Hành trình theo đuổi đam mê...

13/02/2023 10:00 GMT+7

Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, chàng thanh niên đã tạo nên tên tuổi trong làng thiết kế dù chưa được đào tạo qua trường, lớp.

Xuất thân từ Đắk Lắk, vào TP.HCM học tập và lập nghiệp với nghề ảo thuật gia, Nguyễn Trọng Tín (28 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) lại dần bén duyên với công việc thiết kế cổ phục sân khấu và gắn bó đến bây giờ.

TAY NGANG BƯỚC VÀO NGHỀ

Vào TP.HCM, Tín theo học lớp diễn xuất của sân khấu kịch để bổ trợ cho hoạt động diễn ảo thuật. Trong một lần đi diễn, nhận thấy thiếu trang phục cho những vở kịch thiếu nhi, Tín nảy sinh ý định thiết kế cổ phục sân khấu.

Để chuẩn bị rẽ sang công việc mới, Tín tìm cách trau dồi kiến thức, học hỏi trong sách vở và trên mạng. Ban đầu Tín chỉ nhận làm những bộ giáp thiên binh, thiên tướng, những con vật dưới long cung… cho các vở kịch thiếu nhi. Sau đó, khi đã quen nghề, Tín bắt đầu thiết kế cổ phục sân khấu và đạo cụ cho các vở diễn lớn.

Hành trình theo đuổi đam mê - Ảnh 1.

Trọng Tín tỉ mỉ trong công việc thiết kế cổ phục sân khấu

Tuyết Cẩm

Trong thời gian ở nhà vì dịch Covid-19, Tín sáng tạo các mẫu thiết kế, sau đó đăng thành phẩm lên kênh TikTok và đã được nhiều người trong giới làm phim, sân khấu cải lương biết đến.

Đầu năm 2022, Tín tập trung vào công việc thiết kế cổ phục sân khấu. Nhớ lại những khó khăn ngày đầu bước vào nghề, anh kể: "Thời điểm đó mình không biết may mà chỉ biết vẽ thôi. Việc tìm kiếm chất liệu ở VN cũng khá khó khăn. Thời gian ban đầu làm sai và bỏ rất nhiều, âu cũng vì mình là một tay ngang bước vào nghề, chưa có kinh nghiệm. Làm một thời gian mình mới rút kinh nghiệm và làm chuyên nghiệp hơn".

Quá trình hoàn thiện một bộ trang phục trải qua rất nhiều công đoạn như: tìm mẫu, lên ý tưởng, tìm nguyên liệu và phụ liệu, vẽ, cắt may, sơn phủ, ráp áo… "Công đoạn nào cũng yêu cầu người thiết kế phải thật khéo léo, tỉ mỉ trong từng chi tiết, làm sao để thể hiện được cái hồn của bộ trang phục", Tín chia sẻ.

Đối với những bộ đồ đơn giản, Tín mất tầm 3 - 5 ngày để hoàn thành; với những bộ áo giáp chi tiết phức tạp có khi mất từ 2 tuần đến 1 tháng mới xong. Giá bán một bộ đồ dao động từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, giá thuê từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng.

ĐƯA NHỮNG GIÁ TRỊ XƯA ĐẾN GẦN MỌI NGƯỜI HƠN

Tín thường quay clip hướng dẫn hoặc đến tận nơi hướng dẫn cách mặc trang phục mỗi khi giao thành phẩm cho khách. "Mình luôn muốn khách hàng mặc những bộ đồ phù hợp nhất, đẹp nhất. Khi bước lên sân khấu trình diễn, họ thấy tự tin và thoải mái thì bản thân mình cũng cảm thấy hạnh phúc và hãnh diện, vì mình được đóng góp một phần nhỏ trong việc hoàn thành vai diễn của họ", Tín bày tỏ.

Cải lương, tuồng cổ là loại hình nghệ thuật lâu đời của VN, do đó trang phục dành cho bộ môn này cũng đòi hỏi yêu cầu cao và cần đúng bối cảnh lịch sử. Để thiết kế được những mẫu trang phục đẹp và đúng, Tín phải tìm đọc tài liệu của các nhà nghiên cứu lịch sử. "Mình có thiết kế lại cho phù hợp để khi mặc lên người sẽ nhẹ và tiện hơn. Ví dụ mình thay những mặt bợm sắt bằng những những miếng xé dán nhẹ hơn, tiện cho việc giặt giũ, vận chuyển", Tín cho hay.

Với Trọng Tín, đến với nghề thiết kế cổ phục là một cái duyên lớn. "Trong công việc, mình luôn suy nghĩ rằng mình không tài giỏi, nhưng chịu khó học hỏi, mày mò và đặt hết tâm huyết vào sản phẩm", Tín tâm sự.

Hành trình theo đuổi đam mê - Ảnh 2.

Trang phục Trọng Tín thiết kế cho các nghệ sĩ cải lương trình diễn

NVCC

Hiện tại, Trọng Tín chuyên thiết kế trang phục mảng sân khấu. Tín mong muốn đẩy mạnh thiết kế qua các chủ đề khác như trang phục về game và phim cổ trang. "Mình luôn mong muốn tạo dựng một bộ sưu tập thời trang cổ từ thời Lạc Long Quân, Âu Cơ và các anh hùng dân tộc của VN, qua đó đưa lịch sử đến gần hơn với các bạn trẻ, giúp các bạn có cái nhìn thực tế hơn về các sự kiện đã học trong sách vở", Tín nói thêm.

Là người đồng hành cùng Trọng Tín trong công việc thiết kế trang phục cổ, chị Nguyễn Thị Anh Đào (38 tuổi, ngụ P.6, Q.8, TP.HCM) nhận xét: "Trọng Tín dù không được đào tạo chuyên về thiết kế nhưng em tự học rất nhanh. Qua quá trình làm việc chung, tôi thấy em thật sự đam mê và có sự sáng tạo mãnh liệt với nghề. Em làm việc khá tỉ mỉ, ngay cả những chi tiết rất nhỏ nhặt nhất".

Đến nay Trọng Tín đã có những khách hàng đặt may thường xuyên, chủ yếu là giới nghệ sĩ sân khấu kịch, cải lương. Nhìn lại chặng đường đã qua, Tín không khỏi tự hào khi đã đầu tư rất nhiều để đưa những giá trị xưa đến gần hơn với mọi người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.