Hành trình đạo nghĩa: Hồi hương

02/05/2014 02:20 GMT+7

Chiếc C17 to kềnh càng cất cánh, mang theo trên đó 3 hài cốt và di vật ít ỏi, đó là ba con người sau nhiều năm nằm lại ở một chiến trường mà họ, với một lý do nào đó đã tham chiến.

Chiếc C17 to kềnh càng cất cánh, mang theo trên đó 3 hài cốt và di vật ít ỏi, đó là ba con người sau nhiều năm nằm lại ở một chiến trường mà họ, với một lý do nào đó đã tham chiến.

Hồi hương
Chuẩn bị đưa hài cốt và di vật người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở VN lên máy bay - Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh

Ba con người trong số 58.256 người trên bức tường ở Washington, ba số phận nghiệt ngã trong chiến tranh hôm nay đã trở về nơi họ đã ra đi...

Trở lại chiến trường xưa

Ngày 2.4, tôi gặp lại Gregory Jones, Phó văn phòng MIA Mỹ tại Hà Nội (DET2) ở sân bay quốc tế Đà Nẵng. Trong quân phục cấp hàm trung tá,  trông Jones khác hẳn so với hôm cùng ngồi với anh trên chuyến trực thăng bay từ Đà Nẵng lên huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). Hôm đó, dù được đại tá Đào Xuân Kính, Chỉ huy trưởng Cơ quan MIA (Bộ Quốc phòng) - Phó giám đốc Cơ quan VN tìm kiếm người mất tích (VNOSMP), giới thiệu tên tuổi và chức vụ, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn có cảm giác Jones như một thanh niên hiếu động. Suốt chuyến bay, Jones mải mê chơi game và thỉnh thoảng lại cười một mình.

Ngày 2.4 là một ngày quan trọng đối với trung tá Gregory Jones, ngày mà đồng đội của anh theo chiếc C17 từ Mỹ bay sang để tiếp nhận 3 bộ hài cốt và di vật người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở VN được tìm thấy trong đợt tìm kiếm trên.

Trước đó, ngày 18.3, đại tá Đào Xuân Kính, trung tá Gregory Jones, một người phiên dịch và một người ngoại đạo là tôi bay từ Đà Nẵng lên Ngọc Hồi. Từ trực thăng, chúng tôi thấy rõ một dãy lán lợp bạt màu xanh dựng lên trên đỉnh đồi. Đại tá Kính cho biết đó là khu vực tìm kiếm hài cốt một người lính Mỹ mất tích trong chiến tranh nằm trong đợt hoạt động hỗn hợp Việt - Mỹ lần thứ 114 được tiến hành từ ngày 17.2 đến 2.4 với 4 đội khai quật tại 5 tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, Khánh Hòa, Gia Lai và ở đây, Kon Tum.

Từ bãi đáp của trực thăng, phải leo qua mấy ngọn đồi để đến chỗ đội hỗn hợp đang tìm kiếm. Giữa đường, trung tá Gregory Jones và một cộng sự từ đội tìm kiếm dừng lại bên một hố bom lớn hầu như còn y nguyên vì nó ở trên đỉnh đồi nên không bị bồi lấp, không biết họ đã nói gì với nhau rất lâu. Còn tôi, không nói cho đại tá Kính và trung tá Gregory Jones biết nhưng trong lòng dấy lên một cảm xúc khó tả, đây là chiến trường xưa tôi từng chiến đấu, nhiều đồng đội của tôi cũng đã ngã xuống nơi này. Nhưng oái oăm thay, hôm nay tôi không có chủ đích đi tìm đồng đội của mình mà cùng họ đi tìm người ở phía bên kia, đồng đội của Jones.

 Hồi hương 2
Đoàn đại diện của Tổng lãnh sự quán Mỹ và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương trên chiếc vỏ lãi khi thăm hiện trường ở ấp 1A, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: Độc Lập

Lúc chúng tôi đến, cả đội tìm kiếm với sự giúp sức của rất nhiều người dân địa phương đang làm việc. Đại tá Kính cho biết hiện trường khai quật ở đây thuộc địa bàn xã Đak Dục, huyện Ngọc Hồi. Quy trình tìm kiếm được tổ chức theo mô hình VRT là sáng kiến của phía VN. Mô hình này đã giúp phía Mỹ tìm kiếm thành công nhiều vụ mất tích nơi địa hình khó khăn, phức tạp và rất tiết kiệm về mặt chi phí nên được đánh giá cao.

Trở về

11 giờ trưa ngày 2.4, tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, đại tá Đào Xuân Kính, chủ trì lễ trao trả 3 bộ hài cốt và di vật người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở VN cho đại diện chính phủ Mỹ. Tham dự buổi lễ có đại diện Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, Lực lượng hỗn hợp kiểm kê tù binh và người mất tích Mỹ (JPAC), trung tá Julian Tran, Trưởng văn phòng MIA Mỹ tại VN...

Trên một chiếc bàn đặt ngay giữa sân bay có ba cái hòm nhỏ, được đánh dấu từ 1 đến 3. Đó là 3 bộ hài cốt và di vật người Mỹ mất tích trong chiến tranh được các đội hỗn hợp tìm kiếm Việt -Mỹ tìm thấy trong đợt hoạt động thứ 114 ở các tỉnh Khánh Hòa, Gia Lai và Bạc Liêu. Theo kết luận của chuyên gia pháp y hai nước khi giám định chung tại Đà Nẵng, các hài cốt và di vật tìm thấy có liên quan đến các trường hợp quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh và đề nghị chuyển về Hawaii (Mỹ) để xác minh thêm. Một chuyên gia nhân chủng học cùng các cộng sự đang làm những thủ tục cần thiết.

Các hòm đựng hài cốt và di vật được chuyển lần lượt vào từng chiếc hòm kẽm lớn, phủ quốc kỳ Mỹ. Đội danh dự từ phía máy bay tiến ra. Sau phần nghi thức, đội danh dự đã đưa lần lượt từng hòm kẽm lên chiếc C17. Phi hành đoàn và các quân nhân Mỹ đứng nghiêm trang, tay đưa lên vành mũ, chào theo kiểu nhà binh.

Hoạt động tìm kiếm hài cốt người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở VN là hoạt động nhân đạo giữa hai chính phủ Việt - Mỹ. Đây là đợt trao trả hài cốt thứ 130 kể từ năm 1973. Phát biểu tại buổi lễ, đại diện phía Mỹ cám ơn và đánh giá cao chính sách nhân đạo, thiện chí và sự hợp tác tích cực, sự giúp đỡ ngày càng có hiệu quả của Chính phủ và nhân dân VN trong hoạt động tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Nguyễn Thế Thịnh

 >> Tổng lãnh sự Mỹ thăm hiện trường MIA
>> Hồi hương hài cốt người Mỹ mất tích trong chiến tranh
>> Khai quật hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.