Hàng trăm ngàn người dân miền Tây lo chống bão số 16 đang tiến vào

Trước diễn biến khó lường của bão số 16 , chính quyền và hàng trăm ngàn người dân miền Tây đã tự di dời, chuẩn bị di tản và đang khẩn trương triển khai các phương án ứng phó.

Chiều 24.12, lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão ở các địa phương có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của bão gồm TX.Vĩnh Châu và các huyện Trần Đề, Cù Lao Dung, Long Phú, Kế Sách.
Tại H.Trần Đề, Phó chủ tịch UBND huyện Lưu Hữu Danh cho biết 1.339 hộ dân của huyện với gần 5.000 người phải di dời đến trụ sở UBND các xã, trường học, Đồn biên phòng Bãi Giá khi bão đổ bộ vào.
VIDEO: 20 Điều người dân vùng bão đi ngang cần lưu ý
Huyện đã chuẩn bị sẵn phương tiện di chuyển bà con đến nơi tránh bão cũng như các phương tiện ứng phó với bão. Trung tá Bùi Thành Thắng, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Bãi Giá, cho biết đơn vị đã thành lập 2 tổ công tác ở TT.Trần Đề và xã Trung Binh để hướng dẫn và giúp bà con di dời, chằng chống, gia cố nhà cửa, công trình nhằm tránh thiệt hại khi bão đổ bộ vào.
Theo ghi nhận của PV, tinh thần ý thức ứng phó với bão của người dân rất tích cực. Bà Lâm Thị Bấu (ngụ ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, H.Trần Đề) cho biết: “Từ hôm qua đến giờ, nghe tin đây là cơn bão rất lớn, rất nguy hiểm nên bà con ai cũng chuẩn bị tinh thần ứng phó. Sáng sơm nay, chính quyền thông báo tinh thần di dời khi bão đổ bộ vào thì bà con ai đểu chuẩn bị sẵn sàng, chủ yếu là quần áo và giấy tờ tùy thân. Cả xóm này trước đây ở ngoài biển, sau bão số 5 năm 1997, Nhà nước dời vào đây thành khu dân cư với trên 100 hộ, chủ yếu theo nghề biển. Vì vậy nghe tin bão ai cũng sợ, người ở ngoài biển cũng đã vào bờ, còn người ở nhà thì chuẩb bị sẵn sàng để di dời”.
Ông Châu Ngọc Sang (52 tuổi) là ngư phủ theo tàu đánh cá cho biết: "Chúng tôi nhận được thông báo có bão ngày 23.12 thì ngay trong ngày chủ cho tàu vào Côn Đảo tạm trú, đến khuya thì chạy thẳng vào cảng Trần Đề và cập cảng lúc 6 giờ sáng nay. Hiện vẫn còn nhiều tàu không vào cảng Trần Đề mà cập Côn Đảo vì chủ tàu sợ ngư phủ bỏ trốn. Đi biển, sống chết với biển nhưng nghe tin bão lớn thấy lo, anh em nói chủ tàu cho về nhà lo cho gia đình, vợ con, hết bão sẽ trở lại biển”.
Ông Trần Văn Mãi, Chủ tịch Hội người cao tuổi TT.Trần Đề với chiếc xe thông tin lưu động chạy khắp thị trấn để phát thông tin về bão Ảnh: Hoàng Vân
Ông Nguyễn Văn Oai (chủ tàu, ngụ tại ấp Giồng Chùa, TT.Trần Đề) chia sẻ: "Nghe tin bão, chúng tôi lập tức cho tàu vào cảng neo tránh bão. Ở ngoài biển, chúng tôi cũng đối mặt với bão nhiều rồi, nên khi nghe thông báo của cơ quan chức năng là bà con vào bờ ngay. Hết bão sẽ trở lại ngư trường khai thác tiếp".
Tại TT.Trần Đề, dù các phương tiện thông tin đại chúng luôn phát đi thông tin về diễn biến cơn bão nhưng ông Trần Văn Mến, Chủ tịch Hội người cao tuổi TT.Trần Đề vẫn dùng xe gắn máy chở theo một chiếc loa thùng cùng phương tiện phát thanh chạy khắp ngỏ hẻm phát đi thông tin về cơn bão. “Lúc này bà con bận nhiều việc cho chống bão nên đôi lúc cũng không theo dõi thông tin trên loa đài. Vì vậy, Hội người cao tuổi chúng tôi dùng loa gắn trên xe chạy vào tận các gia đình vùng sâu vùng xa để phát thông tin cho mọi người cùng theo dõi. Hội có 3 chiếc loa như thế, chia nhau chạy khắp các địa bàn của thị trấn”, ông Mến nói.
Người dân ở H.Gò Công Đông (Tiền Giang) lấy bao cát gia cố mái nhà trước cơn bão số 16  Ảnh: Phạm Hữu
Bạc Liêu đã có 27.000 người dân tự sơ tán
Ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND H.Đông Hải (Bạc Liêu), cho biết thị trấn Gành Hào dự báo chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất nếu bão đổ bộ vào, bởi Gành Hảo có cửa biển lớn nhất của tỉnh, có hàng ngàn tàu thuyền lớn nhỏ của các địa phương neo đậu, trú tránh bão. Điều lo lắng nhất là nếu sóng biển đánh cao từ 7 - 9 m thì tuyến đê kè Gành Hào có nguy cơ bị vỡ và hơn 15.000 người dân ở thị trấn này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, nhiệm vụ quan trọng của địa phương là bảo vệ nghiêm ngặt tuyến đê kè; đồng thời vận động người dân tự giác di dời đến nơi ở tạm, an toàn. Đối với những hộ dân sinh sống ven đê, gần cửa biển mà còn chủ quan, lơ là trong phòng tránh bão huyện sẽ kiên quyết cưỡng chế buộc phải di dời.
Ông Trần Hoàng Khải, Bí thư P.Nhà Mát, TP.Bạc Liêu, cho biết trong ngày 24.12, phường đã lên kế hoạch di dời khẩn cấp 2.800 người dân đến trụ sở UBND phường và các điểm trường ở tạm. Trước mắt đã vận động người già và trẻ em sơ tán đến nơi ở tạm, còn lại những hộ dân cố chấp phường sẽ kiên quyết cưỡng chế di dời hết trong trưa 25.12.
Người dân ở H.Gò Công Đông (Tiền Giang) lấy bao cát gia cố mái nhà trước cơn bão số 16 Ảnh: Phạm Hữu
Chiều 24.12, sau khi kiểm tra các khu vực xung yếu như kè Nhà Mát (TP.Bạc Liêu); đê kè Gành Hào (H.Đông Hải)… Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai nhanh kế hoạch sơ tán dân trú bão trong ngày 24.12 và phải sơ tán dứt điểm đến 10 giờ ngày 25.12. Theo đó, tỉnh sẽ sơ tán gần 65.000 hộ dân, tương đương hơn 350.600 người. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, đã có 27.000 người dân vùng ven biển Bạc Liêu tự sơ tán, tìm đến nhà người thân tá túc.
Người dân Tiền Giang chuẩn bị ứng phó bão số 16
Ngay từ sáng sớm, người dân, lực lượng chức năng của tỉnh Tiền Giang đã khẩn trương triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 16. Tại H.Gò Công Đông, loa phát thanh liên tục thông báo về diễn biến cơn bão và đề nghị người dân chuẩn bị vật dụng gia cố nhà cửa. Ngư dân đã chuẩn bị tinh thần và cho tập trung tất cả phương tiện thuỷ neo ở bến cá Đèn Đỏ (xã Tân Thành) ngóng chờ tin bão.
Các tàu thuyền được neo sát, cột dây chắc chắn để tránh gió. Các chủ tàu đa phần cũng rời tàu lên bờ tìm nơi trú ẩn. Bên cạnh đó, một số hộ dân trên đất liền cũng đã mua cát cho vào bao tải gia cố mái nhà trước khi bão đến. Tuy nhiên, đến 13 giờ cùng ngày vẫn còn nhiều hộ dân thờ ơ chưa gia cố nhà cửa trước cơn bão. Trong khi đó tình hình thời tiết vẫn diễn ra bình thường, chưa có dấu hiệu mưa gió giật mạnh.
Ông Phạm Văn Beo (ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành, H.Gò Công) cho biết, cảm thấy lo lắng với cơn bão sắp tới. Ông đã trãi qua trận bão vào năm 2009 nên ông rất chú trọng đến việc chống bão lần này. Ông Beo chủ động mua 1 m3 cát cho vào 50 bao cát, dây và chằng chéo mái và các góc nhà để chống bão. Ngoài ra, lương thực thực phẩm cũng đã chuẩn bị từ trước.
UBND xã Tân Thành cho biết, dự đoán có 4 ấp Tân Phú, Cầu Muống, Cây Bàng, Đèn Đỏ bị ảnh hưởng lớn bởi cơn bão. Hiện tại xã đã vận động được 69 tàu thuyền, trong đó có 43 tàu thuyền đánh bắt gần bờ của địa phương vào bến đậu an toàn.
Trong chiều 24.12, các hộ nghèo ở xã Phú Đông (H.Tân Phú Đông) đã được nhận sắt để gia cố nhà cửa chống bão. Tuy vậy, nhịp sống của người dân tại đây hầu như vẫn diễn ra bình thường. Tất cả nhà dân ở xã ven biển Phú Tân đều được bộ đội biên phòng giúp đỡ chằng chéo nhà cửa. Chị Phạm Thị Hường (ngụ ấp Cồn Cống, xã Phú Tân) là chủ trại nuôi tôm lớn ở H.Tân Phú Đông cũng cảm thấy lo trước cơn bão lớn lần này bởi vị trí trại tôm của chị chỉ cách biển 1 km. Nên nguy cơ triều cường dâng cao và gió giật mạnh là không thể tránh khỏi. Để tránh thiệt hại, vào sáng sớm chị Hường đã cho hạ mực nước, bỏ vôi vào các vuông tôm để giữ tôm khỏi bị chết do bão. Ngoài ra cũng chuẩn bị máy phát điện chạy máy oxi nếu xảy ra tình trạng mất điện. “Nếu có lệnh di dời dân khỏi huyện thì tôi và gia đình bộc phải bỏ hết nhà cửa và 20 vuông tôm thì thiệt hại tôi cũng không biết làm sao”, chị Hường nói.
Theo UBND H.Tân Phú Đông, dự kiến đối với bão trên cấp 10 nếu sẽ phải di dời 43.798 người/ 11.477 hộ đến các điểm tránh trú bão thuộc các cơ quan đình chùa. Ngoài ra kế hoạch sơ tán người dân đến các huyện khác khoảng 10.000 người.
Các ngư dân đã cho tàu thuyền vào neo đậu ở khu vực H Gò Công Đông (Tiền Giang) để tránh bão Ảnh: Phạm Hữu
Bến Tre: Tăng cường mỗi huyện biển 1 trung đội vũ trang
Chiều 24.12, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết từ 7 giờ - 12 giờ trưa ngày mai 25.12, lực lượng phòng chống bão sẽ áp dụng các biện pháp để hỗ trợ người dân di dời về nơi an toàn. Trường hợp nào không đồng ý di dời sẽ cưỡng chế. Riêng 3 huyện vùng biển là Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú đã tăng cường mỗi huyện một trung đội vũ trang để sẵn sàng hỗ trợ người dân và các công trình như công cộng phục vụ việc phòng chống bão có hiệu quả. Đối với các hộ nuôi tôm cũng như nuôi trồng thủy sản khác, có khả năng thu hoạch sớm thì khuyến khích để hạn chế thiệt hại và nếu hộ dân có nhu cầu sẽ được lực lượng tại chỗ hỗ trợ.
Theo ông Trọng, các lực lượng phòng chống sẽ tập trung tối đa vào tối ngày 25 và sáng 26.12 vì đó là thời gian nguy hiểm nhất của bão số 16. Khả năng bão đổ bộ vào ban đêm là rất lớn. Hiện lực lượng Bộ đội biên phòng Bến Tre đã liên hệ, kiểm soát được đội tàu gần 4.000 tàu thuyền của tỉnh, trong đó phần lớn đã neo đậu tại các khu vực phòng chống của tỉnh, số còn lại cũng đã di chuyển tránh trú an toàn.
Các hộ nghèo ở xã Phú Đông (H.Tân Phú Đông) đã được nhận sắt để gia cố nhà cửa chống bão
Cà Mau: Sáng 25.12 tổng di dời dân trên toàn tuyến biển
Sáng 24.12, Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau họp đột xuất nghe báo cáo tình hình đối phó bão số 16, thống nhất phương án triển khai phòng chống bão. Ông Nguyễn Tiến Hải, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết ngay từ bây giờ thông báo di dời dân, nhất là các vùng ven biển phải di dời ngay người già, trẻ em, tài sản đến nơi an toàn; cho học sinh nghỉ học từ sáng 25 cho đến hết bão.
Công nhân tại các nhà máy xí nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước trên toàn tỉnh phải nghỉ làm việc từ ngày 25, chỉ chừa lại một số bộ phận coi sóc nhà máy, ứng cứu kịp thời khi bão đổ bộ gây thiệt hại nhà máy, xí nghiệp…
Ông Hải nhấn mạnh: “Các lực lượng phải khẩn trương triển khai các nội dung trong công điện của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, quyết liệt triển khai việc tuyên truyền người dân chồng chắng nhà cửa, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.
Người dân ở H.Tân Phú Đông (Tiền Giang) mang bao cát chèn mái nhà trước bão Ảnh: Phạm Hữu
Ông Phạm Phúc Giang, Chủ tịch UBND H.Cái Nước, thông tin toàn huyện có khoảng 9.000 người dân trong kế hoạch di dời. Trong đó, gười già, trẻ em cần sơ tán ngay đến nhà người thân kiên cố là khoảng 6.200 người. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các xã cho người dân thu hoạch diện tích nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là diện tích tôm siêu thâm canh của huyện.
Việc chồng chắng nhà cửa đang được triển khai quyết liệt, huyện đã xuất kinh phí khoảng 300 triệu đồng để mua dây hỗ trợ cho hơn 500 hộ cận nghèo khó khăn sử dụng.
Ông Võ Trường Giang, Chủ tịch UBND H. Phú Tân, cho biết: “Hiện đã liên lạc được tất cả tàu thuyền hoạt động trên biển và đa số tàu đã vào bờ neo đậu trú bão, còn 3 tàu cá đang vào bờ. Ngoài ra, toàn huyện có hơn 1.000 dân với hơn 4.400 người cần phải sơ tán thuộc 4 xã ven biển của huyện”.
Ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND H.U Minh thông tin: “Huyện có khoảng 3.000 dân cần phải di dời. Trước mắt, hôm nay 24.12 tiến hành di dời người già, trẻ em. Sáng mai 25.12 thì tiến hành di dời đồng loạt các hộ dân sống ven biển.
Ông Lê Phong, Chủ tịch UBND H.Trần Văn Thời cho biết: “Huyện cần phải di dời hơn 5.000 người. Theo chỉ đạo của tỉnh thì trong chiều 24.12 phải di dời người già, trẻ em vào nơi trú ẩn an toàn. Nhưng hiện tại, người dân còn chủ quan họ chưa chịu đi, họ cho rằng bão còn xa. Chúng tôi đang phải tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân, đã được một số bà con đồng ý di dời”.
Người dân H.Tân Phú Đông gia cố lại mái nhà trước cơn bão Ảnh: Phạm Hữu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.