Các bạn trẻ khảo sát sinh vật biển tại bãi Hỏm, bờ biển Thái An, Ninh Thuận - ảnh: Tuyết Vân |
Trước khi khởi hành tại ga Sài Gòn, các bạn cùng khách mời được chia làm 3 đội (8 người/đội), gồm đội tiết kiệm nước, đội tiết kiệm điện và đội tiết kiệm giấy với yêu cầu mỗi đội phải xây dựng một thông điệp và giá trị riêng cho mình. Các đội đã có một màn trình diễn ngoạn mục giới thiệu về đội mình qua việc thiết kế biểu tượng cờ đội, dấu hiệu nhận dạng và sáng tác bài hát.
Lắc lư trên tàu lửa gần 10 giờ, đoàn đến ga Tháp Chàm. Các bạn ghé thăm tòa tháp Poklong Girai để chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc và tìm hiểu tổng quan về lịch sử, văn hóa, tôn giáo và lễ hội của người Chăm. Từng đội nhận kinh phí và tự tìm cách di chuyển đến làng Bầu Trúc để học và làm 1 sản phẩm gốm cũng như phải kết nối với người dân bản địa để tìm hiểu các tập tục văn hóa của họ.
Trải qua một ngày cùng nấu ăn, sinh hoạt, các bạn đã thu thập được một khối lượng kiến thức đáng kể như: biết được sự khác nhau trong sinh hoạt, tôn giáo và lễ hội của người Chăm Bà-ni, Chăm Bà-la-môn và Chăm Islam, biết được sự phân công và quản lý của chế độ mẫu hệ, vai trò chức sắc tôn giáo, tục thờ linga và yoni, lễ nhập kút (nghi lễ trong đám ma của người Chăm)…
Bạn Đào Thị Bích Vân - sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM với dự án "Xây dựng kênh phát thanh trực tuyến sống xanh" và Nguyễn Ngọc Huy Vũ - sinh viên trường ĐH Bách khoa TP.HCM với dự án "Xây dựng trang web muaxanh.com dựa trên nguyên tắc mua theo nhóm có tích hợp chương trình giải trí cổ động bảo vệ môi trường" đã được chọn tham dự giải thưởng Lãnh đạo toàn cầu trong chuyến du khảo sinh thái tại Leverkusen (Đức) dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10.2011. |
Khi thủy triều rút, từng đội xuyên rừng, men theo đường bờ biển Thái An để khảo sát đa dạng sinh học biển tại bãi Hỏm. Dưới cái nắng chói chang và thiên nhiên khắc nghiệt, các đội căng dây chia ô, say sưa lật từng mỏm đá tìm những loài sinh vật biển. Với nhiều bạn, đây là lần đầu được chạm tay vào hải sâm, cua biển, nhím biển, cầu gai.
Những ngày sau, mọi người tham gia trò chơi vận động ở biển Bình Tiên để học cách phát triển kinh tế và bảo tồn môi trường bền vững. Học cách sinh tồn khi giải mật thư tìm đường vượt rừng trong đêm để đến được trạm cứu hộ. Ngày cuối cùng của chuyến hành trình, các bạn đã đến xã vùng xa để gặp gỡ 200 em thiếu nhi dân tộc và trang trí lớp học tại trường Tiểu học Phước Đồng (Phước Hậu, Ninh Phước). Sống và làm việc cùng nhau đã giúp các bạn nhận ra nhiều điều. Khan Khiết Lệ - sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chia sẻ: "Đây là dịp để em tự nhìn lại bản thân, em đã biết chấp hành kỷ luật chung, biết xây dựng tinh thần đồng đội khi làm việc nhóm, biết xóa bỏ những khoảng cách, rào cản và cái tôi cá nhân để sống cùng với các bạn và làm những việc có ích cho môi trường".
Tuyết Vân
Bình luận (0)