương cho 7 tập thể, 8 cá nhân và trình khen thưởng cấp Nhà nước cho 12 tập thể và 3 cá nhân

Chí Nhân

Tính chung giai đoạn 2012 - 2022, trong khi ngân sách nhà nước chỉ ứng vốn mồi 282 tỉ đồng năm 2012, tổng doanh thu Chương trình ước đạt 189.095 tỉ đồng; trong đó mặt hàng thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến là các nhóm hàng quan trọng, chiếm 18% đến 33% tổng doanh thu của Chương trình. Đến nay, trên địa bàn TP có 10.983 điểm bán hàng bình ổn thị trường, gồm 4.209 điểm bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; 881 điểm bán các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; 1.711 điểm bán sữa và 4.182 điểm bán các mặt hàng dược phẩm.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, nhấn mạnh: Quá trình triển khai Chương trình luôn được cập nhật một cách sáng tạo của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, mang đến sự nhận diện gần gũi đối với người tiêu dùng TP. Điều quan trọng là Chương trình đã có những tác động xã hội quan trọng, góp phần tạo kênh mua sắm hàng hóa thiết yếu từ nhóm mặt hàng đầu tiên là lương thực thực phẩm đến mở rộng các nhóm mặt hàng phục vụ mùa tựu trường, sữa, y tế. Qua 20 năm triển khai, Chương trình đã góp phần vào chỉ số giá tiêu dùng CPI của TP được ổn định và luôn thấp hơn CPI cả nước. Chương trình góp phần thực hiện thành công cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Chương trình đã cung cấp một lượng lớn hàng hóa cho người tiêu dùng với tiêu chí “giá cả hợp lý - chất lượng nâng cao”

H.Nga

Đối với giai đoạn mới của Chương trình, ông Mãi yêu cầu các sở ban ngành triển khai hiệu quả quy chế của Chương trình, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện trên nguyên tắc xác định rõ các cơ chế phối hợp, triển khai, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Ngoài ra cần tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành địa phương trong quá trình liên kết phát triển, hình thành các vùng chuyên canh đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện về an toàn thực phẩm gắn với sản xuất, lưu thông hàng hóa. Bên cạnh đó, tham mưu các giải pháp hình thành cộng đồng liên kết bền vững trong xây dựng các tiêu chuẩn cho sản phẩm bình ổn thị trường mang giá trị thương hiệu đặc trưng của Chương trình, đó chính là “giá cả hợp lý - chất lượng nâng cao”.

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, đánh giá cao những thành tựu của Chương trình đồng thời đề nghị thành phố cần tiếp tục phát triển đa dạng phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại trong nước. Bên cạnh đó, tổ chức và vận hành hiệu quả các hệ thống cung ứng, phân phối các nhóm hàng hóa chủ yếu trên thị trường. Ngoài ra, thành phố cần tiếp tục phát triển các doanh nghiệp đầu đàn trong nước có khả năng dẫn dắt thị trường, tạo sức lan tỏa đối với các doanh nghiệp vệ tinh và hạn chế sự phụ thuộc, chi phối của các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.