Hành trình chinh phục đỉnh cao Sơ đồ tư duy của nữ sinh lớp 10

29/12/2022 09:00 GMT+7

Sau những thất bại hồi năm ngoái, một nữ sinh ở Hà Nội đã nỗ lực hết mình để giành giải vô địch khối lớp 10 trong cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022 (Vietnam Mindmap Championship 2022) vừa qua.

Nỗ lực luyện tập không ngừng

Để trở thành nhà vô địch sơ đồ tư duy năm 2022, Nguyễn Thùy Dương, học sinh lớp 10 Trường THPT Ngô Quyền (Hà Nội), cùng 103 học sinh từ lớp 1-12 đã xuất sắc vượt qua hơn 12.000 thí sinh trên cả nước để bước vào vòng chung kết tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM) hôm 18.12. Đây là “sân chơi” trí tuệ (từ tháng 6 đến 12) do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phối hợp Viện Kỷ lục Việt Nam tổ chức, với sự đồng hành của Bộ GD-ĐT và sự tài trợ của Tập đoàn Giáo dục Tâm Trí Lực và được Báo Thanh Niên bảo trợ truyền thông.

Nguyễn Thùy Dương (bên trái) giành giải vô địch khối lớp 10 trong cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022 (Vietnam Mindmap Championship 2022)

“Em vỡ òa cảm xúc khi được MC trong lễ buổi trao giải gọi tên mình. Em có hơi ‘mít ướt’, rơi nước mắt vì hạnh phúc và đây là kết quả cho một hành trình dài với nhiều sự nỗ lực của em”, Thùy Dương bộc bạch.

Trong suốt 7 tháng tham gia cuộc thi, mỗi tuần Thùy Dương dành 4 giờ thực hiện bài thi vẽ sơ đồ tư duy (mindmap) theo đề bài ban giám khảo đưa ra. “Em tự quay video bài thi hằng tuần rồi gửi cho hội đồng trọng tài. Vượt qua vòng bán kết, em có chút lo lắng vì thí sinh có 60 phút để hoàn thành bài thi vòng chung kết”, Thùy Dương cho hay.

Dù vậy, sau 3 tuần nỗ lực luyện tập không ngừng, cuối cùng nữ sinh này đã hoàn thành bài thi sơ đồ tư duy (mindmap) sớm hơn 10 phút ở vòng chung kết. Bài thi của Thùy Dương được đánh giá tốt nhất bởi ban trọng tài gồm 35 người, trong đó có Kỷ lục gia Siêu trí nhớ thế giới Nguyễn Phùng Phong, Chủ tịch Tổ chức Mindmap Việt Nam.

“Điều quan trọng nhất là một sơ đồ tư duy phải đảm bảo quy luật vẽ, cách chọn từ khóa, vẽ nhánh để làm sao người khác chưa biết gì về mindmap khi nhìn vào vẫn có thể hiểu được vấn đề, đồng thời thuyết phục được ban giám khảo”, Thùy Dương nói.

Bên cạnh đó, Thùy Dương nhận xét cuộc thi năm nay được mở rộng hơn về quy mô và cách tổ chức chuyên nghiệp hơn. Trong cuộc thi, nữ sinh có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn bè, chuyên gia quốc tế và những bậc thầy về sơ đồ tư duy, siêu trí nhớ như: giáo sư Marek Kasperski, Trưởng ban Trọng tài toàn cầu của Giải vô địch Sơ đồ tư duy và Đọc nhanh thế giới; thầy Dominic O’Brien, tượng đài Siêu trí nhớ với 8 lần vô địch thế giới, Trưởng ban Đạo đức cuộc thi Siêu trí nhớ thế giới; ông Teo Kim Foo, Chủ tịch Hội đồng Thể thao trí nhớ thế giới Malaysia - Phó chủ tịch Hội đồng Thể thao trí nhớ châu Á - Thái Bình Dương; công chúa Malaysia Tengku Faizwa Razif, người tổ chức Giải vô địch trí nhớ thế giới lần thứ 22 tại Malaysia.

Giáo sư Marek Kasperski nhận xét: “Qua hai lần tổ chức (2021 và 2022), chất lượng thí sinh ngày một tăng cao và tôi bất ngờ trước sự sáng tạo, thông minh của học sinh Việt Nam, các em tiếp thu mindmap rất nhanh để áp dụng vào việc học của mình”.

Theo ông Marek Kasperski, tính đến nay, hơn 300.000 học sinh ở Việt Nam được đào tạo về mindmap. Ông cũng đánh giá cao nỗ lực to lớn của Kỷ lục gia Siêu trí nhớ thế giới Nguyễn Phùng Phong, Chủ tịch Tổ chức Mindmap Việt Nam và Tập đoàn Giáo dục Tâm Trí Lực khi giới thiệu mindmap, phương pháp “5 phút thuộc bài” và ứng dụng vẽ mindmap trên các thiết bị điện tử (sắp chính thức ra mắt vào năm 2023).

https://giupconhocgioi.5phutthuocbai.com/

https://app.vmindmap.com.vn/

Vượt qua cảm giác muốn bỏ cuộc

Sau một lần tình cờ xem được video về mindmap của Kỷ lục gia Siêu trí nhớ thế giới Nguyễn Phùng Phong, Thùy Dương bắt đầu tìm hiểu và tham gia những lớp học trực tuyến về sơ đồ tư duy và phương pháp “5 phút thuộc bài” của Tập đoàn Giáo dục Tâm Trí Lực.

Các Mindmap của nhà vô địch Nguyễn Thùy Dương

Từ đó, Thùy Dương thử sức với cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam đầu tiên vào năm 2021. “Khi đó, em từng có cảm giác muốn bỏ cuộc giữa chừng, hơi thất vọng vì nhiều bài thi chưa đạt yêu cầu và không đạt được bất kỳ giải nào vào năm ngoái. Thế là, em quyết phải chinh phục giải nhất trong cuộc thi năm nay để thỏa sức đam mê”, nữ sinh Hà Nội cho hay.

Kể từ khi áp dụng phương pháp mindmap và “5 phút thuộc bài”, Thùy Dương cho hay việc học các môn trên lớp trở nên nhẹ nhàng và nữ sinh có thể nhớ bài lâu hơn. Thùy Dương nói: “Em nghĩ rằng mindmap có thể được áp dụng cho tất cả môn học”.

Bên cạnh đó, nữ sinh này nỗ lực giới thiệu, hướng dẫn cho gần phân nửa các bạn học cùng lớp về phương pháp vẽ sơ đồ tư duy và “5 phút thuộc bài”. “Một số bạn cho rằng không có khiếu vẽ thì không vẽ được mindmap. Tuy nhiên, em giúp các bạn hiểu rằng không nhất thiết vẽ đẹp mới vẽ được sơ đồ tư duy, quan trọng là quá trình bạn tư duy trong lúc vẽ mindmap”, Thùy Dương chia sẻ.

Một số bạn cùng lớp khác ban đầu còn khuyên Thùy Dương từ bỏ cuộc thi. Thùy Dương cho hay: “Các bạn đó nói rằng em không lo tập trung học tập mà cứ vẽ suốt ngày. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến hành trình em đạt giải, các bạn có cái nhìn khác về mindmap và em cũng sẵn sàng chia sẻ bí quyết với các bạn”.

Ngoài ra, một thầy dạy vật lý tại Trường THPT Ngô Quyền (Hà Nội) cũng trở nên thích thú và muốn áp dụng cũng như lan tỏa phương pháp sơ đồ tư duy cho nhiều học sinh hơn sau khi đề nghị Thùy Dương vẽ mindmap tóm tắt nội dung chương 2 trong sách vật lý.

Cuộc thi năm nay đã tìm ra 12 nhà vô địch, giúp nâng trí tuệ Việt lên tầm vóc mới trong bản đồ tư duy thế giới và có thể được chọn để đăng cai quốc tế. Ông Nguyễn Phùng Phong nhận xét: “Chất lượng bài thi của thí sinh năm nay khá vượt trội. Các em đã vượt xa mong đợi của các thành viên trong ban tổ chức. Những bài thi đều cho thấy sự sáng tạo không có biên giới của thí sinh Việt Nam trong việc tạo ra các sơ đồ tư duy hiệu quả. Sau cuộc thi, các nhà vô địch sẽ tiếp tục được đào tạo để tham gia những giải thi đấu Sơ đồ tư duy trong khu vực và thế giới, đồng thời trở thành những “đại sứ” lan tỏa phương pháp mindmap để việc học trở nên dễ dàng, nhẹ nhàng hơn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.