Hàng trộm cắp đầy rẫy! - Bài 3: Tiếng nói của người trong cuộc

09/10/2009 01:16 GMT+7

Không thể cứ để tồn tại mãi tình trạng vô tư mua hàng trộm cướp, rồi nói “không biết”, “mua nhầm” là ung dung thoát tội. Nhiều ý kiến chỉ ra rằng: khép tội được hay không tùy thuộc vào ý chí của cơ quan điều tra! Nghe đọc bài

Sau khi đọc loạt bài Hàng trộm cắp đầy rẫy đăng trên Báo Thanh Niên, chị P.T (34 tuổi, giám đốc một công ty dịch vụ ở Q.1) đã trực tiếp đến tòa soạn trình bày bức xúc và đưa ra chính kiến không đồng tình về lý sự của các chủ cửa hàng mua đồ trộm cướp là “khi mua không biết đó là đồ trộm cắp”.

Chị kể: “Khoảng tháng 10.2008, hai vợ chồng tôi đậu xe trên đường Thái Văn Lung (Q.1) để đi ăn tối. 2 giờ sau, chúng tôi quay lại thì phát hiện kính chiếu hậu bên trái của chiếc Mercedes C200 bị tháo mặt kính, gãy 3 cái chấu. Ngay hôm sau, tôi đến chợ Dân Sinh (Q.1) gặp “cò” ở đây mua lại đúng y mặt kính của mình với giá 4 triệu đồng/cái. Nhưng khi đem về bắt vào thì không được do thiếu 3 cái chấu. Tôi mang mặt kính ra trả lại cho “cò”. Lúc đó, “cò” này chạy đi tìm, 30 phút sau mang đến cho tôi 3 cái chấu về đặt vào trùng khớp với kính chiếu hậu của tôi. Tôi nghĩ chắc chắn chủ các cửa hàng khi mua biết rõ đó là đồ trộm cắp, không thể nói không biết”.

Để chứng minh cho nhận định của mình, chị T. phân tích 5 lý do. Thứ nhất, một khi người ta mua được chiếc xe hơi Mercedes, cho dù túng thiếu đến đâu họ cũng không thể tháo mặt kính đi bán để lấy tiền giải quyết khó khăn. Thứ hai, nếu có tháo mặt kính đi bán thì làm gì các chấu của kính bị gãy. Thứ ba, kẻ trộm cắp bao giờ cũng bán với giá rẻ bèo so với giá thị trường. Thứ tư, một người thường xuyên mang kính chiếu hậu các loại đến bán thì lẽ nào chủ cửa hàng không có chút hoài nghi và nhận thấy đó là điều bất thường? Bởi không ai có nhiều xe hơi xịn (bán nhiều loại kính chiếu hậu khác nhau) và túng thiếu phải tháo đi bán nhiều lần như vậy. Thứ năm, người mang kính chiếu hậu đến bán đa số là con nghiện, ốm nhách, rách rưới. Ngoại hình như vậy mà chủ cửa hàng không hoài nghi là trộm cắp để báo công an là không thể chấp nhận được. “Tóm lại, tôi là người dân bình thường, không phải chuyên kinh doanh phụ tùng ô tô nhưng qua những dấu hiệu bất thường thì tôi biết đâu là đồ trộm cắp đâu là đồ cũ mang đi bán vì túng thiếu hoặc muốn thay mới”, chị T. nói.

Trong quá trình tìm hiểu về vấn nạn này, chúng tôi đã gặp một người có cửa hàng từng chuyên mua bán đồ lạc xoong có tiếng trên đường Nguyễn Chí Thanh, TP.HCM. “Giờ không dám mua hàng trộm cắp vì sợ dính tới pháp luật”, đó là tâm sự của ông H.C, chủ cửa hàng nói trên. Trước đây, cơ sở của ông H.C được nhiều người biết đến là nơi cung cấp đầy đủ (hàng second hand đủ loại) bộ phận xe gắn máy, đặc biệt là mô tô phân khối lớn, các loại xe tay ga đắt tiền... Ông H.C cho biết, số hàng “trôi dạt” này được ông thu mua lại từ những người “nói là đang cần tiền” nên đem tới bán giá rẻ, và thực tế ông đã mua được nhiều món hàng với giá “bèo” trong suốt thời gian dài.

“Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mấy người này cần tiền nên bán rẻ thì mua, chứ chưa nghĩ là hàng trộm cắp”. Càng về sau, thấy có nhiều tay nghiện ngập, cứ vài ngày mang một số bộ phận của các loại xe gắn máy, như: cốp xe, đèn, kiếng chiếu hậu, phuộc nhún... đến bán, thì ông H.C bắt đầu... ngán ngại. “Nhìn mấy món hàng các tay này mang tới bán, như đèn, kiếng hậu của xe... dây nhợ lòng thòng có dấu hiệu bị bẻ ngang, là tôi biết ngay họ vừa tháo trộm ở đâu đó. Càng ngày, tôi càng thấy lo lắng vì sợ mang tội tiêu thụ hàng gian. Từ đó, tôi đã dặn người nhà không thu mua những hàng này”, ông H.C nói.

Cũng theo ông H.C, sau nhiều lần từ chối mua các loại hàng trộm cắp trên, một số tay nghiện đã chuyển sang bán tại chợ cầu sắt Nguyễn Hữu Nghĩa, chợ “trời” ở Nguyễn Công Trứ (Q.1)...

“Thế giới ngầm rất kinh khủng”

Theo luật sư Nguyễn Thanh Lương (Công ty Luật hợp danh Liên Đoàn), đối với những đối tượng mua bán, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không phải là luật pháp bó tay không xử lý được. Luật đã quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm là thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, mà chính là khâu điều tra ban đầu của điều tra viên. Việc chứng minh một đối tượng “biết” hoặc “có khả năng biết” tài sản đó từ phạm tội mà có không mấy khó khăn. Chẳng hạn, kính xe thì phải gắn trên xe, chiếc kính bị mẻ sứt, không nguyên vẹn được một người nào đó đem bán mà bảo người mua không nghi ngờ gì, không biết tài sản đó là trộm cắp thì không chấp nhận được, vì cảm quan của một người bình thường nhất cũng biết đó là đồ bất hợp pháp.

“Đơn cử, tôi từng chứng kiến cảnh một người bạn bị bẻ kính xe, sau đó phải nhờ đến công an để tìm mua lại chính chiếc kính đó từ một đầu nậu. Rõ ràng, đang tồn tại một thế giới ngầm rất kinh khủng. Đối với loại tội này thì việc có thể bắt đối tượng phạm tội quy án hay không là phụ thuộc vào kinh nghiệm, ý chí chủ quan và có làm đến nơi, xử lý nghiêm minh hay không của điều tra viên thụ lý vụ án đó. Trên thực tế, vấn đề tiêu thụ tài sản phạm tội này chỉ là phần đuôi của một vụ án và người phạm tội thường là các đối tượng kinh doanh hám lợi nên được du di. Nói không xử lý được các đối tượng này là cơ quan điều tra chưa làm hết trách nhiệm. Đối với những người chưa làm hết trách nhiệm này, Bộ luật Hình sự cũng có chế tài xử lý về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội hoặc tội làm sai lệnh hồ sơ vụ án”, luật sư Lương nói.

Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM phân tích, “chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có” là phạm tội hình sự. Như vậy, để kết một người phạm tội hình sự về hành vi này thì người đó phải “biết rõ” tài sản đó có được từ một nguồn bất hợp pháp. Nhưng như thế nào là biết rõ? Việc này phụ thuộc chính là vào nghiệp vụ điều tra của công an. Bởi lẽ, không tội phạm nào dễ dàng thừa nhận mình biết rõ đó là đồ gian mà vẫn mua. Tuy nhiên, dựa vào những dấu hiệu bất thường giữa người mua và người bán cộng với nghiệp vụ điều tra của công an thì không khó khăn gì trong việc bắt kẻ phạm tội phải thừa nhận hành vi phạm tội để xử lý theo đúng pháp luật.

Theo vị thẩm phán này, căn cứ vào giá trị tài sản như mua với giá rẻ bất thường, tài sản có dấu hiệu bất thường (dây chuyền bị đứt, kính xe bị gãy chốt...) mà một người bình thường cũng biết... là những dấu hiệu chứng tỏ người tiêu thụ “biết rõ” để khởi tố, xử lý hình sự đối tượng đó. Bên cạnh đó, để xử lý mạnh tay các đối tượng tiêu thụ đồ gian cần phải có biện pháp mạnh từ quản lý thị trường; hàng mua bán không có nguồn gốc, hóa đơn chứng từ là cứ xử lý mạnh để chặt đứt hàng hóa trôi nổi trên thị trường. Ở nước ngoài, hàng cũ muốn mua bán cũng phải có nguồn gốc từ ai thanh lý hoặc có chứng từ mua bán của ai... nên không có cảnh mua, bán bát nháo như ở ta. (Còn tiếp)

Đ.Huy - L.Nga - M.Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.