Hàng loạt doanh nhân Ấn Độ rời vùng Vịnh quay về nước đầu tư

11/02/2018 08:15 GMT+7

Trong nhiều thập niên qua, hàng triệu người Ấn Độ đã di cư đến Trung Đông để kiếm tiền.

Nhưng giờ đây nhiều người trong số họ đang quay về nước đầu tư do được khuyến khích bởi kế hoạch cải tổ kinh tế của Thủ tướng Narendra Modi.
Theo CNN, một số doanh nhân người Ấn Độ tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nơi có cộng đồng người Ấn Độ di cư lớn nhất thế giới, đã cam kết chi hàng tỉ USD cho quốc gia Nam Á trong ba năm qua. Các chính sách kinh doanh thân thiện của ông Modi đang khuyến khích thêm nhiều nhà đầu tư khác.
“Chúng tôi luôn lưỡng lự khi đầu tư vào Ấn Độ vì chế độ quan liêu quá mức và tham nhũng quá nhiều. Nhưng khi chính phủ mới lên nắm quyền, họ đã nỗ lực thay đổi điều này và điều đó khiến chúng tôi muốn đầu tư trở lại”, Binay Shetty, giám đốc điều hành BRS Ventures, nói với CNN.
Cha của ông Shetty rời Ấn Độ vào năm 1970 và chuyển đến UAE, nơi ông làm nhân viên bán hàng cung cấp dụng cụ y tế. Hai năm sau, ông thành lập một công ty phân phối tại Abu Dhabi và sau đó là xây dựng một mạng lưới các bệnh viện trên khắp UAE. Công ty NMC Health niêm yết trên thị trường chứng khoán London vào năm 2012 và hiện có giá trị khoảng 8,5 tỉ USD.
BRS Ventures muốn đem thành công đã đạt được tại UAE về Ấn Độ. Công ty đã mua lại một số bệnh viện trong vài năm qua. “Mục tiêu của chúng tôi là trở thành một trong những nhóm bệnh viện lớn nhất Ấn Độ”, ông Shetty nói. Công ty cũng đang hướng tới các kế hoạch đầu tư khác tại Ấn Độ, bao gồm dược phẩm, giáo dục và dịch vụ tài chính, với số tiền là 300 triệu USD trong hai năm tới.
Thủ tướng Modi là khách mời danh dự tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới tại Dubai diễn ra hôm 4.2. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2014, ông Modi cam kết sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ và loại bỏ mọi quan ngại về mặt tài chính của nước này. Gần đây ông đã đưa ra một số bước đi mới nhằm giải quyết các hạn chế về thị trường bán lẻ và cải tổ hệ thống thuế để thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài.
Ấn Độ đã tăng 30 điểm trong xếp hạng kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố vào tháng 11 năm ngoái. Một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi về độ tin cậy của bảng xếp hạng, nhưng ông Modi và chính phủ của ông khẳng định đó là sự xác nhận cho những nỗ lực đổi mới chính sách kinh tế.
Sudesh Aggarwal, một doanh nhân Ấn Độ hoạt động tại Dubai tham gia trong hội đồng quản trị của Diễn đàn Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp UAE, tin rằng xếp hạng của WB đã làm thúc đẩy tâm lý của các nhà đầu tư và cho biết ước tính có khoảng 100 người nước ngoài đã rót vốn vào Ấn Độ với số tiền khoảng 1 tỉ USD ở các lĩnh vực khác nhau như y tế, giáo dục, năng lượng mặt trời và cơ sở hạ tầng. Được biết, nhóm này đang tìm cách liên kết với lãnh đạo các bang để thực hiện các dự án cụ thể. Một số công ty khác của người Ấn Độ đặt tại UAE cũng có xu hướng quay về đầu tư tại thị trường nhà.
“Không có gì ngạc nhiên khi các doanh nhân gốc Ấn Độ tại UAE đầu tư lớn vào quê hương. Tinh thần yêu nước là một phần thúc đẩy, nhưng quan trọng hơn là họ đã nhìn thấy cơ hội phát triển thu nhập. Sự tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ khiến các nhà đầu tư thấy rằng mọi thứ dường như đang trở nên dễ dàng hơn”, Navdeep Singh Suri, Đại sứ Ấn Độ tại UAE, cho biết.
Theo Liên Hiệp Quốc (UN), có hơn 3 triệu người Ấn Độ sống ở UAE. Lượng kiều hối gửi từ UAE về Ấn Độ là lớn nhất, ước tính gần 13 tỉ USD trong năm 2016.
Chính phủ UAE đã cam kết dành 75 tỉ USD cho việc phát triển cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ, trong đó Cục Đầu tư Abu Dhabi và nhà khai thác cảng DP World Dubai đã ký hợp đồng với số tiền chi tương ứng là 1 tỉ USD và 3 tỉ USD trong những tháng gần đây. Hãng hàng không Emirates Airline cũng vừa công bố một thỏa thuận với bang Andhra Pradesh tại đông nam Ấn Độ để giúp phát triển ngành hàng không. Và có lễ sẽ có thêm nhiều giao dịch khác nữa giữa hai nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.