Hàng nghìn người chờ bố trí cách ly ở chốt kiểm dịch phía nam Thừa Thiên - Huế

Huy Đạt
Huy Đạt
29/07/2021 11:55 GMT+7

Hàng nghìn người dân Thừa Thiên - Huế từ các tỉnh phía nam về quê tránh dịch Covid-19 phải nằm la liệt ở cửa ngõ để chờ xe chở đi cách ly tập trung. Nguy cơ lây nhiễm chéo ở chốt kiểm soát dịch là đáng cảnh báo.

Lo lắng nguy cơ lây nhiễm chéo tại chốt kiểm dịch

Những ngày qua, người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế từ miền Nam trở về quê tránh dịch Covid-19  tăng cao đột biến khiến các chốt kiểm soát dịch phía nam tỉnh Thừa Thiên - Huế bị quá tải. Hàng nghìn người dân sau khi khai báo y tế bị ùn ứ, phải nằm la liệt, nheo nhóc tại các lán trại dựng tạm ở chốt kiểm soát dịch Covid-19 để chờ xe chở đi cách ly tập trung.

Trong ngày 28.7, tổng số người qua chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở cửa ngõ Thừa Thiên - Huế là 5.511 người

HUY ĐẠT

Người dân ngồi đông đúc, ăn uống tại lán trại chờ xe chở đi cách ly tập trung

HUY ĐẠT

Ghi nhận của PV Thanh Niên lúc 17 giờ ngày 28.7, tại chốt kiểm soát dịch TT.Lăng Cô (H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) người dân từ phía nam trở về bằng xe ô tô được lực lượng chức năng hướng dẫn khai báo y tế, sau đó di chuyển qua lán trại phía đối diện để chờ đọc tên lên xe đi cách ly tập trung.
Tại lán trại có đến hàng trăm người ăn, ngủ tại chỗ vì xe chở người đi cách ly bị quá tải. Trong lúc chờ đợi, nhiều gia đình, nhóm đồng hương đi chung xe tập hợp ngồi tựa lưng, có người lăn ra đất để ngủ vì quá mệt mỏi sau hành trình dài.
Thậm chí có người ngồi chờ cả ngày dài quá lâu, mệt mỏi dưới cái nắng gắt miền Trung và tháo luôn cả khẩu trang.

Quá đông người ngồi tựa lưng chờ đợi khiến nhiều người lo lắng nguy cơ lây nhiễm chéo dịch bệnh

HUY ĐẠT

Cùng cháu trai ròng rã di chuyển bằng xe ô tô vượt hàng trăm km từ TP.HCM về tỉnh Thừa Thiên - Huế để tránh dịch Covid-19, bà Trần Thị Thu Thủy (52 tuổi, trú xã Lộc Tiến, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), cho biết vốn hành nghề bán hàng rong ở TP.HCM rơi vào cảnh thất nghiệp khoảng hơn 2 tháng qua. Dịch bệnh bùng phát khiến bà Thủy gặp khó khăn chống chất, số tiến tảo tần tích góp được bà Thủy dùng để chi phí cầm cự thời gian qua ở xứ người. Ngày về quê bà Thủy cùng người cháu rơi vào cảnh không một xu dính túi.

Bà Trần Thị Thu Thủy ròng rã chờ đợi xe chở đi cách ly tập trung

HUY ĐẠT

“Tôi cùng đứa cháu chưa đủ 18 tuổi đi ghép với người ta trên chiếc xe ô tô 7 chỗ, tiền xe về quê hết 2,5 triệu đồng/1 người. Về đến TT.Lăng Cô, xe thả xuống nhưng không có đủ tiền trả, phải điện thoại người nhà mang tiền đến trả. Mọi người khai báo y tế xong thì ra lán trại phía đối diện để nằm chờ xe đi cách ly. Tôi ngồi chờ gần 5 tiếng đồng hồ rồi”, bà Thủy nói.
Theo bà Thủy tâm sự, khi tình hình dịch ở TP.HCM căng thẳng, thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế đồng ý cho về quê khiến những người mưu sinh xa xứ như bà cảm thấy ấm lòng. Họ thoát được cảnh ở trọ chật chội, ăn mì tôm ròng rã nhiều ngày. Thế nhưng, khi đã được quê nhà “mở cửa” đón về thì người dân đa phần là người lao động, sinh viên… đã ùn ùn về quê bằng xe máy, thuê xe ô tô khiến tình trạng ún ứ xảy ra.

Lều bạt được căng dã chiến đển phục vụ lượng người về tự phát đột biến những ngày qua trong lúc chờ đưa đi cách ly

Huy Đạt

“Có quá đông người ngồi chờ xe đưa đi cách ly tập trung ở chốt kiểm soát dịch, ngồi sát tựa lưng nhau, ăn uống tại chỗ khiến tôi lo lắng. Bản thân đã lớn tuổi, sức khỏe lại yếu nên tôi sợ lây nhiễm chéo. Chỉ mong trong đêm nay có thể tới được khu cách ly tập trung. Quá mệt mỏi rồi…”, bà Thủy nói.

Nhiều người không mang khẩu trang, không giữ khoảng cách đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại chốt kiểm soát dịch TT.Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế

HUY ĐẠT

Phận nghèo tha hương

Trong thời gian chờ đợi xe chở đi cách ly tập trung, người dân được chính quyền địa phương, các mạnh thường quân hỗ trợ cơm hộp và nước uống miễn phí. Lúc 18 giờ ngày 28.7, một chiếc xe bán tải biển số TP.Đà Nẵng đã chở cơm hộp và nước uống đến tiếp viện cho bà con.

Xe bán tải biển số TP.Đà Nẵng tiếp viện cơm hộp, nước uống cho bà con tại chốt kiểm soát dịch TT.Lăng Cô

HUY ĐẠT

Người dân nhận tiếp viện cơm, nước từ các mạnh thường quân

HUY ĐẠT

Cầm trên tay hộp cơm và chai nước suối, anh Nguyễn Đức Nhận (31 tuổi, trú xã Phong Chương, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), cho biết trong chuyến về quê đợt này toàn xã có đến 30 người cùng thuê xe rời TP.HCM về quê tránh dịch Covid-19. Theo anh Nhận, đa số người dân xã Phong Chương vào TP.HCM ở trọ để đi làm nghề thợ hồ, ngày dịch bệnh bùng phát ai nấy đều rơi vào thất nghiệp.
“Hơn 1 tháng nay chúng tôi nhận cứu trợ từ chính quyền Q.Bình Tân (TP.HCM), đôi lúc cũng có mạnh thường quân ở Huế gửi lương thực, thực phẩm vào tiếp viện. Ngày rời TP.HCM tôi đã nợ lại tiền trọ, vét sạch túi mới đủ 2 triệu tiền xe về quê”, anh Nhận kể.

Nhiều người ngủ thiếp vì thời gian chờ xe chở đi cách ly tập trung quá lâu

HUY ĐẠT

Bữa ăn vội gần bãi rác khiến nhiều người e ngại lây lan dịch bệnh Covid-19

HUY ĐẠT

Đối với những người lao động phổ thông như anh Nhận, khi về lại quê nhà họ cũng rơi vào cảnh thất nghiệp. Bây giờ về quê, ở gần anh em họ hàng cũng còn có thể cầm cự chờ ngày hết dịch sẽ lại quay vào TP.HCM mưu sinh.
“Hoàn cảnh ở trọ chờ cứu trợ khó khăn lắm, nhất là mấy đứa nhỏ phải ăn mì tôm nhiều ngày, làm cha mẹ chúng tôi xót quá nên phải mượn tiền về quê. Gia đình tôi còn trẻ nên không thuộc diện được chính quyền đón về. Tôi mượn anh em đủ tiền để trả tiền xe về quê, hết dịch sẽ vào lại TP.HCM làm việc trả nợ”, anh Nhận tâm sự.

Tiếp viện cơm tối cho người dân về từ phía nam

HUY ĐẠT

Sau hành trình dài hàng trăm km để về quê tránh dịch, người dân phải mỏi mòn chờ xe đưa đi cách ly tập trung

HUY ĐẠT

Thừa Thiên - Huế cấp tập mở thêm khu cách ly tập trung

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh (áo trắng đi đầu) cùng đoàn công tác đến khảo sát tại Khoa giáo dục thể chất, ĐH Huế

ẢNH: T.T.H

Trong nhiều ngày qua, tỉnh Thừa Thiên – Huế chịu áp lực bởi lượng người từ TP.HCM và các tỉnh vùng dịch phía nam trở về bằng xe máy và các phương tiện tự phát khá lớn. Trong ngày 28.7, tổng số người qua chốt kiểm tra là 5.511 người, trong đó người đến từ tỉnh/thành phố có dịch: 1.781, đã tiếp nhận và đưa đi cách ly 1.135 người. Bình quân mỗi ngày, tỉnh Thừa Thiên – Huế phải tổ chức tiếp nhận và cách ly tập trung từ 1.000 - 1.200 người, có ngày lên đến 1.400 người.
Thượng tá Ngô Nam Cường, cho biết, đến ngày 28.7, con số khu cách ly tập trung của tỉnh đã tăng lên 16, đã tiếp nhận cách ly gần 7.000 người, nhưng lượng người về Huế vẫn tăng nên phải liên tục mở thêm.
Ngày 28.7, tỉnh này đã phát hiện thêm 2 trường hợp bệnh nhân dương tính trong khu cách ly tập trung, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị lên 24 (5 trường hợp đã điều trị khỏi bênh).
Cùng ngày, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Hoàng Hải Minh đã đi khảo cơ sở vật chất tại Trường đại học Kinh tế, Trường đại học Ngoại ngữ và Khoa giáo dục thể chất… (mỗi cơ sở có thể hình thành khu cách ly với quy mô 1.000 giường) các trường cũng sẵn sàng phối hợp để cùng chung tay với tỉnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang rà soát tất cả các trường học trên địa bàn, để sẵn sàng đưa vào làm khu cách ly trong thời gian tới. (Bùi Ngọc Long)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.