Hành trình trên đất Mỹ - Kỳ 3: Tản mạn Ground Zero

07/07/2005 23:02 GMT+7

Ground Zero là thuật ngữ chỉ vùng bình địa ngay chỗ một quả bom nguyên tử phát nổ, không còn gì sống sót cả. Sau vụ tấn công khủng bố bằng máy bay vào Trung tâm Thương mại thế giới tại New York ngày 11/9/2001, giới truyền thông Mỹ đã gọi nơi mà hai tòa tháp đôi của trung tâm bị phá sập này là Ground Zero.

Tôi quay trở lại Ground Zero lần thứ hai trong ngày vào buổi chiều, khi mà lần đầu trong buổi sáng đã phải vội lướt qua nhanh... Và giờ thì phải hối hả bởi không còn nhiều thời gian ở New York và phải bồn chồn suốt 45 phút trên taxi bởi nạn kẹt xe của thành phố hơn 8 triệu dân này. Người tài xế taxi tên Joseph dửng dưng với sự nối đuôi xe chờ đợi, nhưng cũng tỏ ra là người biết chuyện. Anh ta khuyên, nếu là du khách đến Ground Zero lần đầu, hãy tìm gặp Lee Ielpi. Tôi nói mình chỉ còn lưu lại New York đến 8h00 tối và không biết Lee là ai, Joseph mới bắt đầu kể.

Ngày 29/6, mô hình thứ ba về tháp Tự Do của KTS David Childs đã được công bố chính thức sau khi các đề án trước đây bị đánh giá là chưa bảo đảm về độ an toàn và an ninh. Tòa tháp này cao 541 mét (hay 1.776 feet - con số tượng trưng cho năm Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ) chưa kể ăng-ten lắp trên đỉnh, dự kiến sẽ được xây từ đầu năm 2006 ngay trên hơn 3.600m2 nền cũ của tòa tháp đôi. Đó là một cấu trúc hình khối có nếp, chóp nhọn, dự kiến hoàn thành vào năm 2009, nối liền với khu tưởng niệm nạn nhân 11/9  và "có thể thay thế và gợi nhớ  hình ảnh của hai tòa tháp đã mất", theo lời người thiết kế.

Khi Lee Ielpi, một người lính cứu hỏa đã về hưu nhìn thấy nhiều du khách lang thang với những câu hỏi ở khu Ground Zero, ông chợt lóe ra ý tưởng rằng mình cần phải tổ chức một tour tham quan bằng những câu chuyện kể. Như thế, hàng triệu người đến khu Manhattan Hạ có thể hiểu thấu nỗi kinh hoàng và những gì xảy ra ở Ground Zero thông qua lời của những người trong cuộc cũng như các nhân chứng. Với tư cách là Phó chủ tịch Hội Gia đình nạn nhân vụ 11/9, với tình cảm của một người cha đã mất đứa con trai là Jonathan, 29 tuổi, cũng là lính cứu hỏa và thiệt mạng khi tòa tháp đôi đổ ập xuống, Lee bắt đầu tập hợp, huấn luyện và dẫn dắt những người tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch. Theo ông, "chúng tôi muốn mọi người đến đây đều được nghe kể về những việc thật bởi những con người thật". Nhiều cuộc ghi âm đã được tiến hành bởi nhóm của Ielpi mang tên StoryCorps, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm tạo nên những trang sử-bằng-lời cho Ground Zero. Trong khi các gia đình kể trước máy ghi âm về kỷ niệm với con em họ đã qua đời trong đống đổ nát kinh hoàng, những người khác dù không có liên quan gì đến sự kiện 11/9 cũng có thể nói lên cảm nghĩ của mình và cũng được thu. Tất cả sẽ được chắt lọc và phát ra cùng với phần dẫn dắt của các tour guide kể từ tháng 9 năm nay tại trung tâm Tribute, góc phía nam Ground Zero. Và người ta cũng đang vận động để xây dựng một khu tưởng niệm tạm thời, trong khi chờ đợi xây dựng khu tưởng niệm chính thức theo thiết kế của Michael Arad đến năm 2009.

Rồi thì bước chân tôi cũng đặt được trên đường Liberty, nơi ngăn cách với Ground Zero bởi một vỉa hè rộng và một lớp rào cao, thưa. Chỉ là một bãi đất trống rộng mênh mông, trũng thấp như một cái hố khổng lồ, gió lùa vào từ khoảng trống của những ngôi nhà chọc trời bao chung quanh. Khoảng giữa lòng trũng có một tượng đài nhỏ nhô cao. Vòng quanh chu vi của bãi trống ấy, người ta trồng cây, đã cao tầm gần hai mét, lác đác cây còn điểm hoa trăng trắng. Tôi rẽ qua phố West, tòa nhà Landmark số 90 tiếp giáp với khu Trung tâm Thương mại thế giới, từng bị tổn thất nặng nề bởi vụ khủng bố, đã được sửa chữa hoàn tất và vừa khai trương ngày 6/3/2005. Các tòa nhà khác ở lân cận nay cũng đã được tân trang, phô ra sự lành lặn trong ánh nắng chiều. Tất cả tạo nên cảm giác về một sự hồi sinh, trừ Ground Zero. Hồi cuối tháng 2, Tổ chức Giám định pháp y Hoa Kỳ đã chính thức thông báo, với tận cùng nỗ lực phân tích DNA, họ vẫn không thể nhận dạng được 1.161 người trong số 2.749 nạn nhân được cho là đã chết hay mất tích sau vụ 11/9. Ellen Borakove, người phát ngôn của tổ chức pháp y nói, đó sẽ là những nạn nhân vô danh và những người thân của họ hãy luôn giữ  ý nghĩ rằng "anh ấy hay cô ấy đã đi làm vào một ngày và mãi mãi không bao giờ quay trở lại nhà...".

Mô hình thứ ba về tháp Tự Do của KTS David Childs

Joseph lái xe vòng vòng, đợi đón tôi chặng về. Xe vẫn phải chạy chậm; tôi nói với anh rằng mình và các anh em cùng đơn vị đã có những dấu ấn sâu sắc, nhiều kỷ niệm tác nghiệp liên quan đến sự kiện 11/9. Rồi tôi cũng thông tin chuyện lâu nay, Chính phủ VN đã  phối hợp tích cực với Chính phủ Mỹ trong việc chống nạn khủng bố; đặc biệt sự hợp tác nhiều mặt càng tốt hơn trong thời gian tới. Joseph bảo: "Tôi biết, mấy ngày qua đọc báo, xem ti vi đã rõ chuyện ấy, kể cả việc các bạn giúp chúng tôi tìm người mất tích trong chiến tranh, cảm kích lắm!". Không khách sáo, Joseph, tôi chia sẻ cảm nghĩ cùng anh và vẫn phải cảm ơn anh về câu chuyện tản mạn trong buổi chiều đến với Ground Zero.

Nguyễn Quang Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.