Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P nói Trung Quốc không thao túng tiền tệ

17/03/2017 16:51 GMT+7

Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings vừa đưa ra bằng chứng phủ nhận tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.

Theo CNBC, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương Paul Gruenwald của hãng S&P Global Ratings vừa cho biết các dữ liệu quan trọng chủ chốt ít cho thấy Bắc Kinh đang đẩy giá trị nhân dân tệ xuống thấp.
“10 năm trước, việc Trung Quốc thao túng tiền tệ là rõ ràng, tất cả các chỉ số đều có màu vàng hoặc đỏ. Nhưng ở thì hiện tại, Trung Quốc có vẻ khá ổn”, ông Gruenwald nói. Trong thập niên qua, tài khoản vãng lai của Bắc Kinh hạ từ 10% GDP xuống 2% GDP, nhân dân tệ tăng nhiều hơn bất cứ tiền tệ nước nào khi xét về tỷ giá hối đoái hiệu dụng thực, tỷ lệ dự trữ ngoại hối trên GDP hạ từ 50% xuống 25%.
Đây không phải là kịch bản điển hình của một nước thao túng tiền tệ. Một nước thao túng tiền tệ thường có tài khoản vãng lai khó giảm, nội tệ không tăng và dự trữ ngân hàng trung ương đi lên.
Phát hiện của ông Gruenwald đi ngược với nhiều quan điểm mà ông Trump nhiều lần thể hiện, rằng Bắc Kinh đã và đang cố ý giữ giá trị nhân dân tệ thấp hơn so với USD để thúc đẩy xuất khẩu. Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ cho rằng Trung Quốc là “nhà vô địch thao túng tiền tệ”, dù Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho hay ông chưa sẵn sàng ra quyết định về vấn đề này.
Thay vì tập trung vào ngoại hối, chuyên gia Gruenwald gợi ý Nhà Trắng nên theo đuổi các vấn đề khác mà Trung Quốc cần cải tiến, bao gồm quyền sở hữu trí tuệ và sân chơi bình đẳng cho đầu tư song phương.
Cũng trong báo cáo công bố hôm 16.3, ông Gruenwald cho hay thực sự có bằng chứng cho thấy Đài Loan và Hàn Quốc có nội tệ giảm giá. Chuyên gia này kết luận sau khi so sánh ba khía cạnh dữ liệu tài khoản vãng lai, tỷ giá hối đoái hiệu dụng thực và dự trữ chính thức của 9 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương từ năm 2006 đến 2016.
Vùng lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc có cán cân tài khoản vãng lai đi lên từ năm 2006, trong khi số liệu trên của Đại lục giảm khoảng 8% - mức giảm lớn thứ nhì của các nước châu Á - Thái Bình Dương. Nhân dân tệ thì tăng giá đến 45% trong giai đoạn 10 năm kể trên, trong khi won Hàn Quốc giảm giá nhiều nhất, hạ 16,5%. Cuối cùng, Trung Quốc có tỷ lệ dự trữ chính thức so với GDP giảm 12 điểm phần trăm, trong khi Đài Loan và Thái Lan có tỷ lệ dự trữ so với GDP tăng 12-13%, mạnh nhất trong thập niên qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.