Hành trình trên đất Mỹ - Kỳ 4: Nhỏ nhoi dòng chảy ngược

08/07/2005 23:51 GMT+7

Dòng chảy ngược, khái niệm do một đồng nghiệp của chúng tôi đưa ra khi phỏng vấn Phó thủ tướng Vũ Khoan nhân kết thúc chuyến thăm nước Mỹ. Có thể thấy, bên cạnh những dòng chảy xuôi cuồn cuộn của kiều bào Việt Nam tại Mỹ hướng về cội nguồn, hướng về hiện tại và tương lai Việt Nam với tấm lòng và sự ủng hộ nhiều mặt, vẫn còn đơn độc dòng chảy ngược bộc lộ sự quá khích, thù hằn.

 

Họ tụ tập thành từng nhóm, ít thì vào khoảng vài ba mươi người, đông lắm cũng chỉ độ trên dưới hai trăm, tay cầm cờ chế độ Sài Gòn cũ, tay mang mấy tấm băng được viết vội với nội dung chống lại cuộc gặp lịch sử Việt Nam - Mỹ đòi nhân quyền, dân chủ. Trớ trêu thay, bởi, họ đứng bên lề những giá trị mà cả chính phủ và người dân hai nước - trong đó có đông đảo kiều bào - đã xây dựng trong nhiều năm qua nên lạc lõng những bước chân, những tiếng loa, kể từ chặng đầu tiên chúng tôi đến TP Seattle cho đến khi chúng tôi từ TP Boston rời nước Mỹ. Quanh khách sạn Fairmont Olimpic ở Seattle, họ diễu hành vòng vòng với sự kích động của một người đàn ông tự xưng là H., phóng viên của tờ báo điện tử Viettin vùng Los Angeles vừa mới lập ra vài ba tháng, với sự lu loa của một phụ nữ xưng là T., người dẫn chương trình của một số talkshow trên Truyền hình Việt ngữ vùng Bắc Cali. Chúng tôi đã có cuộc tranh luận với T. Cô ta chưa từng về để chứng kiến cuộc sống đổi thay ngày càng tốt đẹp hơn ở VN mà chỉ nói về một số thông tin trên các báo điện tử theo ý chủ quan của  mình mà thôi.

 

Ở Washington DC, vẫn là họ, ồn ào trong công viên dọc theo đại lộ Pensylvania từ sáng sớm, bên cạnh sự dửng dưng của những công dân Mỹ trên đường đi làm và cả của những thiếu niên Mỹ đến tụ tập chơi đùa ngay phía trước vòng rào Nhà Trắng. Được kích động bởi cái cảm giác bị vô hiệu hóa lẫn ánh nắng ngày hè, họ tràn lên tấn công cánh nhà báo Việt Nam lúc vừa rời Nhà Trắng, sau cuộc họp báo ở phòng Bầu dục, khi mà các nhà nguyên thủ hai nước Mỹ-Việt vừa đưa ra tuyên bố nâng quan hệ hữu nghị hợp tác lên một tầm cao mới. Chai nước, cán cờ, ly cốc bằng sứ, những nắm tay được họ sử dụng một cách tuyệt vọng. Tôi và các đồng nghiệp của mình không phản ứng lại bằng tay chân, chỉ lo giữ thân mình không sứt mẻ, bởi suy cho cùng mình manh động là tự đánh đồng với họ. Một số nhà báo chúng tôi bị họ đánh vào người, nhưng không nặng và anh em cùng chạy về hướng những chiếc xe của nhân viên an ninh Mỹ, người chậm chân được các cảnh sát đưa trở lại vào trong khuôn viên Nhà Trắng và sau đó được hộ tống về khách sạn. Gần đến xe, tôi ngoái cổ lại và may mắn né đầu  khỏi một cái ly uống nước bằng sứ màu men xanh lục; cái ly va mạnh vào lớp kính chắn đạn, vỡ tan.

 

Đây là dòng nước ngược. Ngày trước nó có thể là con suối nào đó, giờ đang biến dần thành cái rãnh và sẽ tàn lụi theo thời gian. Theo đà phát triển của quan hệ hai nước và đặc biệt là theo đà phát triển của đất nước ta, tôi đã đi Mỹ nhiều lần từ khi còn bao vây cấm vận cho đến khi bình thường hóa, đến giờ, tôi thấy rõ hình ảnh dòng nước ấy đã teo dần đi. Dư luận Mỹ đối với chuyến đi rất cởi mở, không hề có biểu tình của dân địa phương mà chỉ còn nhóm rất nhỏ những người gọi là vô vọng, cố vớt vát để khơi dậy nhưng không được công chúng xung quanh hưởng ứng... (Phó thủ tướng Vũ Khoan)
Phía trước khách sạn Williard, nơi chúng tôi tạm ngụ tại Washington DC, lại một nhóm hơn trăm người tụ tập, la lối, phe phẩy những lá cờ may bằng vải nhiều màu mà nhân danh mình là người đòi tự do tôn giáo. Xem ra, nhóm này ít manh động hơn và cũng không có cơ hội để manh động bởi rào chắn của nhân viên cảnh sát Mỹ. Vào xế chiều cùng ngày 21.6, lại bảy, tám mươi người trong số họ tụ tập sát vào cửa khách sạn May Flower, nơi diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Mỹ. Xuống xe taxi, một tay tôi giữ túi đồ nghề, một tay vừa che đầu vừa vẹt đường mà bước, cũng kịp nhìn thấy những gương mặt xa lạ đang căng ra hung hãn, đang gào lên và những ống kính máy ảnh chĩa vào mình. Một nắm đấm trượt ngang hông và một vật cứng thít vào lưng tôi. Rồi người chợt nhẹ tênh giữa đôi tay lực lưỡng của hai nhân viên bảo vệ cao to ấn tôi vào bên trong lớp cửa. Ngay sau đó, đám đông tụ tập bị lực lượng cảnh sát đẩy sang phía bên kia đường. Lúc sau thì họ dần giải tán.

 

 Ngày 22.6, mọi sự yên ắng. Thông cáo chung Việt Nam - Mỹ đã được loan báo trên nhiều kênh truyền hình chiều và đêm hôm trước. Chẳng còn lý lẽ tồn tại việc kêu gào, sự tan rã của họ như một lẽ tất nhiên. Ở phía trước Thị trường chứng khoán New York ngày hôm sau nữa, chúng tôi nhìn thấy vài ba người đơn độc và nhớn nhác với chiếc cờ ba sọc trong dãy nhà chờ đối diện với New York Bank. Ở TP Boston, tại công viên trước Viện MIT ngày 24.6, một nhóm mấy mươi người của họ cũng tụ tập, nhưng xem ra khí thế chẳng còn bao nhiêu, rồi cũng phải giải tán trước sự áp sát của cảnh sát kỵ binh và cảnh sát mô tô khu Cambridge.

 

Tất cả vỏn vẹn chỉ có thế. Tôi cứ ngờ ngợ bởi ở những nơi khác nhau lại nhìn thấy trong số họ những gương mặt mà mình đã gặp lần trước. Hơn trăm người mà trong số đó có thể vì dăm lý do riêng lẻ, được giật dây cũng chỉ là dòng chảy ngược nhỏ nhoi trong cộng đồng gần 1,3 triệu bà con kiều bào ta trên đất Mỹ. Những cái cớ mà họ vin vào đã không tồn tại, chỉ là chiêu bài cho động cơ nào khác. Dưới ống kính cận ảnh của báo, đài nước ngoài, họ cố làm cho mình lớn ra, nhưng thực sự đã cùn mòn trong sự lạnh nhạt  của cộng đồng, bèo bọt dưới những cột mốc dần cao  trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Mỹ.

 

Nguyễn Quang Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.