Hang Tám Cô - Huyền thoại và sự thật: Trả lại tên cho các liệt sĩ

'Tôi đã già rồi, ước mong chỉ thấy được phần mộ chính xác của con để yên lòng nhắm mắt', bà Ngơ nghẹn ngào.

Chính quyền H.Hoằng Hóa (Thanh Hóa), thân nhân 8 liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh ngày 14.11.1972 ở Hang Tám Cô (Quảng Bình) đều mong muốn được làm sáng tỏ những uẩn khúc trong việc quy tập hài cốt bằng phương pháp khoa học để con em họ được “trả lại tên”.
Nỗi lòng những người mẹ
Năm 2014, chúng tôi tìm đến gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Phương ở thôn 3, xã Hoằng Trường. Bà Lê Thị Ngơ, mẹ liệt sĩ Phương kể bà sinh được 5 người con, anh Phương là con cả. Khi mới 17 tuổi, anh Phương đã xung phong ra chiến trường. “Tôi đã già rồi, ước mong chỉ thấy được phần mộ chính xác của con để yên lòng nhắm mắt”, bà Ngơ nghẹn ngào. Tháng 3.2017, khi trở lại gia đình liệt sĩ Phương, người con trai Nguyễn Văn Phi cho hay mẹ mình đã qua đời vào năm 2015. “Trước lúc ra đi mẹ chỉ có mong mỏi xác định rõ phần hài cốt của anh ấy cũng như của các anh chị cùng chiến đấu. Tiếc là mọi chuyện đến giờ vẫn chưa được làm sáng tỏ”, anh Phi kể.
Liệt sĩ Lê Thị Lương là trường hợp duy nhất trong số 8 liệt sĩ có mẹ vẫn còn sống, là cụ bà Lê Thị Ngoạn (86 tuổi). Bà Ngoạn có 6 người con, 4 trai, 2 gái; chị Lương là con thứ 3. Trên bàn thờ chỉ có ly hương và tấm bằng Tổ quốc ghi công chị Lương, bởi khi xung phong ra chiến trường, chị còn rất trẻ, gia đình không kịp chụp lại tấm hình nào. Theo lời kể của bà Ngoạn, mấy năm trước còn mạnh khỏe, bà thường xuyên đi kiến nghị khắp nơi, có những lần ra tận Hà Nội. Giờ không còn sức đi lại như trước nữa, ngày ngày bà quanh quẩn trong khuôn viên nhà nhưng luôn thường trực ước nguyện “sẽ có một phép màu xảy ra để được yên lòng”.
Ông Lê Quốc Trương, em trai kế của liệt sĩ Lê Thị Lương, bùi ngùi: “Nói thật là mỗi lần đi thắp hương phải thắp tới 3 nơi, chứ không phải 1 hay 2 đâu. Ở Quảng Bình có 2 nơi, là Hang Tám Cô và Nghĩa trang Thọ Lộc, nơi còn lại ở quê nhà là Nghĩa trang Hoằng Hóa, nhưng thật lòng tôi không biết chị mình chính xác đang nằm ở đâu dù hài cốt đã được tìm thấy”. “20 năm trước, gia đình các liệt sĩ đã đến rất nhiều nơi đề bạt nguyện vọng. Chúng tôi đi nhiều lần lắm. Có những người tiếp nhận đơn ngày đó giờ không còn nữa, nhưng rồi sự việc vẫn không chuyển biến được gì. Năm trước tôi có vào Quảng Bình, đến Sở LĐ-TB-XH tiếp tục kiến nghị thêm lần nữa, họ bảo chuyện này nếu ngoài T.Ư có chỉ đạo làm thì trong này mới dám làm”, ông Trương kể và bày tỏ: “Tôi mong muốn việc xét nghiệm ADN sẽ được thực hiện để trả lại tên cho các thanh niên xung phong (TNXP) đã hy sinh, trong đó có chị tôi. Tôi cứ trăn trở mãi, mình là em của chị mà không gắng hết sức làm việc này, lỡ mai mốt mình không còn, liệu các cháu của chị mình có làm được không. Thời gian trôi qua cũng đã lâu quá rồi”.
Trước khi ra chiến trường, anh Nguyễn Mậu Kỷ đã lập gia đình với chị Nguyễn Thị Chờ và có người con gái Nguyễn Thị Thanh. Chị Thanh lấy chồng năm 1990, nay có 2 người con. Hoàn cảnh kinh tế tuy còn rất khó khăn, từng là hộ cận nghèo, vẫn đang ở nhờ nhà bố mẹ chồng, nhưng điều day dứt lớn nhất của chị là “chưa một lần biết chính xác phần mộ của bố”. Hàng chục năm qua, ông Nguyễn Mậu Mật lo thờ tự, hương khói ở quê nhà cho anh mình là liệt sĩ Nguyễn Mậu Kỷ, mong mỏi: “Quá khứ đã dài rồi, nếu được thì bây giờ nên làm ngay, đừng để sự việc kéo dài nữa. Chúng tôi muốn việc đó được sáng tỏ lắm”.
Hiện vật phát hiện lúc khai quật hài cốt liệt sĩ Hang Tám Cô, đang được trưng bày tại nhà tưởng niệm di tích lịch sử này Ảnh: Đình PHÚ
“Ai biết câu chuyện này cũng mong tìm ra sự thật”
Ông Lê Văn Nhuần nay là Phó chủ tịch thường trực UBND H.Hoằng Hóa; thời điểm tiếp nhận hài cốt liệt sĩ Hang Tám Cô vào năm 1996 là Phó văn phòng UBND H.Hoằng Hóa. Ông Nhuần chia sẻ: “Chúng tôi thấu hiểu được mong muốn và ước nguyện chính đáng của các gia đình, nhưng thật lòng mà nói là lực bất tòng tâm”.
Ông Nhuần không thể lý giải được nơi nào mới là phần mộ thật của các liệt sĩ TNXP Hang Tám Cô, mà chỉ nói: “Bây giờ các anh, các chị có 2 phần mộ, ở Nghĩa trang Hoằng Hóa và Nghĩa trang Thọ Lộc, chúng tôi xem là như nhau. Ai biết câu chuyện này cũng đều mong muốn tìm ra sự thật, trả lại tên cho các liệt sĩ để các gia đình TNXP được thanh thản. Những người mẹ của các liệt sĩ trước khi mất đều có ước nguyện ấy. Đây là ước nguyện có thật, ấp ủ từ lâu rồi”.
Ông Trương Tuấn An, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Hoằng Hóa, thời điểm quy tập hài cốt liệt sĩ Hang Tám Cô về H.Hoằng Hóa là Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy H.Hoằng Hóa. Theo lời kể của ông An, lễ truy điệu được tổ chức rất trang trọng, ông có dự. “Phía tỉnh Quảng Bình bàn giao thế nào thì mình tiếp nhận, tin tưởng như thế, chứ phân định cho rõ thì chúng tôi không có điều kiện. Nguyện vọng của các gia đình, chúng tôi thấy rất chính đáng. Các liệt sĩ đã hy sinh như thế mà mình không làm tới nơi tới chốn thì trước vong linh các liệt sĩ, mình cũng thấy áy náy”, ông An bày tỏ và nói thêm: “Sau khi phát hiện thêm 6 bộ hài cốt ở trong Hang Tám Cô, thật lòng tôi cũng có nghĩ là hài cốt các anh chị TNXP quê mình hy sinh vẫn còn ở trong Quảng Bình. Bây giờ chính sách của nhà nước về xét nghiệm ADN nhằm xác định thân nhân liệt sĩ đã có, tôi nghĩ chỉ có cách làm như vậy mới chính xác được. Bố mẹ các liệt sĩ giờ cũng không còn nữa, duy chỉ còn mẹ Ngoạn. Nói lại chuyện này không phải vì động cơ xới lại chuyện cũ, nhưng nếu có điều kiện thì nên có cách làm phù hợp để vấn đề được sáng tỏ, trả lại tên cho các liệt sĩ”.
Ông Hoàng Văn Hoằng, nguyên Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, trước thời điểm quy tập hài cốt liệt sĩ Hang Tám Cô về H.Hoằng Hóa là Chủ tịch UBND huyện, rồi tiếp đó làm Bí thư Huyện ủy Hoằng Hóa. Ông Hoằng nói: “Câu chuyện hy sinh và quy tập hài cốt liệt sĩ Hang Tám Cô cứ theo suốt quá trình công tác của tôi. Tôi nghĩ nếu lần trước bàn giao nhưng chưa đầy đủ, thì với trách nhiệm trước vong linh các anh hùng liệt sĩ, mình làm lại cho sáng tỏ hơn. Có thể lúc đó vì hoàn cảnh nên chưa thể làm hoàn thiện, thì giờ mình làm hoàn thiện. Huyện, xã và thân nhân các liệt sĩ sẵn sàng phối hợp để làm. Cố gắng lần này làm xong, chứ nếu không thì chẳng biết lúc nào làm được”.
Theo lãnh đạo Huyện ủy, UBND H.Hoằng Hóa, trong 2 thời kỳ kháng chiến đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, H.Hoằng Hóa có 4.812 liệt sĩ. Hầu hết phần mộ các liệt sĩ đều đã được quy tập tươm tất, ổn định; chỉ riêng phần mộ 8 liệt sĩ TNXP Hang Tám Cô vẫn còn là nỗi trăn trở khôn nguôi, bởi phần hài cốt dẫu đã phát hiện hơn 20 năm qua, đến nay chưa được minh định rõ ràng, còn nhiều nghi vấn. Riêng Nghĩa trang liệt sĩ H.Hoằng Hóa có 590 phần mộ, đa phần đều có hài cốt, tên tuổi cụ thể; chỉ riêng phần mộ 8 liệt sĩ TNXP ở Hang Tám Cô thì “vẫn còn dang dở”.
Theo hướng dẫn của Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH) về việc giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, đối với mộ đã được an táng trong nghĩa trang liệt sĩ nhưng còn thiếu thông tin, thì Sở LĐ-TB-XH có công văn đề nghị Cục Người có công cử cán bộ của Cục và đề nghị Trung tâm giám định gien phối hợp lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ để đối chiếu với thân nhân liệt sĩ. Trong trường hợp hài cốt đã mùn nát, không thể thu thập được răng và các mảnh xương nguyên vẹn, thì cố gắng lựa chọn các mẫu xương tốt nhất còn sót lại. Lấy mẫu sinh phẩm (tóc, móng tay hoặc móng chân) thân nhân liệt sĩ ưu tiên theo thứ tự: mẹ, bà ngoại, anh chị em cùng mẹ; bác, cậu, dì là anh chị em ruột của mẹ; con của em gái, chị gái liệt sĩ...
Trường hợp sau khi đã giám định ADN xác định được hài cốt liệt sĩ đúng cùng huyết thống với thân nhân liệt sĩ, Sở LĐ-TB-XH (nơi có mộ) chỉ đạo việc gắn bia ghi tên liệt sĩ và thực hiện chính sách theo quy định. Trường hợp không cùng huyết thống, thì trên bia mộ liệt sĩ vẫn giữ nguyên thông tin như ban đầu đã có. Kinh phí thực hiện giám định ADN do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.