Hàng thủ thời ông Park trở thành 'phao cứu sinh' của đội tuyển Việt Nam?

23/11/2024 10:27 GMT+7

Khi hàng công gặp vấn đề trong khâu ghi bàn, hàng thủ sẽ tiếp tục là điểm tựa để đội tuyển Việt Nam bay cao ở AFF Cup 2024.

Kỷ lục phòng ngự của đội tuyển Việt Nam

3 kỳ AFF Cup gần nhất, đội tuyển Việt Nam lần lượt về nhì (2022), về ba (2020) và vô địch (2018). Dù thành tích mỗi giải mỗi khác, nhưng điểm chung của đội bóng từng được huấn luyện bởi ông Park Hang-seo là đều phòng ngự rất tốt ở sân chơi Đông Nam Á.

Tại AFF Cup 2018, đội tuyển Việt Nam giữ sạch lưới 5 trong số 8 trận cả giải, chỉ nhận 4 bàn thua (trung bình 0,5 bàn/trận).

Đến AFF Cup 2020, số trận sạch lưới tiếp tục là 5 (trong số 6 trận đã đấu), nhận 2 bàn thua (trung bình 0,33 bàn/trận). Tại AFF Cup 2022, sự chắc chắn của hàng phòng ngự tiếp tục được củng cố, khi đội bóng của ông Park sạch lưới 6 trong số 8 trận. Với 3 bàn thua nhận xuyên suốt giải đấu, tỷ lệ thủng lưới của đội tuyển Việt Nam chỉ là 0,37 bàn/trận.

Hàng thủ thời ông Park trở thành 'phao cứu sinh' của đội tuyển Việt Nam?- Ảnh 1.

Thành Chung sẽ đá ở trung tâm hàng thủ đội tuyển Việt Nam?

ẢNH: MINH TÚ

Ở AFF Cup, đội tuyển Việt Nam đang nắm giữ 2 kỷ lục: là đội đầu tiên trong lịch sử sạch lưới vòng bảng ở 3 kỳ AFF Cup liên tục (2018, 2020, 2022), đồng thời cũng là đội đầu tiên vào chung kết mà không phải nhận bất cứ bàn thua nào (2022). Dù vô địch hay không, nhưng học trò ông Park Hang-seo luôn là đội phòng ngự tốt bậc nhất Đông Nam Á. Tấm lá chắn kiên cố trước cầu môn Đặng Văn Lâm trở thành biểu tượng cho sự vững vàng trong giai đoạn đỉnh cao của đội tuyển Việt Nam.

Khi hàng thủ vững vàng, đội tuyển Việt Nam có thể vào trận với tâm thế chưa chắc thắng, nhưng chắc chắn không thua. Từ trước đến nay, tấn công chưa bao giờ là điểm mạnh của Việt Nam. Một HLV ở V-League tiết lộ, do các đội ở V-League chủ yếu đá phòng ngự phản công, nên phòng ngự vẫn là ưu thế mà đội tuyển Việt Nam có thể phát huy.

Khi HLV Philippe Troussier nắm quyền, sự chuyển dịch từ đấu pháp phòng ngự phản công sang cầm bóng tấn công chủ động đã khiến cầu thủ bỡ ngỡ. Hậu quả là, khi hàng công còn chưa có dấu ấn, hàng thủ đã sụp đổ với 25 bàn thua trong 11 trận cuối ông Troussier tại vị.

Để đội tuyển Việt Nam đạt mục tiêu vào chung kết, HLV Kim Sang-sik cần tái cấu trúc từ hàng phòng ngự, trước khi nghĩ tới nhào nặn tuyến tấn công. Khi lối chơi tấn công áp đặt vẫn là... tương lai xa vời, sự an toàn và khoa học từng làm nên thương hiệu sẽ là cứu cánh của thầy trò ông Kim.

Hàng thủ thời ông Park trở thành 'phao cứu sinh' của đội tuyển Việt Nam?- Ảnh 2.

Duy Mạnh trở lại

ẢNH: MINH TÚ

Lựa chọn an toàn

HLV Kim Sang-sik gọi nhiều tân binh và cầu thủ trẻ ở nhiều tuyến. Nhưng riêng tuyến phòng ngự, ông chọn giải pháp an toàn.

Những trung vệ như Đỗ Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Thành Chung, Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình đều xác lập tên tuổi dưới thời HLV Park Hang-seo. Cùng với Quế Ngọc Hải (không được triệu tập), đây là những hậu vệ giỏi nhất, tạo nên hàng thủ xác lập nhiều kỷ lục Đông Nam Á.

Duy Mạnh, Việt Anh, Thành Chung mới trở lại sau chấn thương, Tiến Dũng đã sa sút. Ngoại trừ Thanh Bình, không hậu vệ nào ở trạng thái sung mãn. Tuy nhiên, cách chọn người của ông Kim cho thấy kinh nghiệm mới là yếu tố cốt lõi.

Nhà cầm quân người Hàn Quốc cần những cận vệ đã quen với áp lực, biết đọc vị những đối thủ Đông Nam Á, có tâm lý vững vàng ở thời khắc quan trọng.

Hiển nhiên, đội tuyển Việt Nam sẽ không "sao chép" lối chơi thời ông Park. HLV Kim Sang-sik có quan điểm chiến thuật khác biệt, như triển khai bóng từ hàng thủ, phòng ngự và pressing chủ động với khối đội hình dâng cao nhưng vẫn giữ cự ly chặt chẽ, tấn công linh hoạt và tự do dựa trên những pha đập nhả kéo giãn, khai thác khoảng trống.

Tuy nhiên, có chơi theo triết lý nào, sự vững vàng của tuyến thủ vẫn là ưu tiên số một. Đội tuyển Việt Nam cần bức tường thành được tạo nên bởi bản lĩnh và kinh nghiệm, trước khi nghĩ tới những mục tiêu xa hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.