Hàng trộm cắp đầy rẫy! - Bài 4: Không thể bó tay

10/10/2009 00:45 GMT+7

PV Thanh Niên đã trao đổi với các cơ quan chức năng về những bức xúc của cộng đồng trước việc nhiều người tiêu thụ hàng gian, tiếp tay cho bọn trộm cướp mà vẫn nhởn nhơ... Nghe đọc bài

“Chà đi, xát lại” các điểm tiêu thụ 

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thế Thông, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết:

- Theo quy định, Chi cục QLTT TP có quyền kiểm tra các cơ sở, các điểm mua bán các loại hàng hóa đang lưu thông trên thị trường. Nếu phát hiện hàng trôi nổi, không có hóa đơn, chứng từ, chúng tôi sẽ lập biên bản tạm giữ, mang về kho của chi cục; đồng thời yêu cầu chủ hàng chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Nếu chủ hàng không chứng minh được thì trước hết xem là hàng lậu. Trường hợp hàng hóa không có chứng từ, hóa đơn nhưng có dấu hiệu trộm cắp, thì có thể chuyển sang cơ quan điều tra xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu xác định được những điểm tàng trữ, mua bán hàng gian thì ngay từ đầu chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan công an, từ đó mới có thể xác định mức độ vi phạm, để xử lý theo quy định pháp luật.     

* Như vậy, cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý được các điểm tiêu thụ hàng gian? 

- Thông thường khi kiểm tra, nếu là hàng hợp pháp thì có giấy tờ chứng minh ngay. Nếu anh không chứng minh được thì QLTT có quyền bốc hàng đem về kho. Việc xác định nguồn gốc hàng trộm cắp qua chiếc xe gắn máy đơn giản, vì nó thể hiện qua giấy tờ xe. Còn đối với những mặt hàng khác, như đồng hồ, điện thoại di động, phụ tùng xe, kiếng hậu... thì quả là khó khăn. Thông thường các chủ tiêu thụ hàng gian này lấy cớ “người bán nói lượm đâu đó hoặc xe nhà thay ra không xài nên bán lại cho tui”, chứ không bao giờ tự nhận là “biết hàng gian mà vẫn mua”. Do đó, việc quy tội bán hàng trộm cắp là không hề đơn giản chút nào. Cùng lắm, lực lượng QLTT chỉ kiểm tra, phát hiện hàng hóa không có chứng từ, hóa đơn liên quan thì chỉ tịch thu, xử phạt hành chính. Nếu hàng đạt chất lượng thì đem ra bán đấu giá, trường hợp hàng giả không đạt chất lượng thì đem đi tiêu hủy.

Lực lượng QLTT từng kiểm tra, phát hiện một số điểm mua bán hàng hóa có dấu hiệu trộm cắp, nhưng chủ hàng chỉ thừa nhận “tui mua hàng trôi nổi, thấy rẻ, mua. Giờ bắt thì chịu, chấp nhận tịch thu hàng”, thậm chí họ còn vui vẻ... đóng phạt!

“Theo Quyết định số 1429/2003/QĐ-BTM (ngày 31.10.2003) của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc kê khai mặt hàng ĐTDĐ các loại thuộc hệ GSM tại các cơ sở kinh doanh, sửa chữa, bảo hành, thì cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ khi thu mua ĐTDĐ cũ, phải kê khai địa chỉ cư ngụ hoặc giấy tờ tùy thân của người bán ĐTDĐ. Đối với số ĐTDĐ của cửa hàng kinh doanh đã tự giác kê khai đầy đủ, đúng thời hạn thì không xử phạt hành chính, không truy thu thuế nhập khẩu và được phép lưu thông trên thị trường. Từ đầu năm 2009 đến nay, QLTT thành phố đã kiểm tra 10 cửa hàng, tịch thu 347 cái ĐTDĐ đã qua sử dụng không có chứng từ, hóa đơn, bảng kê mua hàng.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Chi cục QLTT TP.HCM không nhận được bất cứ quyết định hay văn bản nào về việc xử phạt các cơ sở kinh doanh nữ trang vàng, phụ tùng ô tô, xe máy cũ... không kê khai “lai lịch” của người bán hàng cho họ” - ông Dương Công Khanh, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM

* Dư luận cho rằng, sở dĩ việc để tồn tại hàng loạt điểm tiêu thụ hàng gian, buôn bán công khai hàng trộm cắp là vì có bảo kê của một số cán bộ QLTT. Ông có ý kiến gì ?

- Người dân có quyền nghi ngờ như vậy. Nhưng đúng hay không thì phải có cơ quan chức năng kết luận cụ thể. Thực tế, các điểm tiêu thụ hàng gian hoạt động rất tinh vi. Thông thường, họ chỉ trưng bày một vài món hàng, chứ không bày bán theo kiểu có bao nhiêu hàng là trưng ra hết. Việc xâm nhập vào các điểm mua hàng gian này cũng rất khó khăn, vì các chủ hàng thường dùng mọi thủ đoạn tinh vi, hòng tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

* Chẳng lẽ chúng ta bó tay với những điểm tiêu thụ hàng gian?

- Trách nhiệm của ngành QLTT đã rõ. Để hạn chế tình trạng này, QLTT TP sẽ tăng cường kiểm tra, “chà đi, xát lại” các điểm tiêu thụ hàng gian mà chúng tôi nghi ngờ hoặc người dân cung cấp thông tin. Tuy nhiên, việc kiểm tra này thường cũng dễ bị động, vì mới kiểm tra một vài nơi là các nơi khác rút lui một thời gian. Ngành QLTT sẽ đẩy mạnh phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý; đồng thời cơ quan công an cần phá cho được những đường dây, tổ chức thu mua phân phối hàng gian, hàng trộm cắp mới mong dẹp được tệ nạn này.

Công an sẽ đồng loạt ra quân

Thanh Niên cũng đã có cuộc trao đổi với thượng tá Nguyễn Việt Dũng, Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP.HCM về những vấn đề trên. Theo thượng tá Dũng: “Điều luật 250 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có... là tội phạm hình sự. Nghĩa là người mua phải biết rõ người bán là tội phạm và hàng đó chắc chắn là đồ trộm, cướp... Để chứng minh điều này, cơ quan CSĐT đang gặp một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, không phải vì thế mà cơ quan CSĐT “bó tay”. Cơ quan CSĐT có thể truy cứu trách nhiệm hình sự các chủ tiệm vàng, ĐTDĐ, phụ tùng ô tô đối với các trường hợp sau: Nếu đối tượng khai nhận đã bán cho chủ tiệm vàng và cơ quan công an thu giữ được tang vật cho dù 1 sợi dây chuyền vàng; nếu đối tượng không khai nhận mà cơ quan công an thu giữ được số lượng lớn nữ trang là tang vật thì cũng có thể bắt giữ chủ tiệm vàng... Xã hội ngày càng phát triển nên bọn tội phạm cũng ngày càng ranh ma, tìm mọi thủ đoạn để đối phó với cơ quan CSĐT. Trước tình hình này, sắp tới PC14 sẽ phối hợp với công an 24 quận huyện đồng loạt ra quân tăng cường các biện pháp tuần tra kiểm soát; công khai, bí mật đeo bám các tụ điểm, các đối tượng chuyên tiêu thụ đồ gian để thu thập củng cố chứng cứ vạch trần thủ đoạn, kiên quyết xử lý nghiêm bọn chúng.

Qua đây, cơ quan công an cũng đề nghị các cơ quan chức năng (quản lý kinh doanh có điều kiện) tăng cường kiểm tra xử lý các cửa hàng mua bán đồ cũ không rõ nguồn gốc, cửa hàng ĐTDĐ, tiệm cầm đồ, cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý... Nếu các cơ quan chức năng này thường xuyên kiểm tra phát hiện xử lý nghiêm các cửa hàng vi phạm cũng là cơ sở thuận lợi hỗ trợ chứng cứ phục vụ công tác điều tra cho cơ quan công an nhằm trấn áp tội phạm”.

Minh Nam - Đàm Huy
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.